Ngày 20-11 cả xã hội tôn vinh thầy cô giáo, nhưng vấn đề thiết thân của họ - tiền lương thì vẫn là bài toán chưa có lời giải - Ảnh: Như Hùng |
Một đồng nghiệp đi thực tế ở Singapore về nói: “Lương của giáo viên bên ấy gấp 30 lần lương giáo viên Việt Nam!”. Nghe vậy, chúng tôi ước ao: “Giá lương mình chỉ bằng 1/20 số đó sẽ chẳng ai còn phải lo việc làm thêm”. Chắc tới lúc ấy, sẽ không cần cấm thì dạy thêm chắc chắn cũng được dẹp! |
Cô con gái xin tiền mua bộ đồ, người mẹ buồn buồn đáp: “Từ từ, khi nào có tiền mẹ sẽ cho”. Nghe mẹ nói thế, cô con gái hờn mát: “Bao năm nay mẹ lúc nào cũng nói câu đó. Chẳng biết rồi đến bao giờ nhà mình mới có tiền được đây?”.
Hai vợ chồng cùng làm nghề giáo, thu nhập cả tháng vừa tròn 6 triệu đồng. Đấy là tháng không phải trừ các khoản ủng hộ, nếu bị trừ coi như chỉ còn hơn 5 triệu đồng. Biết bao khoản phải chi trong một tháng, nào tiền ăn uống, tiền sữa cho con, tiền học thêm, tiền đám đình... Tháng nào nhận được dăm cái thiệp mời xem như tháng đó phải “lấn” tiền ăn nửa tháng!
Công việc của chúng tôi xoay như chong chóng, áp lực không hề đơn giản. Suốt ngày tất bật từ mờ sáng đến tối mịt mới về. Trên lớp, thầy cô phải hóa thân thành những “thiên thần” thật dịu dàng tình cảm, bởi không chỉ dạy lại còn phải dỗ dành. Phải biết kềm mình, bởi chỉ đôi phút nóng giận, phản ứng khi học sinh hư, hỗn hào có khi sự nghiệp sẽ tiêu tan trong phút chốc.
Làm thì vắt sức ra thế, nhưng chế độ đãi ngộ thì sao? Ngoài đồng lương ba cọc ba đồng, chúng tôi chẳng có thêm một khoản tiền nào khác kể cả ngày lễ 20-11, ngày Tết âm lịch. Hai vợ chồng với hai đứa con dù có tằn tiện cỡ nào cũng không thể đủ sống. Vậy nên để ổn định cuộc sống, thầy cô buộc phải làm thêm. Nhưng là thầy cô giáo thì làm thêm được việc gì?
Người đời luôn quan niệm thầy cô phải chuẩn mực, phải đạo mạo, thanh cao. Vì thế dù đói, thầy cô cũng không thể đi rửa chén bát thuê, không thể bưng bê ngoài quán, không thể đi làm ôsin giúp việc nhà vào ngày nghỉ... Nhưng thầy cô cũng cần phải sống, phải lo cho con cái học hành, cần phải có miếng đất cắm dùi, có căn nhà lấy chỗ chui vào chui ra...
Thế là nhiều thầy cô dũng cảm vượt lên dư luận để kiếm tiền nuôi con, bằng cách đi chạy bàn đám cưới, chạy xe ôm, làm thợ chụp hình, làm ông chủ tiệm Internet mà người chơi lại toàn là học sinh. Hay theo ngư dân đi câu vào mỗi buổi tối. Làm được những công việc này cũng chẳng hề đơn giản, vì thời gian đôi khi cấn kẹt. Họ chủ yếu làm vào ngày nghỉ cuối tuần nên thu nhập cũng chẳng đáng là bao, nhưng “có còn hơn không” như nhiều thầy cô bảo thế.
Số khác chọn con đường dạy thêm, bởi họ lý giải: “Mình bán kiến thức chứ đâu có cướp giật, trộm cắp của ai mà xấu hổ!”. Nhưng dạy thêm ở thời buổi này có khác nào đạo chích hay tội phạm khi người dạy, người học cứ thậm thụt và lén lút? Nếu để bị bắt gặp, sẽ bị lập biên bản và nêu tên trước ngành.
Bảng lương của giáo viên nữ từ khi vào nghề đến khi về hưu |
||||
Tuổi |
Thời gian |
Bậc |
Hệ số lương |
Tiền lãnh |
22 |
Tập sự 85% |
1 |
1.989 |
2.824.877 |
27 |
Phụ cấp thâm niên lần đầu (sau khi vào nghề năm năm) |
|
2.67 |
3.927.937 |
35 |
Nâng lương lần 4 + 3% thâm niên |
5 |
3.66 |
5.682.360 |
41 |
Nâng lương lần 6 + 3% thâm niên |
7 |
4.32 |
6.970.849 |
47 |
Nâng lương lần 8 + 3% thâm niên |
9 |
4.98 |
8.339.944 |
52 |
Nâng 1% vượt khung + 1% thâm niên nghề |
Vượt khung 7% |
5.3286 |
9.194.899 |
55 |
Nâng 1% vượt khung + 1% thâm niên nghề |
Vượt khung 10% |
5.478 |
9.619.957 |
Nguồn: Trường tiểu học Phạm Văn Cội, huyện Củ Chi, TP.HCM
Khi giáo viên ở quê dạy thêm Giáo viên ở quê khác thành phố, mỗi thầy cô dạy thêm nhiều cũng chỉ hơn chục em, ít thì dăm bảy em. Học phí chưa tới 300.000 đồng một tháng. Mỗi tháng thầy cô kiếm thêm được 3 triệu đồng xem như là một món tiền lớn. Nhưng được như thế nào có yên. Dù không dạy học sinh mình trên lớp, dù không ép buộc các em phải đi học thêm, nhưng cũng chẳng ai dám dạy công khai. Việc cấm đoán dạy thêm đã đẩy thầy cô thành những người nói dối, và còn buộc thầy cô phải dạy cho học sinh dối trá. Nhiều thầy cô lén lút dặn trò: “Đi khẽ, nói nhỏ, xách dép vào nhà và đóng cửa lại. Học xong để vở lại nhà thầy cô, ra đường có ai hỏi thì nói là đi chơi”. Trò ngơ ngác hỏi lại: “Vì sao phải nói dối như thế ạ?”. Nghe trò hỏi, thầy cô quay mặt lặng thinh giả vờ như không nghe thấy, mà tim thì đau nhói. |
Chờ lời hứa thành hiện thực... Đến bao giờ thầy cô giáo như chúng tôi không phải lo lắng đến chuyện cơm áo gạo tiền, để toàn tâm toàn ý trên bục giảng? Xã hội tôn vinh nhà giáo với biết bao lời nói có cánh, nhưng điều đơn giản nhất lại chưa làm được. Đó là ổn định cuộc sống cho giáo viên. Hằng ngày, sau giờ đứng lớp, chúng tôi phải làm đủ mọi chuyện để xoay xở cho cuộc sống trong thời buổi đắt đỏ hiện nay. Thật tình mà nói, bỏ qua những tiêu cực, dạy thêm là một việc làm mà chúng tôi có thể kiếm được những đồng tiền chính đáng bằng sức lao động của mình. Ở vùng nông thôn, sau giờ dạy trên lớp, các bạn đồng nghiệp của tôi phải ra đồng chăm sóc luống rau, thửa ruộng để có thêm thu nhập. Có ai biết được rằng khi ra chợ chúng tôi phải cân đong đo đếm cho bữa ăn hằng ngày của mình? Bao nhiêu người thấu hiểu nỗi lòng của các thầy cô giáo khi nhận những đồng tiền thưởng ít ỏi vào các dịp lễ, tết mà không dám khoe với bạn bè, người thân? Nghề giáo chúng tôi gắn liền với màu trắng. Áo trắng, phấn trắng và cuối cùng là... hai bàn tay trắng! Khi nào lời hứa “giáo viên sống được bằng lương” trở thành hiện thực, để chúng tôi có thể yên tâm với sự nghiệp trồng người? |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận