01/08/2015 09:42 GMT+7

Án tồn đọng - căn bệnh trầm kha

Luật sư HÀ HẢI (Đoàn luật sư TP.HCM)
Luật sư HÀ HẢI (Đoàn luật sư TP.HCM)

TT - Án tồn đọng là căn bệnh thâm căn cố đế, có từ nhiều năm qua, chứ không chỉ đợi đến phiên chất vấn tại kỳ họp Hội đồng nhân dân TP.HCM ngày 30-7 thì mọi người mới biết.

Nguyên nhân thì chính các đại biểu đã lý giải qua các đợt kiểm tra tòa án quận huyện: đó là do chạy đua thành tích, thiếu thẩm phán, trình độ thẩm phán chưa đáp ứng mà án thì ngày càng khó, luật thì chồng chéo, quy định không rõ ràng và thiếu sự phối hợp gắn kết giữa các cơ quan tiến hành tố tụng...

Để giải quyết căn bệnh trầm kha này, ngành tòa án TP.HCM từng xin chi viện bằng cách tăng cường thẩm phán cả nước về để tham gia giải quyết. Một số thẩm phán đi tăng cường thì xử cho xong rồi trở về nơi cũ.

Hậu quả của việc này ai cũng biết là do việc thẩm phán tăng cường chưa nắm được tình hình kinh tế - xã hội, đặc thù của thành phố, chuyên môn sở trường khác nhau nên ảnh hưởng đến chất lượng xét xử: án xử bị kháng nghị, kháng cáo, bị hủy án và án đã có hiệu lực rất khó thi hành.

Ngoài ra thành phố phải gồng mình tìm chỗ ăn ở cho thẩm phán, rồi lực lượng thư ký, hội thẩm, kiểm sát viên lấy nguồn ở đâu cho đủ. Rồi cơ sở vật chất phục vụ xét xử, phòng ốc xét xử tìm kiếm đâu ra, chẳng lẽ lại đưa tất cả các vụ án tồn đọng ra xét xử lưu động...

Rõ ràng phương án tăng cường thẩm phán từ các nơi là lợi bất cập hại, và án vẫn tồn đọng cho đến ngày hôm nay.

Vấn đề là ngành tòa án thiếu kế hoạch trong việc đào tạo tuyển dụng, thiếu quy hoạch nguồn nhân lực. Hằng năm có hàng ngàn sinh viên luật ra trường, nếu có kế hoạch công khai và có chính sách đãi ngộ rõ ràng sẽ có rất nhiều sinh viên luật tham gia học tập để trở thành thẩm phán.

Nghị quyết 48 của Bộ Chính trị cũng đã chỉ ra một trong các nguồn bổ sung thẩm phán là những luật sư có kinh nghiệm nghề nghiệp, có nhân thân tốt, không tai tiếng và là đảng viên.

Chủ trương này cũng hoàn toàn phù hợp, nhưng tại sao ngành tòa án vẫn chưa triển khai thực hiện?

Có những vấn đề phải họp liên ngành để thống nhất hoặc chưa thống nhất phải kiến nghị hoặc báo cáo lên cấp trên.

Chẳng hạn, ngành tòa án có hướng dẫn về việc phải giám định hàm lượng ma túy mới có thể đưa vụ việc ra xét xử, nhưng ngành kiểm sát cho rằng đó là hướng dẫn nội bộ của ngành tòa án nên ngành kiểm sát không có nghĩa vụ phải thi hành.

Vậy là tòa trả hồ sơ về viện, viện lại chuyển hồ sơ qua tòa. Cứ thế chuyền nhau nên án tồn đọng là chuyện đương nhiên.

Để giải quyết căn bệnh thâm căn cố đế này phải giải quyết vấn đề số lượng và chất lượng thẩm phán. Và nên bắt đầu lấy nguồn thẩm phán từ sinh viên luật và luật sư chứ không phải lấy ngang, điều động và phân công.

Người dân khi nộp đơn khởi kiện tại tòa án đều đóng án phí cho tòa. Nghĩa là tòa án là nơi nhận thực hiện một dịch vụ.

Do đó khó ai có thể chấp nhận vụ việc mình phải trả tiền để được phục vụ cứ bị ngâm từ hết năm này qua năm khác và ngành tòa án hàng bao năm nay vẫn tiếp tục một vấn đề nhức nhối chưa bao giờ giải quyết được: án tồn đọng!

Luật sư HÀ HẢI (Đoàn luật sư TP.HCM)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên