27/06/2018 20:31 GMT+7

Áp lực của người ra đề thi

VĨNH HÀ - HOÀNG HƯƠNG
VĨNH HÀ - HOÀNG HƯƠNG

TTO - Không phải lần đổi mới đề thi nào cũng thành công và được dư luận cũng như người trong nghề ủng hộ.

Áp lực của người ra đề thi - Ảnh 1.

Các cán bộ coi thi đếm số bài thi của thí sinh trước khi nộp về Hội đồng thi - Ảnh: NHƯ HÙNG

Đề thi cấp toàn quốc có cả triệu người đọc nên chúng tôi phải cân nhắc đến từng chữ, từng từ.

(Lời một giáo viên THPT ở TP.HCM từng tham gia ra đề thi THPT quốc gia)

Áp lực đè nặng trên vai người ra đề thi khi họ luôn phải trả lời câu hỏi: "Ra đề theo kiểu cũ để giữ sự an toàn cho mình hay đổi mới để nhận sóng gió với những lời khen chê khác nhau?".

Nhiều cái... nhưng!

"Trước tình trạng học vẹt, học tủ rồi làm bài thi theo cách trả bài, thiếu cảm hứng và chai sạn cảm xúc, tôi nghĩ cần phải đổi mới cách ra đề thi trong kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 để tác động vào quá trình dạy và học của thí sinh. 

Rất may là ý tưởng này được ban giám đốc sở ủng hộ. Nhưng..." - một cán bộ Sở GD-ĐT TP.HCM (đề nghị không nêu tên) tâm sự khi TP.HCM quyết định đổi mới nội dung đề thi tuyển sinh lớp 10 cách đây hơn 6 năm.

Theo cán bộ trên: "Có rất nhiều cái nhưng: học sinh lúng túng, không làm được bài vì đã quen với cách học cũ, giáo viên thì "mất mặt" với phụ huynh vì đề thi ra không trúng với những gì giáo viên ôn trên lớp. Đề thi mà lấy văn bản bên ngoài thì làm sao mà trúng được. 

Mặc dù trước đó khi triển khai về chuyên môn, chúng tôi đã nói rất kỹ về đổi mới. Tuy vậy, nhiều giáo viên vẫn chú trọng việc dạy kiến thức hơn là kỹ năng, phương pháp... 

Thế nên, có nhiều ý kiến trái chiều về sự thay đổi ấy: các trung tâm dạy thêm, luyện thi phản ứng dữ dội vì đề thi ra theo hướng kiểm tra năng lực thí sinh dần dần sẽ triệt tiêu tình trạng luyện thi; giáo viên phản ứng vì khó đoán đề, dạy thêm cho học sinh cũng rất khó. 

Có người phản ứng trực tiếp vì đề thi đã đi ngược lại xu hướng giảng dạy của 1-2 cá nhân nổi tiếng nào đó trong ngành giáo dục". Thậm chí, có cô giáo cũ của người ra đề đã yêu cầu: "Để cô về hưu rồi muốn đổi mới gì thì đổi...".

Dù không công bố rộng rãi nhưng thông tin về người ra đề thi luôn là đề tài hấp dẫn và nhiều người trong ngành giáo dục vẫn biết được một cách chính xác đó là ai. Vì vậy, áp lực đối với người ra đề không chỉ là vì dư luận săm soi, bình luận; không chỉ là chuyện học sinh làm được bài hay không, có phù hợp với tính chất của kỳ thi hay không... 

Áp lực của người ra đề còn là những "gửi gắm" của đồng nghiệp thân quen, của thầy cô giáo cũ hiện vẫn đang dạy luyện thi và vẫn rất nổi tiếng... 

"Vì vậy, người ra đề thi - nhất là những đề thi cấp thành phố, cấp toàn quốc - rất căng thẳng, để giữ cho mình một tâm hồn vô tư, không bị chi phối bởi bất kỳ ai... là rất khó khăn" - một giáo viên ở TP.HCM từng tham gia ra đề thi THPT quốc gia bộc bạch.

Áp lực của người ra đề thi - Ảnh 3.

Bài làm của một học sinh về đề thi:” Học sinh không chào thầy cô, một hiện tượng đáng báo động ở Việt Nam”

Phá cách... đúng quy trình

Theo cô Lê Thu - giáo viên dạy lịch sử Trường THCS&THPT Nguyễn Tất Thành (Hà Nội), dù mong muốn có những đề hay, lạ cho học sinh thì việc xây dựng đề, bao gồm cả đề kiểm tra quá trình và cuối kỳ ở mỗi môn học tại trường đều phải tuân thủ quy trình. 

Cụ thể là những đề có câu hỏi mở, câu hỏi đổi mới phải được thảo luận, trong đó cân nhắc đến sự phù hợp với cách dạy học, nội dung dạy học, khả năng đáp ứng của học sinh. Và một điều quan trọng là bám sát mục tiêu chương trình của Bộ GD-ĐT để học sinh không bị hẫng, bị sót nội dung kiến thức đủ điều kiện để dự thi cuối cấp.

Cũng theo cô Thu, đổi mới đến đâu thì cuối cùng học sinh cũng phải thi, phải có điểm số. Chưa nói đến kỳ thi quốc gia, thi cuối cấp, chuyển cấp, chỉ cần điểm quá trình của học sinh sụt giảm đã là vấn đề mà nhiều nhà trường phải "giải trình" với phụ huynh.

Cô Nguyễn Kim Anh (Trường THPT Phan Huy Chú) và cô Đặng Nguyệt Anh (Trường chuyên Hà Nội Amsterdam) thì cho biết họ đều có lựa chọn là chỉ ra những đề thi lạ vào đầu hoặc cuối năm học. 

"Khi học sinh mới vào lớp 10, để hiểu học sinh qua bài viết, tôi hay ra các đề mở để học sinh thoải mái bày tỏ quan điểm, kể về mình, về gia đình, những kỷ niệm vui buồn... 

Năm lớp 11, tôi chọn những chủ đề để học sinh khẳng định cái tôi, tôn trọng sự khác biệt, những giá trị mà các em cần hiểu và lựa chọn... Còn lớp 12, học sinh chuẩn bị bước vào cuộc sống là một công dân, nên tôi đưa những chủ đề xã hội rộng hơn. 

Đặc biệt, những đề tài nhạy cảm mà giáo viên buộc phải lường trước sự "bùng nổ" quan điểm khác nhau của học sinh, tôi chỉ ra vào cuối lớp 12" - cô Kim Anh nói về kinh nghiệm ra đề đúc rút qua nhiều năm.

Còn cô Nguyệt Anh thì cho biết với những loại đề nhạy cảm, cô cho phép học sinh thoải mái bày tỏ suy nghĩ, nhờ vậy mới có những bài làm "độc đáo" của học sinh. 

Cô Doãn Tuyết Mai, Trường Nguyễn Siêu (Hà Nội), cho biết đã có trường hợp học sinh hỏi lại chính cô giáo về chủ đề nhạy cảm mà học sinh được ra đề. Vì thế, khi ra đề mở, nhất là các chủ đề nhạy cảm, thì cần lường trước phản ứng của học sinh và các ý kiến trái chiều khác nhau. 

"Không nên dạy học sinh theo kiểu chỉ "tô hồng cuộc sống" mà để các em thấy cuộc sống cũng có những màu đen, trắng khác nhau. Nhưng điều gì nên chấp nhận, điều gì phải vượt qua" - cô Mai nói.

"Đời không cho phép"

untitled-1 copy

Cô Đặng Nguyệt Anh và cậu học sinh tên Phong có ước mơ đấu kiếm - Ảnh: NVCC

Cô Nguyệt Anh kể: "Tôi từng phỏng vấn các em nhỏ về ước mơ của mình. Và một lần tôi gặp một cậu bé tên là Hiểu Phong. Phong rụt rè, nhút nhát nên thoạt đầu tôi nghĩ cậu bé sẽ chẳng nói được điều gì ấn tượng. Nhưng khi tôi hỏi: "Ước mơ của con là gì?" thì Phong bật nói: "Con không nói đâu". Tôi gặng hỏi thì cậu bé nói tiếp: "Vì đời không cho phép".

Trời, có gì mà không cho phép? Khi tôi thuyết phục, Phong kể cho tôi ước mơ muốn trở thành hiệp sĩ đấu kiếm của cậu. Câu chuyện của Phong khiến tôi nảy ra một ý cho đề văn mở "viết về ước vọng trong cuộc sống". Và tôi có nhiều khám phá về học sinh qua những ước mơ của các em. Nhờ sự khích lệ của tôi mà Phong đã đăng ký học đấu kiếm.

Những đề thi gây bão - Kỳ tới: Chấm điểm "đề lạ" thế nào?

VĨNH HÀ - HOÀNG HƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên