18/03/2020 10:33 GMT+7

An ninh lương thực VN chỉ xếp 57/113 quốc gia, Thủ tướng yêu cầu bàn những yếu kém

TRẦN VŨ NGHI
TRẦN VŨ NGHI

TTO - Từ nước thiếu ăn trong quá khứ, hiện Việt Nam đã có được bình quân lương thực trên 525 kg/đầu người, là một trong ba quốc gia xuất khẩu lương thực lớn trên toàn cầu, cũng như đã được công nhận có chất lượng gạo ngon nhất trên thế giới.

An ninh lương thực VN chỉ xếp 57/113 quốc gia, Thủ tướng yêu cầu bàn những yếu kém - Ảnh 1.

Đóng gói gạo xuất khẩu tại Công ty cổ phần đầu tư Vinh Phát trên đường Nguyễn Hữu Trí, huyện Bình Chánh, TP.HCM - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh yêu cầu trên khi chủ trì hội nghị trực tuyến toàn quốc "Tổng kết 10 năm thực hiện đề án "An ninh lương thực quốc gia đến năm 2020" tổ chức sáng 18-3 tại Hà Nội. 

Nhấn mạnh đảm bảo an ninh lương thực cho đất nước là nhiệm vụ cực kỳ quan trọng trong bất kỳ tình huống nào cùng với đảm bảo nhu cầu nhu yếu phẩm tối thiểu cho người dân, Thủ tướng cho rằng 10 năm nông nghiệp Việt Nam đã đạt được nhiều thành tích lớn và toàn diện.

Từ nước thiếu ăn trong quá khứ, hiện Việt Nam đã có được bình quân lương thực trên 525 kg/đầu người, là một trong ba quốc gia xuất khẩu lương thực lớn trên toàn cầu, cũng như đã được công nhận có chất lượng gạo ngon nhất trên thế giới.

"Dù không thể phủ nhận các thành tích vượt trội, nhưng cần bàn về những yếu kém của nông nghiệp nước ta và an ninh lương thực nói riêng trong hội nghị này. Vì sao tôi nói vậy? Vì chúng ta xuất khẩu gạo đứng đầu thế giới, nhưng an ninh lương thực chỉ xếp 57/113 quốc gia", Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu vấn đề.

An ninh lương thực VN chỉ xếp 57/113 quốc gia, Thủ tướng yêu cầu bàn những yếu kém - Ảnh 2.

Quang cảnh hội nghị - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Người đứng đầu Chính phủ cho rằng tới đây, cần chuyển dịch cơ cấu sản xuất nông nghiệp lương thực một cách hợp lý, giải quyết bài toàn hạ tầng nông nghiệp, công nghiệp chế biến... thậm chí phải nghĩ đến việc các loại gạo dinh dưỡng cho toàn dân và xuất khẩu, "không chỉ nằm ở số lượng không, mà còn phải đặt vấn đề chất lượng lên hàng đầu".

Không chỉ yêu cầu các nhà khoa học, bộ ngành lẫn lãnh đạo các địa phương có diện tích nông nghiệp lớn gấp rút tìm kiếm các giải pháp mới, ông Phúc yêu cầu trong thời gian tới cần đảm bảo an ninh lương thực trong bất kỳ hoàn cảnh nào, đặc biệt trong điều kiện biến đổi khí hậu ngày càng khắc nghiệt.

Thủ tướng cũng lưu ý việc đảm bảo an ninh lương thực không đơn thuần chỉ là đảm bảo kinh tế, mà còn là đảm bảo an sinh xã hội, gồm đảm bảo nguồn cung, nhu cầu dinh dưỡng và khả năng tiếp cận của người dân về vấn đề lương thực.

Theo Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, sau 10 năm thực hiện, đề án đạt được nhiều kết quả tích cực, trong đó 12 chỉ tiêu đã đạt và vượt so với mục tiêu đề ra. 

Giai đoạn 2009-2019 sản lượng lúa tăng từ 39,17 triệu tấn lên 43,4 triệu tấn, bình quân lương thực đầu người tăng từ 497kg/năm lên trên 525 kg/năm. 

Xuất khẩu gạo năm 2019 đạt 6,14 triệu tấn, thu về hơn 3 tỉ USD, đến được 150 quốc gia và vùng lãnh thổ, vượt mục tiêu đề ra 4 triệu tấn. GDP toàn ngành nông nghiệp duy trì tốc độ tăng trưởng khá, đạt 2,61%/năm.

Xuất khẩu gạo của Campuchia tăng mạnh trong 2 tháng đầu năm 2020 Xuất khẩu gạo của Campuchia tăng mạnh trong 2 tháng đầu năm 2020

Trong 2 tháng qua, Campuchia đã xuất khẩu 136.499 tấn gạo, tăng 21,34% so với cùng kỳ năm ngoái; trong đó xuất khẩu sang Trung Quốc chiếm phần nhiều nhất với 37,43%.

TRẦN VŨ NGHI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên