11/07/2016 10:00 GMT+7

Ăn rau thì là cả nhà đều khỏe

DS LÊ KIM PHỤNG
DS LÊ KIM PHỤNG

TTO - Rau thìa là (thì là) đầu tiên được biết và sử dụng bởi những người cổ Hi Lạp và La Mã. Những người Hi Lạp tin rằng khi họ phủ lá này trên đầu họ thì rất dễ dỗ giấc ngủ.

Người ta hay dùng lá thìa là làm rau hoặc gia vị, nhất là các món như canh cá giấm, canh lươn, ốc, cháo cá, các món riêu cá… vừa thơm ngon, lại vừa át được mùi tanh. Tuy nhiên ngoài tác dụng làm gia vị trong ẩm thực, chúng ta nên biết thêm các lợi ích của thìa là để có thể phòng ngừa bệnh tật khi cần thiết.

Theo y học cổ truyền, lá thìa là có tính kích thích, mùi thơm hăng hắc, hơi đắng. Nó có tác dụng kích thích sự bài tiết nước tiểu, gia tăng lượng nước tiểu thải ra, nhờ đó làm giảm các cơn đau quặn do rối loạn đường tiết niệu như viêm thận, viêm bàng quang, sỏi thận. Thìa là còn được xem là loại thuốc êm dịu giúp cải thiện hoạt động của dạ dày.

Chữa rối loạn tiêu hóa: ăn lá thìa là nấu chín mỗi ngày giúp tiêu hóa tốt và chống táo bón. Tinh dầu thìa là trích từ sự chưng cất hạt, được dùng làm thuốc rất hiệu quả trong trường hợp đầy bụng, nấc cục, ợ chua thừa axit trong dạ dày và chứng tiêu chảy do rối loạn tiêu hóa.

1 giọt tinh dầu thìa là pha trong 1 muỗng mật ong uống ngay sau bữa ăn. Bị tiêu chảy và kiết lỵ, chất dầu trong hạt thìa là rất hữu hiệu để chữa chứng no hơi, đầy bụng.

Chữa bệnh đường hô hấp: trong trường hợp cảm lạnh, cúm, hoặc viêm cuống phổi. Dùng khoảng 60g hạt chế trong nước sôi, lọc lấy nước hòa với mật ong, chia 3 lần uống trong ngày.

Chữa rối loạn kinh nguyệt: dùng 60g dịch chiết lá thìa là trộn chung với 1 muỗng nước ép rau mùi tây, chia 3 lần uống trong ngày.

Chữa hơi thở hôi: nhai hạt thìa là mỗi ngày sẽ cải thiện được hơi thở.

Chữa mụn nhọt và sưng tấy: giã nát lá tươi thành khối nhão rồi đắp lên các mụn nhọt đã chín bị vỡ ra có máu. Có thể trộn chung một ít bột nghệ rồi đắp lên các chỗ ung loét có mủ, tác dụng làm lành rất nhanh. Lá thìa là đun trong dầu mè được điều chế thành một dạng thuốc dầu để bôi làm giảm đau trong trường hợp đau và sưng ở các khớp.

Trên phụ nữ có thai và cho con bú: thìa là thường được dùng ngay sau khi sinh để giúp tăng lượng sữa của sản phụ.

Cách dùng

- Dạng lá tươi thường được dùng để nêm canh làm tăng hương vị và chuyên dùng trong bếp ăn. Hạt được dùng để lấy dịch chiết điều chế thuốc chữa đầy bụng ở trẻ sơ sinh hoặc ngậm chữa đau răng. Lá thìa là được xem là thực phẩm bổ sung cho rau cải và xà lách.

Lá và hạt có thể được chế biến thành đồ chua, rau trộn hoặc chế các dạng thức uống mát trong mùa hè.

Vì nó có mùi hăng nên thường được chế biến chung với các loại rau quả và gia vị khác có mùi nhẹ hơn để dễ ăn và giúp tăng thêm hương vị cho các thực phẩm chế biến.

- Dùng dạng thuốc hãm: 1-2 muỗng cà phê hạt thìa là trong 1 lít nước sôi hoặc 50-100ml dịch chiết chia nhiều lần uống trong ngày.

DS LÊ KIM PHỤNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    Chủ đề: thì là rau thìa