Các bệnh do thiếu dinh dưỡng thường gặp như: mù lòa, tê phù, còi xương, thiếu i-ốt, thiếu máu...
Đối với bệnh tâm thần, Tiến sĩ Elizabeth Poole-Di Salvo của Trung tâm Y tế Weill Cornell (Mỹ) cho biết: "Theo số liệu gần đây nhất, thực phẩm không an toàn ảnh hưởng đến gần 20% hộ gia đình ở Mỹ có trẻ em dưới 18 tuổi”. Các nghiên cứu cho thấy những gia đình khó khăn về kinh tế, không đáp ứng đủ nhu cầu thực phẩm trong vòng 1 năm thì con em của họ có biểu hiện rối loạn cảm xúc (đặc biệt là vấn đề trầm cảm) hoặc có sự hiếu động thái quá (tăng động giảm chú ý)...
Các vấn đề sức khỏe tâm thần ở đây rất đa dạng, ví dụ như 26% trẻ em ăn thực phẩm không an toàn có rối loạn về hành vi ứng xử, 22% hiếu động thái quá.
Theo một nghiên cứu kéo dài 8 năm với gần 1.000 trẻ em tham gia, thì trẻ em mắc căn bệnh béo phì sẽ luôn gặp phải các vấn đề về tâm lý. Chúng luôn có xu hướng chống lại các quy tắc của trường học. Đặc biệt các bé trai còn thể hiện mức độ trầm cảm nặng nề hơn các bé gái.
Theo TS.BS. Trần Ngọc Lưu Phương, Phó khoa Tiêu hóa - Bệnh viện Nguyễn Tri Phương, người bị rối loạn ăn uống thường có nỗi lo lắng thái quá về cân nặng, vóc dáng của mình, dẫn đến hành vi ăn uống bất thường là chán ăn hoặc ăn uống vô độ.
Ở Việt Nam, tuy chưa có thống kê chính thức nhưng có thể khẳng định số lượng người mắc bệnh này là không ít. Trước đây, các bác sĩ thường nhắc đến những trường hợp nhịn ăn để trở nên “siêu gầy” ở giới người mẫu; nay thì hiện tượng này xuất hiện phổ biến trong giới trẻ và cả nhóm người làm việc trong văn phòng.
Nhu cầu sử dụng thực phẩm chức năng giảm béo làm đẹp đang là lựa chọn số 1 đối với nhiều người (đặc biệt là phụ nữ). Do muốn giảm cân nhanh, nhiều người đã lạm dụng thực phẩm chức năng, dùng quá liều và dẫn đến rối loạn tâm thần (trầm cảm, chán ăn, rối loạn biến hình, loạn thần…), ảnh hưởng đến gan, thận. Trong khi ấy, thị trường thực phẩm chức năng giảm béo đang tràn ngập hàng xách tay từ nước ngoài chưa được Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế cấp giấy chứng nhận sản phẩm đủ tiêu chuẩn.
Các loại thực phẩm chức năng dành cho học sinh, sinh viên vào mùa thi như: thuốc B1, B6, 3B (B1, B6, B12)… xuất hiện trên thị trường. Các loại thuốc này được chỉ định điều trị cho bệnh nhân có chứng rối loạn hành vi, đau đầu chóng mặt, rối loạn tập trung chú ý… và điều trị hội chứng "ngủ rũ" nhưng phải cực kỳ cẩn trọng.
Cần lưu ý, hiện các loại thuốc tăng cường trí nhớ trên thị trường phần lớn dùng cho người mắc bệnh lý suy giảm trí nhớ tạm thời, chứ không phải dùng cho người bình thường muốn tăng cường trí nhớ.
Nếu sử dụng các loại thuốc này trong thời gian dài sẽ có nguy cơ mắc phải một số bệnh do tác dụng phụ của thuốc. Bởi các loại thuốc kích thích thần kinh kéo dài sẽ làm cho thần kinh luôn luôn bị hưng phấn và ức chế quá mức, lâu ngày có thể gây ra rối loạn hành vi, hoang tưởng, thậm chí gây ra tai biến và tử vong.
Ngay cả các loại thuốc bổ tâm thần cao cấp nếu dùng cho người khỏe mạnh thì cũng không có tác dụng, bị cơ thể đào thải hết, gây lãng phí và rất có thể có cả tác dụng không mong muốn. Các chuyên gia khẳng định, cho đến nay y học vẫn chưa tìm ra loại thuốc tăng trí nhớ thần kỳ nào.
Các rối loạn tâm thần do sử dụng rượu bia lâu dài có thể gây nên trầm cảm và lo âu. Đã có nhiều bệnh nhân loạn thần do dùng rượu bia. Ở bệnh nhân rối loạn cảm xúc lưỡng cực, uống nhiều rượu thường dẫn đến hưng cảm.
Những vấn đề nêu ra ở trên không chỉ là sự suy sụp về tâm lý mà là một hội chứng tâm thần nghiêm trọng liên quan đến vấn đề ăn uống, cần được phát hiện, điều trị để tránh gây nguy hiểm cho sức khỏe và cả tính mạng.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận