Từ trái qua: 3 nghệ sĩ underground Thành Đồng, Đen và Vũ trong MV Anh đếch cần gì nhiều ngoài em - Ảnh chụp từ MV
Nghệ sĩ thì phát ngôn bừa bãi, bài hát thì ngôn từ dễ dãi. Năm ngoái thì Như cái lò, năm nay thì Như lời đồn. Rồi gần đây có Anh đếch cần gì nhiều ngoài em của rapper Đen Vâu, một cái tên hàng đầu trong giới âm nhạc độc lập.
Kể ra bài hát của Đen Vâu nghe vẫn ổn, lời lẽ vẫn tượng hình tượng thanh dù không còn bụi bặm, phóng khoáng, suy tư và có chiều sâu như những ca khúc trước đây đã đem lại tiếng tăm cho anh như Đưa nhau đi trốn, Mơ, Ngày lang thang.
Vấn đề của nó chỉ nằm ở duy nhất cái tựa đề, cũng là câu hát lặp đi lặp lại xuyên suốt cả bài.
Đen - Anh Đếch Cần Gì Nhiều Ngoài Em ft. Vũ., Thành Đồng (M/V)
Thực tế thì, chừng nào một xu hướng nghệ thuật mới chưa trở thành thói quen thì chừng đó mọi sự phê bình, đánh giá đều chưa thể công bằng.
Ở phương Tây, người ta có thể đánh giá Kayne West hay Snoop Dogg là huyền thoại, Pitbull hay Nicki Minaj là tầm thường, dù họ cùng là rapper và cùng dùng ngôn ngữ suồng sã, tục tĩu, đó là bởi người ta đã không còn sốc và bàng hoàng khi nghe thứ ngôn ngữ đó trong âm nhạc.
Với văn hóa phương Đông còn nhiều e thẹn, âm nhạc vẫn chưa thực sự bước ra đường, ca từ dù theo thời gian đã bớt đi tiêu chuẩn về sự hoa mỹ nhưng ít nhiều vẫn phải đẹp đẽ, chân thiện. Trong bối cảnh đó, khi nghe một ca khúc như của Đen Vâu, rất khó để xếp nó là hay hay dở.
Cũng phải nói rằng không phải chỉ mới gần đây khi nhạc rap du nhập, giới underground thành hình, nhạc Việt mới manh nha bê lời lẽ đường phố chợ búa vào âm nhạc.
Từ cách đây hàng chục năm, cố nhạc sĩ Phạm Duy, một trong những tên tuổi lớn nhất của nềntân nhạc Việt Nam, đã có 10 bài tục ca mà ngôn từ bị nhiều người cùng thời cho là "phản cảm", "nhảm nhí".
Tất nhiên, mọi sự so sánh chỉ là khập khiễng. Bởi âm nhạc của Phạm Duy mô tả tình trạng xã hội mà giá trị đạo đức đang ngày càng đi xuống. Còn các nghệ sĩ trẻ hiện nay đa số vẫn chỉ dừng lại ở những cảm xúc phản kháng mang tính cá nhân bộc trực, chưa đủ sắc sảo để lột trần xã hội. Nhưng mọi thứ cần phải có thời gian.
Chẳng hạn với hành trình của Đen, anh từng không có tiền để đi học đại học, thất học, trở thành công nhân vệ sinh ở Hạ Long. Anh làm công việc đó suốt 7 năm trời.
Rồi vay mượn khắp nơi để mở quán bán cà phê, thất bại lần đầu, làm lại, có chút vốn liếng, sau đó mới bắt đầu sống bằng âm nhạc. Có nghĩa là bản thân âm nhạc vốn rất bao dung, nó không giới hạn chỉ những kẻ chính chuyên, bài bản, sống trong tháp ngà mới được quyền hút mật ngọt từ nó.
Và nếu âm nhạc vẫn có đủ chỗ cho cả những kẻ ngoại đạo thì chẳng cớ gì mà phải đặt ra câu hỏi, liệu một bài hát như vậy có phù hợp hay không, ca từ dễ dãi như vậy có xứng đáng được gọi là âm nhạc hay không. Mọi định kiến đều vô nghĩa bởi không ai lớn hơn âm nhạc.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận