Ông Trần Thanh Tâm, phó giám đốc Sở Thông tin - truyền thông tỉnh An Giang - Ảnh: C.Quốc |
Ngày 26-11, UBND tỉnh An Giang tổ chức họp báo về việc xử lý 3 cán bộ chê chủ tịch tỉnh trên Facebook, như là cách để kết thúc câu chuyện này.
Thông cáo báo chí của UBND tỉnh cho rằng ba cán bộ có lỗi trong sử dụng mạng xã hội, việc thay đổi hình thức xử lý bởi quy trình xử lý, nội dung xử phạt của các cơ quan chức năng chưa đảm bảo theo quy định pháp luật.
Các cá nhân này thừa nhận trách nhiệm về hành vi của mình, tự khắc phục và có ý kiến xin xem xét giảm hình thức xử lý. Quan điểm cá nhân của chủ tịch UBND tỉnh mong muốn giải quyết mang tính giáo dục là chủ yếu, có lý có tình.
Không cần thiết phải xử phạt
Phóng viên Tuổi Trẻ đề nghị nêu rõ và giải thích “lỗi ba cá nhân này”. Ông Nguyễn Hạnh, phó Ban nội chính Tỉnh ủy - khẳng định ba cán bộ đều có lỗi trong sử dụng Internet, mỗi người có tính chất khác nhau.
Đáng ra khi thấy những lời bình ảnh hưởng đến uy tín chủ tịch tỉnh, với một công chức thì cô Trang (giáo viên Trường THPT Long Xuyên) nên xóa bỏ. Tuy nhiên, điều đó không vi phạm điều 66 nghị định 174, chỉ có lỗi ở khoản 24 điều 26 của người sử dụng Internet. Lỗi này không nghiêm trọng, không vi phạm nên không xử lý.
Cô Trang không biết mình vi phạm mà sở xử phạt là không được nên phải hủy bỏ quyết định. Ông Phúc (nhân viên Điện lực An Giang) có lỗi rất rõ nhưng hành vi này chỉ có dấu hiệu vi phạm và ông này đã khắc phục (xóa bỏ) nên không cần xử phạt hành chính.
“Bà Nga (phó văn phòng Sở Công thương An Giang) có lỗi vì không quản lý tài khoản nhưng cũng là nạn nhân do chồng tải lên. Việc kỷ luật về Đảng và chính quyền với bà Nga như chủ nhà bị mất cắp nhưng không xử người lấy cắp mà lại xử lý chủ nhà” - ông Hạnh ví von.
Ông Hồ Việt Hiệp, phó chủ tịch UBND tỉnh, cũng cho rằng cả ba cá nhân trên có lỗi trong sử dụng mạng xã hội nhưng chưa đến mức xử phạt nên tỉnh chỉ đạo hủy bỏ các quyết định.
Phải xin lỗi, kiểm điểm trách nhiệm
Về câu hỏi: Sau khi hủy quyết định kỷ luật, xử phạt thì UBND tỉnh có xin lỗi ba cá nhân trên? Ông Hiệp khẳng định UBND tỉnh không chỉ đạo xử lý, chỉ biết sau khi có kết quả xử lý, vì vậy trách nhiệm thuộc về các đơn vị trực tiếp xử lý. Trường hợp xử lý chưa đúng phải xin lỗi.
“Về nguyên tắc, nếu xử phạt vi phạm hành chính sai làm ảnh hưởng tinh thần, oan ức thì phải xin lỗi. Do đó các cơ quan ra quyết định xử lý không đúng phải có trách nhiệm đứng ra xin lỗi, đồng thời UBND tỉnh yêu cầu phải nghiêm túc kiểm điểm trách nhiệm. UBND tỉnh cũng sẽ xem xét xử lý những đơn vị làm sai” - ông Hiệp nói.
Ông Trần Thanh Tâm, phó giám đốc Sở Thông tin - truyền thông, cho biết đoàn thanh tra đã xin lỗi cô Trang, thay mặt sở ông cũng đã xin lỗi, nghiêm túc rút kinh nghiệm. “Một lần nữa cho tôi gửi lời xin lỗi qua báo chí đến cô Trang” - ông Tâm nói.
Ông Nguyễn Văn Xe, bí thư Đảng ủy khối dân chính, cũng cho biết sẽ yêu cầu lãnh đạo Sở Công thương nghiêm túc rút kinh nghiệm và xin lỗi bà Nga.
Ông Hiệp nói qua vụ việc này, UBND tỉnh, thường trực Tỉnh ủy cũng nhìn nhận, rút kinh nghiệm là lẽ ra cần nhanh chóng mời các cơ quan tham gia xử lý vụ việc, mời chuyên gia khách quan đánh giá một cách công bằng, để có hình thức xử lý kịp thời, không để vụ việc kéo dài...
Xử lý theo quy trình... ngược PV Tuổi Trẻ đặt vấn đề quy trình kiểm tra xử lý ba cán bộ này được thực hiện theo quy trình... ngược, bởi khi Sở Thông tin - truyền thông chưa xác định hành vi vi phạm của họ mà Đảng ủy khối dân chính đã kiểm tra rồi chỉ đạo xử lý, ông Nguyễn Hạnh nhìn nhận đúng là việc xử lý theo quy trình ngược. Lẽ ra sau khi Sở Thông tin - truyền thông, cơ quan liên quan xác định và xử lý hành vi vi phạm thì các cơ quan chủ quản mới xử lý về mặt chính quyền và Đảng. “Hồ sơ quyết định xử phạt hành chính chưa đúng với biên bản vi phạm. Viện dẫn điều luật không chuẩn không đúng, có sai sót nên xử phạt chưa đúng. Từ đó xử lý kỷ luật cũng không thuyết phục” - ông Hạnh nói. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận