10/01/2015 08:33 GMT+7

​An ninh Pháp thừa nhận thiếu nhân lực

TÚ ANH
TÚ ANH

TT - Cho đến nay tiền án tiền sự liên quan khủng bố của hai anh em ruột Chérif Kouachi (32 tuổi) và Said Kouachi (34 tuổi) là quá rõ.

Chérif thậm chí có tên trong hồ sơ theo dõi của lực lượng chống khủng bố của Pháp. Vậy vì sao họ không bị đặt vào tầm ngắm và có thể ra tay tàn bạo?

Ông Eric Dénécé, giám đốc Trung tâm nghiên cứu tình báo Pháp (CF2R), giải thích: “Không phải là vì hắn có tên trong danh sách, có địa chỉ rõ ràng mà hắn sẽ bị theo dõi thường xuyên. Nếu hắn khôn ngoan giữ mình đàng hoàng trong một thời gian thì đến một lúc nào đó việc theo dõi sẽ dừng lại. Đó là những lỗ hổng khó tránh khỏi trong lưới theo dõi nghi can khủng bố”.

Trong khi đó Bộ trưởng nội vụ Pháp Bernard Cazeneuve khẳng định hai đối tượng trên “từng bị theo dõi”, nhưng ông cũng nhấn mạnh rằng “không có yếu tố cho thấy chúng liên quan khả năng gây ra khủng bố”.

Nói một cách khác, hai anh em Kouachi không bị theo dõi theo chế độ đối tượng có nguy cơ gây ra hành động cụ thể, dù rằng Chérif từng ngồi tù vì liên quan chuyện “thánh chiến”.

Ông René-Georges Querry, cựu lãnh đạo UCLAT (đơn vị liên kết chống khủng bố), giải thích trên đài BFMTV: “Chérif bị kết án ba năm tù vào năm 2008 không có nghĩa hắn sẽ là kẻ giết người trong tương lai. Trên thực tế, khó khăn lớn nhất của lực lượng chống khủng bố hiện nay là đi theo dõi trong đám đông vài trăm người từng có tiền sử cực đoan hoặc có tiền án tiền sự. Bởi vì không thể xem họ như những sát thủ tiềm năng được”.

Pháp từng biết đến nạn khủng bố của Hồi giáo cực đoan từ những năm 1980 nhưng trong vài tháng qua, tình hình có vẻ rối ren hơn vì vài trăm thành viên “học đòi thánh chiến” từ Iraq và Syria quay về Pháp. Cũng do lực lượng này mà an ninh chống khủng bố phải tiến hành nhiều cuộc điều tra hơn, mất công sức hơn.

“Trong những tháng qua lực lượng an ninh đã phải khám xét hơn 130 người do liên quan yếu tố khủng bố - ông René-Georges Querry tiết lộ - Hàng chục tên trong số đó đã bị tạm giữ do tội không quá nghiêm trọng: đã đi Syria, trở về Pháp và tụ tập. Vấn đề ở đây chính là việc chuyển sang hành động bất ngờ. Chuyện này rất khó dự đoán”.

Ngoài ra, lực lượng chống khủng bố của Pháp cũng thiếu phương tiện kỹ thuật để có thể theo dõi thường xuyên các đối tượng mang yếu tố “nguy cơ tiềm ẩn”. Thực tế cho thấy việc theo dõi 24/24 giờ mỗi đối tượng tình nghi phải cần đến 30 nhân viên an ninh và sử dụng nhiều điện thoại nghe lén khác nhau.

Một trong các lãnh đạo chống khủng bố của Pháp (giấu tên) thừa nhận với Hãng tin AFP: “Chúng tôi chỉ làm được việc lên danh sách tên họ, phân loại nhóm nguy hiểm nhất, nhóm có khả năng chuyển sang hành động để theo dõi thường xuyên; các nhóm còn lại thì tùy khả năng phương tiện”.

Ông này cũng nói thêm: “Danh sách đó thay đổi liên tục, lúc này thì nhóm nguy hiểm tăng lên, lúc khác lại giảm xuống. Điều quan trọng là phải có đúng tên, đúng chỗ nhưng đánh giá đó không hề dễ dàng”.

 

TÚ ANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên