Bệnh nhân B. bị nhiễm trùng huyết nặng và trong tình trạng nguy kịch sau khi ăn tiết canh lợn - Ảnh: CÙ HIỀN
Ngày 20-12, Bệnh viện Đa khoa Bãi Cháy, Quảng Ninh cho biết bệnh viện này vừa tiếp nhận điều trị một bệnh nhân nhập viện trong tình trạng bị suy đa tạng, sốc nhiễm khuẩn, nhiễm trùng huyết vô cùng nguy kịch do nhiễm liên cầu khuẩn lợn sau khi ăn tiết canh.
Khoảng một tuần trước khi nhập viện, ông Vũ Văn B. (62 tuổi, trú tại phường Hòn Gai, TP Hạ Long) có ăn tiết canh heo rồi bị sốt cao, đau bắp đùi và đi ngoài phân lỏng nhiều lần. Khi được người nhà đưa đến viện thì bệnh nhân đã trong tình trạng tụt huyết áp, nhiễm trùng huyết nặng, cẳng chân phải sưng, đau nhiều.
Ngay khi tiếp nhận bệnh nhân, các bác sĩ Khoa Hồi sức tích cực và chống độc Bệnh viện Đa khoa Bãi Cháy đã thực hiện các xét nghiệm lâm sàng và cận lâm sàng, chẩn đoán bệnh nhân bị nhiễm khuẩn huyết, suy đa tạng do bệnh liên cầu lợn.
Bệnh nhân được tiến hành lọc máu, dùng thuốc kháng sinh. Tuy nhiên, đến nay tình trạng vẫn nguy kịch với hàng loạt triệu chứng sốc nhiễm khuẩn, viêm cơ tim, suy hô hấp, suy đa tạng, cẳng chân sưng phồng, tím tái, diễn biến hoại tử.
Các bác sĩ cho bệnh nhân thở máy qua ống nội khí quản và đặt máy tim phổi nhân tạo ECMO để hỗ trợ quá trình hô hấp và tuần hoàn nhằm giúp cơ thể dần ổn định - Ảnh: CÙ HIỀN
Trước tình trạng bệnh nhân nguy kịch, nguy cơ tử vong cao, các bác sĩ quyết định cho bệnh nhân thở máy qua ống nội khí quản và đặt máy tim phổi nhân tạo ECMO hỗ trợ quá trình hô hấp và tuần hoàn nhằm giúp cơ thể dần ổn định.
Bác sĩ Nguyễn Sỹ Mạnh, công tác tại Khoa Hồi sức tích cực và chống độc Bệnh viện Đa khoa Bãi Cháy, cho biết trường hợp bệnh nhân Vũ Văn B. bị suy hô hấp, suy đa tạng, nhiễm trùng huyết do bệnh liên cầu lợn nếu không được lọc máu kịp thời thì có thể tử vong chỉ trong khoảng 2-3 ngày.
Theo bác sĩ Mạnh, liên cầu lợn là loại vi khuẩn thường trú ở hầu họng con heo và có thể gây bệnh cho người nếu tiếp xúc trực tiếp.
Bệnh ban đầu thường có dấu hiệu sốt cao, đau đầu, ớn lạnh, đi ngoài…, nên bệnh nhân thường nhầm lẫn với các bệnh khác và nhập viện khi bệnh đã chuyển nặng với một loạt biểu hiện nguy kịch như suy hô hấp, suy đa tạng, sốc nhiễm khuẩn.
Việc điều trị thường kéo dài nhiều tháng với chi phí lên tới hàng trăm triệu đồng và bệnh vẫn có khả năng tái nhiễm sau khi được trị khỏi.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận