22/03/2007 06:12 GMT+7

Áo lụa Hà Đông lay động lòng người

QUANG DIỆU
QUANG DIỆU

TT - Bộ phim Áo lụa Hà Đông (ALHĐ) đã đạt doanh thu trên 1 tỉ đồng sau 10 ngày công chiếu. Đó là con số khiêm tốn so với chi phí sản xuất xấp xỉ 1 triệu USD. Song tác phẩm này thật sự lãi to từ dư luận khi lâu lắm rồi mới có một bộ phim VN mà khán giả hài lòng và rủ nhau đi xem.

tJFQQa5C.jpgPhóng to
TT - Bộ phim Áo lụa Hà Đông (ALHĐ) đã đạt doanh thu trên 1 tỉ đồng sau 10 ngày công chiếu. Đó là con số khiêm tốn so với chi phí sản xuất xấp xỉ 1 triệu USD. Song tác phẩm này thật sự lãi to từ dư luận khi lâu lắm rồi mới có một bộ phim VN mà khán giả hài lòng và rủ nhau đi xem.

“Định mệnh” của Lưu Huỳnh và Trương Ngọc ÁnhSinh khí mới từ Áo lụa...Áo lụa Hà Đông ở Busan

Từng “đánh bại” một bộ phim Hàn Quốc ngay trên chính đất nước họ tại Liên hoan phim Busan - một liên hoan phim uy tín của Hàn Quốc - để đoạt giải Phim được khán giả yêu thích nhất, song đó là với khán giả nước ngoài thôi, chứ công chúng trong nước vẫn “nghi ngờ” về sức hút của phim với khán giả trong nước.

Thế nhưng sự “nghi ngờ” ấy nhanh chóng được xóa bỏ khi các suất chiếu của ALHĐ luôn đông khán giả. Người xem bước vào khán phòng không cảm thấy lạc lõng hay mang cảm giác “thương phim VN quá!” như khi xem nhiều bộ phim VN được đánh giá là “nghệ thuật” khác. Đặc biệt, rất nhiều bạn trẻ đã đến xem và ra về với gương mặt bùi ngùi nhưng rạng rỡ, lạc quan. Có thể mục đích ban đầu của họ khi mua vé xem chỉ là... tò mò muốn biết vì sao ALHĐ lại được khán giả Hàn Quốc yêu thích; hoặc chỉ do muốn xem người đẹp Trương Ngọc Ánh đóng vai khổ như thế nào. Vậy mà cuối cùng họ đã thật sự bị bộ phim chinh phục.

UWZ9Tj8s.jpgPhóng to

Ngọc Trinh - cô sinh viên 24 tuổi Trường Du lịch - nói: “Tuy không phải là bộ phim thật xuất sắc nhưng ALHĐ là bộ phim VN rất đáng xem, phải đi xem”. Trên blog, không ít bạn đã vô tư thể hiện cảm nhận của mình một cách chân thành. Nguyễn Anh Tuấn (với nick eNAT, 27 tuổi) đã viết: “Ngày hôm qua coi ALHĐ. Lần đầu tiên, bước vào rạp phim một mình, ngồi coi một mình; lần đầu tiên coi phim mà tập trung thật sự. Lần đầu tiên coi phim mà khóc, không phải khóc một lần mà khóc hai lần... Lần đầu tiên chứng kiến cảnh coi phim xong, khán giả vỗ tay rần rần như coi kịch hay ca nhạc”.

Còn bạn có nick Mr.Đin thì hồ hởi: “Nếu bạn hỏi tôi xem ALHĐ chưa, tôi sẽ muốn bạn hỏi lại đã xem mấy lần rồi. Vì tôi thật sự muốn xem đi xem lại nhiều lần để tận hưởng hết những gì mà nhà sản xuất đã làm”.

Để chinh phục khán giả, khiến họ, nhất là các bạn trẻ, đưa ra những cảm nhận tuyệt vời như thế, chắc chắn ALHĐ không có những cảnh mát mẻ phi lý, không có những danh hài vung “chiêu” chọc cười. Chính không khí, câu chuyện, hình ảnh, âm nhạc, diễn xuất của các diễn viên trong phim đã mang đến cho công chúng cảm giác được thỏa mãn và hài lòng đạo diễn Lưu Huỳnh đã tái hiện một đề tài cũ, chuyện cũ bằng góc nhìn mới, cảm xúc mới, nên tạo được sức chấn động mạnh trong lòng người xem.

Đôi chỗ còn vụng về, gượng ép và rời rạc, một hai chi tiết lịch sử cũng còn có thể bàn cãi, nhưng Áo lụa Hà Đông đã khẳng định được sức sống của mình khi mang lại một cảm xúc chân thật nơi người xem. Không chỉ là những giọt nước mắt rơi, không chỉ là nỗi đau thắt lòng trước những tai ương mà con người phải gánh chịu, đó còn là sự xúc động sâu xa về nghĩa vợ chồng, tình mẹ con trong cơn khốn khó.

Một bộ phim buồn, có phần nặng nề nữa, lại kể chậm chạp về một thời đau đớn và loạn lạc đã qua, vậy mà vẫn thu hút được đông đảo khán giả trẻ đến rạp...

Theo thông tin từ nhà sản xuất - Hãng phim Phước Sang, doanh thu tính đến hết ngày 18-3 tại các rạp trên toàn quốc hơn 1,2 tỉ đồng.

Tại TP.HCM, phim đang chiếu tại các rạp Diamond, Fafilm, Thăng Long, Đống Đa, Toàn Thắng, Vinh Quang, Tân Sơn Nhất. Tại Hà Nội, phim được luân phiên chiếu tại cụm rạp Megastar, Trung tâm Chiếu phim quốc gia, rạp Tháng Tám và Ngọc Khánh.

........................................................

Đó là chiếc áo dài trắng trong phim Áo lụa Hà Đông. Chiếc áo dài đã quấn lấy cơ thể non nớt của một đứa bé trai bất hạnh, vừa chào đời đã bị bỏ rơi nơi vệ đường. Đó cũng là vật có giá duy nhất mà đứa con trai tên Gù bị bỏ rơi ấy có được. Để rồi đó lại là chiếc áo mà Gù dùng làm vật đính ước, chiếc áo dài cưới với Dần...

Cái nghèo bởi chiến tranh đã buộc Dần phải hi sinh chiếc áo dài cưới - kỷ vật duy nhất, món quà lãng mạn nhất trong cuộc đời lắm gian truân - để sửa thành chiếc áo dài học trò cho hai cô con gái An, Ngô thay phiên nhau mặc đến trường... Chiếc áo dài là vật cưu mang của cha, là kỷ niệm tình yêu đầu đời của mẹ, là niềm hạnh phúc được cắp sách đến trường của con, là nguồn sáng le lói duy nhất còn lại trong một gia đình thiếu trước hụt sau, là hình tượng của người phụ nữ VN - mỏng manh nhưng không yếu đuối.

Tôi đã từng khoác trên người chiếc áo dài trắng suốt khoảng thời gian học trung học. Những chiếc áo dài học trò của tôi cũng tinh tươm và thấm đẫm nhọc nhằn của ba mẹ. Tôi cũng từng “vui tung tăng hớn hở” trong lần mặc thử áo dài trắng đầu tiên. Nhưng gia đình tôi không quá khó khăn để tôi phải “tranh đấu” cho chiếc áo dài, để tôi biết giữ gìn chiếc áo dài trắng như chị em An, Ngô trong phim.

Tôi khó chịu ra mặt bởi những vết bút bi vô tình dính vào áo. Nhưng tôi cũng chưa từng hốt hoảng, rấm rứt khóc khi chiếc áo dài trắng bị vấy mực. Dù được mẹ và cả thầy cô chỉ bảo ngay từ những ngày đầu “phải” mặc áo dài trắng đi học, nhưng tôi vẫn chưa thể hiểu hết ý nghĩa của việc nữ sinh mặc áo dài: phải biết giữ vẻ đoan trang, trong sạch dù trong hoàn cảnh nào.

dLYYt4Tx.jpgPhóng to

Áo lụa Hà Đông có thể làm người xem ít nhất một lần cảm nhận sâu sắc về chiếc áo dài trắng của mình, chiếc áo dài lụa của dân tộc, thân phận con người nói chung và phụ nữ nói riêng trong chiến tranh.

Chỉ tiếc đoạn gần cuối phim, đoạn mà tôi nhớ mãi: Ngô mang “linh hồn” của gia đình chạy trong khói lửa chiến tranh. Chiếc áo dài trắng được cột vào một cây sào dài, tung bay trên nền trời xám xịt đạn bom. Một hình ảnh quá nổi bật, ấn tượng nhưng khiên cưỡng và... Tôi tin rằng chẳng ai treo “linh hồn” của gia đình mình lên cao như thế trong buổi chạy loạn, d9ầy rủi ro cho chiếc áo dài trắng và cho cả chính mình.

Với một kỷ vật đầy yêu thương, hẳn người ta sẽ ôm chiếc áo trắng dễ bẩn, chiếc áo lụa dễ rách ấy vào lòng. Hình ảnh một bé gái tay cầm bài vị của mẹ và chị, cổ choàng chiếc áo dài trắng chạy đi tìm cha và các em (tà áo dài uốn lượn theo từng bước chân em) hẳn sẽ đẹp và ý nghĩa hơn chăng!?

QUANG DIỆU
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên