![]() |
Đám lúa trong ảnh nằm ở vị trí khuất ánh sáng đèn cao áp nên đã trổ bông, trong khi đám lúa xung quanh hoàn toàn không trổ - Ảnh: Mễ Thuận |
Video clip: Lúa "điếc" vì đèn cao áp - Nguồn: TVO |
Lúa "điếc" do đèn đường?Lúa “điếc” do đèn đường: Nông dân yêu cầu bồi thường
Trả lời câu hỏi vì sao các nhà khoa học vẫn chưa tiếp cận, hỗ trợ nông dân Long An lập hồ sơ yêu cầu chủ đầu tư đường cao tốc bồi thường, TS Lê Văn Bảnh nói: “Các công trình nghiên cứu khoa học trước đây đã chứng minh lúa mùa không thể trổ bông nếu ngày dài hơn đêm. Lúa này chỉ trổ bông vào tháng 10, tháng 11 âm lịch hằng năm, tức là “ngày ngắn, đêm dài”. Khi gặp ánh sáng đèn suốt đêm thì lúa cảm nhận đó là ban ngày nên không trổ bông. Ai cũng biết chuyện này nên thiết nghĩ chúng tôi chưa cần thiết phải vào cuộc”.
Phải mang lúa vào phòng tối
Trường hợp chủ đầu tư đường cao tốc phủ nhận trách nhiệm, TS Bảnh quả quyết: “Khi đó các nhà khoa học, trong đó có Viện Lúa ĐBSCL, sẽ có biện pháp giúp nông dân chứng minh thiệt hại làm căn cứ buộc đơn vị gây thiệt hại phải bồi thường”.
Ông Bảnh đưa ra dẫn chứng về hiện tượng cảm ứng quang kỳ đối với lúa mùa: “Ở viện chúng tôi, khi nghiên cứu về lúa mùa phải bưng các chậu lúa vào phòng tối để đảm bảo đủ thời gian ban đêm lúa mới trổ bông. Nếu để nơi có ánh sáng đèn lúa sẽ “điếc” vì cảm nhận thời gian ngày dài hơn”.
GS.TS Võ Tòng Xuân khẳng định trường hợp nông dân Long An trồng lúa mùa gần đường cao tốc bị ảnh hưởng của ánh sáng đèn và không thể trổ bông là đương nhiên. Đây là vấn đề khoa học đã được nghiên cứu từ lâu, ai cũng biết.
Trả lời câu hỏi “Giả sử phía chủ đầu tư đường cao tốc cho rằng họ chỉ có trách nhiệm đối với phạm vi hành lang an toàn đường cao tốc. Còn lúa của nông dân ở bên ngoài hành lang này nên họ không chịu trách nhiệm thì sao?”, TS Bảnh cho rằng đây là hai chuyện khác nhau. Ánh sáng đèn đường cao tốc rất mạnh, phạm vi chiếu sáng vượt xa ranh hành lang an toàn. Mà chỗ nào lúa cảm nhận được ánh sáng sẽ không chịu trổ. Do đó cũng không có cơ sở nào để thoái thác trách nhiệm gây thiệt hại cho nông dân trong vụ này.
Điện cao thế gây hại cho lúa?
Mới đây, nhiều nông dân ở xã Mỹ Phong, TP Mỹ Tho (Tiền Giang) phải mua lưới che bớt ánh sáng đèn cao áp trên đường để giảm bớt thiệt hại do lúa bị lép hạt và chậm chín. Những nơi lúa bị ánh sáng đèn trực tiếp chiếu vào thì khi trổ bông bị chậm chín 15-20 ngày. Lúa ở đó cũng giảm năng suất do lép hạt.
GS.TS Võ Tòng Xuân nói đây là vấn đề mới đối với lĩnh vực cây lúa. “Tuy nhiên, việc nông dân phản ảnh và báo chí đã ghi nhận thực tế tôi cho rằng có thể có, nhưng do trước nay nông dân ít để ý nên không đặt ra thành vấn đề lớn” - ông Xuân nói. TS Bảnh đồng tình quan điểm của GS Xuân và đề nghị: “Cần phải có nghiên cứu sâu hơn để kết luận vấn đề này”.
Liên quan đến phản ảnh của bạn đọc ở Củ Chi cho rằng lúa dưới đường dây điện cao thế cũng bị giảm năng suất do lép hạt hoặc không trổ bông, ông Xuân nói: “Từ trường điện cao thế có hại đến sức khỏe con người thì ai cũng biết, do đó nếu nói ảnh hưởng đến thực vật như cây lúa thì tôi nghĩ cũng có. Tuy nhiên, hiện chưa có công trình khoa học nào nghiên cứu vấn đề này nên tôi không thể kết luận được. Đây cũng là vấn đề mới, cần được các nhà quản lý như Bộ NN&PTNT cho tiến hành nghiên cứu thêm để có kết luận, làm căn cứ để ứng xử”.
TS Phạm Văn Dư cũng nhận định đèn cao áp và từ trường điện cao thế ít nhiều ảnh hưởng đến sinh trưởng của nhiều loại thực vật, trong đó có cây lúa. Trong khi thanh long cần “ngày dài, đêm ngắn” mới ra hoa, ngược lại cây lúa mùa cần đêm dài mới trổ bông. Lúa cao sản bình thường khi gặp ánh sáng đèn hay từ trường điện cao thế phóng ra quá mạnh và kéo dài có thể bị ảnh hưởng.
TS Lê Văn Bảnh nêu dẫn chứng: “Các nhà khoa học Nhật Bản đến làm việc tại Viện Lúa ĐBSCL đều không ở lại ngủ đêm mà về Cần Thơ nghỉ. Họ nói đài phát sóng - phát thanh đặt quá gần viện (khoảng 500m), nếu sống ở đây lâu dài sức khỏe sẽ bị ảnh hưởng bởi sóng này”.
Ông Bảnh cho rằng trong khi các nhà khoa học của những nước tiên tiến trên thế giới sợ sóng phát thanh, truyền hình và từ trường điện cao thế thì nhiều cơ quan chức năng ở VN lại nói không có vấn đề gì. Do đó trước một vấn đề đang còn tranh cãi thì tốt nhất là phải nghiên cứu sâu. Nhưng ai sẽ nghiên cứu? Ông Bảnh nói: “Những thông tin báo Tuổi Trẻ nêu mấy ngày qua thật sự là đề tài hay để các sở khoa học - công nghệ địa phương hoặc các bộ, ngành trung ương nắm bắt đặt hàng cho các nhà khoa học chuyên ngành nghiên cứu. Khi có quyết định, có kinh phí thì việc nghiên cứu sẽ không có gì khó khăn, phức tạp, chỉ còn chờ thời gian để kết luận”.
Tôi từng bồi thường lúa bị lép do đèn neon Ngày 12-12, kiến trúc sư Đặng Như Định (Công ty cổ phần Đầu tư và xây dựng Bình Chánh, TP.HCM), cho biết năm 1988 ông là chỉ huy trưởng công trình xây dựng Nhà máy Panel Bình Chánh. Khi thi công hàng rào xong, đơn vị của ông (lúc đó là Công ty Đông lạnh I) đã treo đèn neon quanh hàng rào để chống trộm. Xung quanh hàng rào công trình này là ruộng lúa của nông dân huyện Bình Chánh. Một thời gian sau người dân phản ảnh đèn neon cặp hàng rào làm lúa của họ bị lép hạt. Đích thân ông Định đã đi xác minh và xác định đúng là những khu vực lúa bị tác động của ánh sáng đèn đã bị lép hạt. “Xét thấy yêu cầu bồi thường của nông dân là hợp lý, nên đơn vị chúng tôi đã bồi thường căn cứ vào năng suất của thửa ruộng trong vụ đó và diện tích thực tế bị thiệt hại” - ông Định nói. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận