15/05/2012 07:02 GMT+7

Anh phụ trách phải là người bạn lớn

L.HOÀI
L.HOÀI

TT - Với nhiều bạn nhỏ, hình ảnh người phụ trách thiếu nhi, tổng phụ trách Đội thật thân thương. Cũng chính vì được kỳ vọng nhiều nên việc yêu cầu phải xây dựng đội ngũ ấy bài bản, chuyên nghiệp càng cấp thiết hơn.

cuDY9cpS.jpgPhóng to

Người phụ trách thiếu nhi, tổng phụ trách Đội trong mắt tuổi thơ luôn là người dễ gần, đa tài và còn phải là một người bạn thân có thể chia sẻ mọi điều - Ảnh: Q.LINH

Không thể phủ nhận bao thế hệ thiếu nhi trưởng thành từ môi trường sinh hoạt Đội đều có công không nhỏ của những người phụ trách thiếu nhi, phụ trách Đội.

Đặt mình vào vị trí của đội viên

Một thực tế là nhiều bạn nhỏ tìm đến với các sinh hoạt thiếu nhi, hoạt động Đội đôi khi chỉ vì “mê” người phụ trách. Chị Thu Vân - một phụ huynh nhà ở Q.3 hay đưa con đến sinh hoạt tại Nhà Thiếu nhi TP.HCM - kể con gái chị rất thích các sân chơi sinh hoạt tập thể tại nhà thiếu nhi chỉ vì “có chú Quyên dẫn chương trình hay, làm quản trò dí dỏm, lúc nào tụi con cũng cười”. Trong khi đó nhóm ba bạn Lan, Mỹ, Dung (Q.Tân Bình) cho rằng tổng phụ trách nên là thầy cô trẻ chứ đừng lớn tuổi quá, vì như thế khi tiếp xúc học trò mới không thấy khoảng cách và dễ nói chuyện hơn.

Kỷ niệm 71 năm ngày thành lập Đội

Ngày 14-5, tại thành phố Bắc Giang (Bắc Giang), Hội đồng Đội trung ương tổ chức lễ mittinh kỷ niệm 71 năm ngày thành lập Đội TNTP Hồ Chí Minh.

Đội TNTP Hồ Chí Minh có tiền thân là Hội Nhi đồng Cứu quốc với năm đội viên đầu tiên, được chính thức thành lập vào ngày 15-5-1941. Trong quá trình phát triển, trưởng thành, Đội TNTP đã gắn với những phong trào đi vào lịch sử, đóng góp nhiều chiến công to lớn vào sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc như: “Vì miền Nam ruột thịt”, “Việc nhỏ, chí lớn, chống Mỹ cứu nước”, “Kế hoạch nhỏ”... Đến nay Đội TNTP Hồ Chí Minh có gần 15 triệu đội viên, nhi đồng đang sinh hoạt trong gần 24.000 liên đội trên cả nước.

Trong nhiều diễn đàn, tổng phụ trách Đội Trường THCS Hoa Lư (Q.9) Nguyễn Quốc Kiệt khẳng định: nếu không đặt mình vào vị trí của đội viên, tổng phụ trách sẽ khó hoàn thành nhiệm vụ. Theo anh Kiệt, có gần gũi như một người bạn với đội viên, tổng phụ trách mới nắm bắt được đội viên đang muốn gì để có thể thiết kế hoạt động phù hợp. Qua rồi cái thời mà người phụ trách Đội chỉ cần múa hay, hát giỏi, quản trò tốt là có thể kéo thiếu nhi đến với sinh hoạt Đội.

Sự thay đổi của xã hội, nhu cầu ngày càng cao của học sinh đặt ra nhiều bài toán khó với người phụ trách Đội. Bạn Mỹ Linh (Q.5) đặt vấn đề: “Tụi mình thật sự cần một thầy, cô tổng phụ trách hiểu tâm lý lứa tuổi để có thể tâm sự, chia sẻ những chuyện đôi khi không nói được với ba mẹ, bạn bè; vì ít ra thầy cô sẽ có lời khuyên nào đó cho tụi mình”.

Chuẩn hóa đội ngũ

Thật ra, trước đây từng có những khóa liên kết giữa trường huấn luyện cán bộ Đội TP với Trường trung học Sư phạm TP để đào tạo lực lượng tổng phụ trách, và hiện nhiều anh chị từng tham gia các khóa này vẫn còn làm công tác thiếu nhi của TP. Tuy nhiên, sau khi Trường trung học Sư phạm sáp nhập vào Trường CĐ Sư phạm TP.HCM (nay là ĐH Sài Gòn) và thành lập khoa công tác Đội (thuộc Trường Đoàn Lý Tự Trọng) thì không còn những lớp liên kết như thế. Hiện tại, việc đào tạo vẫn được duy trì, nhưng phần lớn chỉ là các khóa ngắn ngày bồi dưỡng chức danh tổng phụ trách Đội.

Mới đây, Thành đoàn TP.HCM đã ký ghi nhớ cùng Trường ĐH Sài Gòn mở lớp đào tạo cử nhân giáo dục công dân kết hợp công tác Đội dành cho các bạn trẻ yêu thích làm công tác thiếu nhi, và có những chính sách ưu đãi nhất định. Tuy nhiên, do chỉ có hơn 20 bạn nộp hồ sơ trong khi tối thiểu cần đến 40 người nên chưa thể mở lớp. “Đào tạo chính vẫn là giáo viên dạy giáo dục công dân, còn công tác Đội do Trường Đoàn Lý Tự Trọng phụ trách chỉ là một phần. Như vậy khi tốt nghiệp, các bạn vừa có kiến thức sư phạm để dạy, vừa có kỹ năng, nghiệp vụ để làm công tác Đội”, ông Vũ Anh Tuấn - hiệu trưởng Trường Đoàn Lý Tự Trọng - cho biết.

Tuy nhiên, ông Tuấn cũng thừa nhận thông tin về những lớp học như thế thời gian qua chưa đến được với số đông, nên rất có thể nhiều bạn trẻ thật sự yêu thích công tác Đội lại không biết để đăng ký học. “Cũng phải đổi mới cách truyền thông, thậm chí như tiếp thị những sản phẩm đào tạo mình đang có đến số đông hơn, song song với khảo sát nhu cầu thực tế. Có vậy mới tìm được đúng người cần học”, ông Tuấn nói về hướng đi sắp tới cho việc đào tạo tổng phụ trách Đội.

Nhìn từ góc độ của một người lâu năm làm công tác thiếu nhi, một tổng phụ trách Đội kỳ cựu của TP.HCM cho rằng chúng ta đang đào tạo phụ trách Đội theo quy trình ngược. “Thay vì phải đào tạo trước, qua thử lửa xem họ có thật sự yêu thích làm công tác Đội hay không rồi mới bố trí sử dụng, thì chúng ta thường chọn cách lấy một giáo viên trẻ “ép” họ làm phụ trách rồi gửi đi đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng sinh hoạt Đội. Thử hỏi làm sao bắt họ yêu và gắn bó với nghề được”, ông lý giải.

L.HOÀI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên