09/06/2016 12:02 GMT+7

Ẩn số Euro 2016 - Kỳ 4: Tiền ơi, chào mi

VÕ TRUNG DUNG (Từ Paris)
VÕ TRUNG DUNG (Từ Paris)

TTO - Chi phí tổ chức những sự kiện thể thao đình đám thường phải lấy từ ngân sách nhà nước, tức từ tiền thuế của dân.

Không khí hội hè đã bắt đầu nóng lên. Người hâm mộ chào đón tuyển Ba Lan đến Pháp ngày 7-6 - Ảnh: Reuters
Không khí hội hè đã bắt đầu nóng lên. Người hâm mộ chào đón tuyển Ba Lan đến Pháp ngày 7-6 - Ảnh: Reuters

 

Câu hỏi đầu tiên với chính phủ lẫn ban tổ chức của nước chủ nhà luôn là sự kiện có đem lại lợi ích kinh tế cho đất nước hay không.

Đương nhiên trong mọi trường hợp, câu trả lời luôn là đáp số dương về kinh tế, nếu ta tin vào những tuyên bố đầy tham vọng của ban tổ chức. Chẳng hạn lần này doanh thu từ Euro 2016 dự kiến sẽ được 1,27 tỉ euro, trong đó bao gồm 788 triệu từ tiền tiêu xài của các cổ động viên.

Nhưng cũng nên nhớ là Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) chỉ đưa ra con số vào khoảng 1 tỉ euro.

Lợi ích của những sự kiện hội hè lớn như thế này thường vượt lên trên những đánh giá thuần kinh tế

COLIN MIÈGE (chuyên gia kinh tế)

Cái chăn ngắn

Năm 2010 khi Liên đoàn Bóng đá châu Âu (UEFA) giao cho Pháp tổ chức Euro 2016, vượt qua hai ứng viên Thổ Nhĩ Kỳ và Ý, cả nước Pháp đã tổ chức ăn mừng. Nước Pháp không lạ gì với việc tổ chức những sự kiện thể thao tầm cỡ châu lục và thế giới, nhưng lần đó người ta mong viễn cảnh kinh tế sáng sủa trong bối cảnh thực tiễn đầy u ám.

Nhưng rồi người Pháp vẫn cứ là người Pháp, cái tư duy ngờ vực nhanh chóng khỏa lấp niềm vui để đi sâu vào những tính toán thiệt hơn đầy nghiêm túc.

Tôi có mặt ở quán cà phê bình dân La Butte aux Cailles (Đồi chim cút) cách không xa quảng trường Italie thuộc quận 13.

Đối với dân Paris, đây là quán cà phê đúng... chất Paris nhất. Khách khứa ở đây sôi nổi tám chuyện làm sao nước Pháp kiếm tiền từ 2,5 triệu người yêu thích bóng đá và cũng dễ suy đoán là yêu thích bia bọt, ăn uống.

Trong quán không có tivi màn hình phẳng to đùng để trực tiếp bóng đá như nhiều quán xá khác vào thời điểm này.

Ông chủ quán Michel phang ngay khi nghe câu hỏi: “Muốn truyền hình trực tiếp mấy trận bóng đá thì phải trả tiền thuê bao. Ở chỗ tôi giá nước uống bình dân chứ không như mấy quán bên cạnh bán ly bia bé tẹo với giá 6 euro. Tôi không thể tăng giá và cũng không có tiền trả thuê bao nên khỏi bóng đá gì hết”.

Hai ông khách gần đó phụ họa: “Tôi chả hiểu tổ chức bóng đá làm gì. Tốn kém những 2 tỉ euro trong khi người dân đang sống ở ngưỡng nghèo khổ. Có khối chuyện cần làm với số tiền tỉ đó!”.

Họ đích thị là dân Pháp, ưa càu nhàu. Nhưng quả thật rất khó xác định liệu một sự kiện thể thao tầm cỡ có thể đem lại tiền bạc ngay trước mắt được không.

Giờ đây chỉ toàn những kịch bản với chữ “nếu”: nếu tất cả suôn sẻ, nếu tuyển Pháp không bị loại từ vòng bảng, nếu không có đình công, nếu không có khủng bố, nếu thời tiết tốt đẹp trong suốt tháng diễn ra giải, thì chắc chắn sẽ có nhiều điểm cộng cho kinh tế Pháp và cơ sở hạ tầng được chuẩn bị trong dịp này.

Nhưng “với những chữ nếu người ta có thể bỏ Paris trong một cái chai” - đó là câu ngạn ngữ quen thuộc của người Pháp!

Thực tế thì cũng như nhiều nước khác, đồng tiền ngân sách giờ đây chẳng khác cái chăn ngắn, kéo cho ấm bên này thì bên kia bị lạnh. Chuyên gia kinh tế mảng thể thao Richard Duhautois nhìn nhận với tôi:

“Thật khó để đo đếm chính xác hiệu quả của các sự kiện thể thao lớn. Các nghiên cứu lúc khởi điểm bao giờ cũng đầy lạc quan. Đó là người ta không tính đến những hệ lụy phụ trợ - tức phần tiền ngân sách dành cho đầu tư tổ chức Euro sẽ khiến dự án khác không có tiền (và như thế sẽ gây thiệt hại) - và những hệ lụy cảm tính bị chối bỏ khi không được đầu tư (dẫn đến phản ứng chán ghét bóng đá)”.

Canh bạc may rủi

Nước Pháp, cũng như bất kỳ nước nào đứng ra đăng cai những sự kiện thể thao lớn như Euro, đều phải đầu tư nhiều trong thời gian dài. Chẳng hạn với sự kiện Euro 2016, tổng chi phí đầu tư thêm cho cơ sở hạ tầng, cho sân vận động (SVĐ) hoặc tu sửa SVĐ đã ngốn đến 1,65 tỉ euro, trong đó phần ngân sách trung ương và địa phương bỏ ra cũng đến 618 triệu euro.

Tính đúng tính đủ thì phải nói đến thất thu do phần miễn trừ thuế TVA tiền từ bán vé và bản quyền truyền hình cho UEFA trong vai trò nhà tổ chức đầu trò, rồi chi phí an ninh (trả lương cảnh sát, binh sĩ và phía an ninh tư nhân), rồi chi phí làm mới những bộ phận đón tiếp cổ động viên ở những điểm công cộng như sân bay, bến xe, bến tàu, quảng trường...

Nếu nhà nước có dư dả tiền thì những khoản đầu tư ban đầu đó sẽ không mất đi. SVĐ, nhà ga, đường sá làm mới sẽ tiếp tục là tài sản của nhà nước sau khi sự kiện kết thúc, tức của mọi người dân đóng thuế.

Xét về ngắn hạn thì những đầu tư hạ tầng này đã giúp tạo ra việc làm mới, kích thích kinh tế địa phương...

Nhưng có đi thì cũng có lại. Đầu tư lớn có thể thắng lớn nhưng cũng có thể thua lớn. Theo phân tích của chuyên gia Richard Duhautois: “Xét thuần trên phương diện tài chính kế toán thì hiếm khi những đầu tư lớn như thế đem lại lợi nhuận, cả về trung và dài hạn.

Nhưng trên phương diện khác, kiểu đầu tư này có thể tạo ra một dạng hiệu ứng về sự sung túc, về hạnh phúc cho người dân. Khi người dân thấy hạnh phúc thì họ lại làm việc tốt hơn, hiệu quả hơn và quan trọng là sẽ chi xài nhiều hơn.

Như thế đó là hiệu quả lớn cho toàn bộ nền kinh tế và xã hội. Nhưng ở góc độ này ta không thể đưa vào trong bảng hạch toán được!”.

Một chuyên gia khác, ông Colin Miège, tác giả của báo cáo về tác động kinh tế của Euro 2016 (do nhà nước đặt hàng), cũng đưa ra nhận định lạc quan: “Lợi ích của những sự kiện hội hè lớn như thế này thường vượt lên trên những đánh giá thuần kinh tế.

Chẳng hạn giải đấu sau khi kết thúc sẽ giúp kích thích tinh thần chơi thể thao, nhờ đó tạo ra thêm việc làm (ví dụ cho các cơ sở huấn luyện), bán thêm các sản phẩm thể thao, những lợi ích truyền thông quảng bá hình ảnh đất nước và các điểm du lịch, thương hiệu các mặt hàng... Đó là những lợi ích phi vật chất khó thể đong đếm”.

Các nhà tổ chức, nhà kinh tế có thể đưa ra nhiều đánh giá nhưng họ sẽ khó đo đếm được những thiệt hơn cụ thể của nhiều người dân. Trong khu quận 7 giàu có ở Paris, bà Catherine, chủ một cửa hiệu thời trang hạng sang, đang cho lắp đặt cửa bảo vệ mới trước cửa hàng của mình.

Bà làu bàu vì phải tốn kém đến 7.000 euro cho lớp cửa chắc chắn này: “Cửa hiệu của tôi nằm không xa khu Fan-zone ở Champs-de-Mars, lại nằm trên tuyến đường tàu điện ngầm dẫn đến đó, tôi không muốn mấy ông cổ động viên say khướt và lỗ mãng đập phá cửa hiệu của mình”.

Bà kể đang tính đóng cửa hiệu vào mấy ngày có diễn ra bóng đá ở Paris cho chắc ăn.

Các nhà kinh tế học đâu thể tính toán được những thiệt hại về phí cải tạo và mất doanh thu của những người như bà Catherine. Không ít chủ cửa hàng như bà Catherine đã chọn cách đóng cửa để đảm bảo an toàn.

Nhưng đến mùa này thì những quán cà phê, quán bia rượu, nhà hàng ở Cổng Saint-Cloud nơi có SVĐ Parc des Princes (Công viên các Hoàng Tử) đang xoa tay chờ hốt bạc. Một ông chủ giấu tên tiết lộ: “Tháng tới này tôi kiếm doanh thu bằng cả năm. Bia rượu và bóng đá luôn song hành với nhau”.

Ông và những chủ hiệu xung quanh đã chất đầy nhà kho toàn bia rượu và thực phẩm...

_________

Kỳ tới: Chờ gà trống gáy

VÕ TRUNG DUNG (Từ Paris)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên