* Chỉ một cửa kiểm soát thực phẩm (*)
![]() |
Bữa cơm công nghiệp tập thể tại một nhà máy trong Khu chế xuất Tân Thuận, Q.7, TP.HCM - Ảnh: Hoàng Thạch Vân |
Sau hơn 20 năm đổi mới, cuộc sống của người dân VN đã được nâng lên rõ rệt, đến năm 2008, VN đã có thu nhập bình quân đầu người trên 1.000 USD/năm. VN từ một nước nghèo đã vươn lên trở thành một nước có thu nhập trung bình, vì thế phần lớn người dân ta đã qua thời kỳ khốn khó và đang có quyền được ăn đủ, ăn ngon, mặc lành lặn, mặc đẹp không thua nước nào trong khu vực. Đại biểu Phan Xuân Dũng (Thừa Thiên - Huế) đã phát biểu như trên.
Dĩ nhiên, khi con người đủ ăn, muốn ăn ngon và an toàn thì như đại biểu Đào Xuân Nay (Bình Thuận) phản ảnh, tâm trạng lo lắng chung nhất của người dân hiện nay là ăn cái gì cũng sợ ngộ độc, sợ ung thư. Như vậy vệ sinh an toàn thực phẩm là vấn đề được đông đảo nhân dân cả nước quan tâm, đòi hỏi các ngành, các cấp và mỗi người dân phải chủ động và làm thật tốt công tác quản lý chất lượng an toàn thực phẩm để thực hiện phương châm “phòng bệnh hơn chữa bệnh”.
Cần luật và tiền
Bộ trưởng Bộ Y tế NGUYỄN QUỐC TRIỆU: Đã nghèo là khó, nghèo là khổ Cảm ơn ý kiến phát biểu thẳng thắn của các đại biểu Quốc hội, kể cả những ý kiến phê bình gay gắt và những ý kiến chia sẻ... GDP của nước ta chưa đầy 1.000 USD/người, mới ra khỏi đói nhưng chưa thoát nghèo, đã nghèo là khó, nghèo là khổ, nghèo là hèn, nghèo cũng đi với lạc hậu. Nhưng chúng ta đã rất cố gắng, về tuổi thọ so với các nước có cùng bình quân kinh tế chúng ta vượt từ 6-8 tuổi, tức là tuổi thọ của chúng ta đã 72 tuổi, những nước có trình độ kinh tế như ta chỉ từ 62-64 tuổi. Suy dinh dưỡng sau hơn 20 năm đổi mới đã giảm từ 51% xuống còn 19%... Các mặt hàng nông, lâm, thủy sản của chúng ta đã xuất khẩu vào nhiều nước rất kỹ tính về an toàn vệ sinh thực phẩm, thu về nhiều tỉ USD. |
Ông Đặng Vũ Minh - chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, công nghệ và môi trường - đưa ra một giải pháp trước mắt khác là đầu tư kinh phí nâng cấp một số phòng thí nghiệm để đạt tiêu chuẩn khu vực và quốc tế, nâng cao năng lực các phòng thí nghiệm phân tích hiện có, khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư mới các phòng thí nghiệm...
Về lâu dài, ông Đặng Vũ Minh nêu Nhà nước cần có chính sách phát triển vùng sản xuất nguyên liệu thực phẩm theo hướng sản xuất lớn, gắn với việc phát triển thị trường hàng hóa nông sản an toàn; khuyến khích, hỗ trợ hoặc cho vay vốn để các doanh nghiệp đổi mới công nghệ, áp dụng hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến, xây dựng thương hiệu, phát triển hệ thống cung cấp thực phẩm an toàn...
Theo Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên, vấn đề chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm phải được xác định là một chương trình mục tiêu quốc gia, từ đó đầu tư về mọi mặt và tăng đầu tư cho lĩnh vực này.
Về vấn đề “nhạc trưởng” trong quản lý chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm, ông Kiên khẳng định bộ chủ trì đầu mối về quản lý nhà nước là Bộ Y tế, các bộ khác phối hợp thực hiện. Đương nhiên phải có quy chế, quy định thật cụ thể về nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Quốc Triệu đồng tình với đề xuất Quốc hội ban hành nghị quyết chuyên đề về vấn đề chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm. Ông Triệu cho rằng những vấn đề gì liên quan đến cộng đồng, đến toàn thể dân chúng thì quyết định của cơ quan quyền lực tối cao có một ý nghĩa rất quan trọng. Một trong những nội dung nằm trong nghị quyết này được ông Triệu đề nghị là chế tài đối với việc vi phạm quy định pháp luật về vệ sinh an toàn thực phẩm phải đủ mạnh.
![]() |
Các loại hương liệu, phẩm màu thực phẩm không rõ nguồn gốc, không ai kiểm soát chất lượng nhưng vẫn được bày bán tràn lan tại chợ Kim Biên (TP.HCM) - Ảnh: M.Đức |
Kiểm soát chặt
Nhiều đại biểu bày tỏ sự lo ngại đối với nhiều loại thực phẩm nhập qua đường biên giới. Đại biểu Trần Thị Hoa Sinh (Lạng Sơn) nói: “Đối với các tỉnh có đường biên giới với Trung Quốc, việc nhập lậu gia cầm, thực phẩm tươi sống, sản phẩm động vật qua biên giới vào nội địa vẫn diễn biến phức tạp, đặc biệt là việc nhập lậu các nội tạng của động vật...”.
Đặt vấn đề nhiều quyết định có liên quan đang bất cập, đại biểu Hoàng Thị Bình (Cao Bằng) phân tích: theo quy định, hàng hóa mua bán trao đổi của cư dân biên giới, hàng hóa đưa vào chợ biên giới, chợ trong khu kinh tế cửa khẩu không phải kiểm tra nhà nước về chất lượng, đồng thời nếu giá trị hàng hóa đó không quá 2 triệu đồng/người/ngày lại được miễn thuế nhập khẩu. Đây là điều thuận lợi cho cư dân biên giới, nhưng thực tế hàng hóa rau củ quả tươi là nhóm hàng có nguy cơ cao gây ngộ độc thực phẩm, mà số lượng hàng hóa này nhập vào VN không ít.
Tại cửa khẩu Lào Cai, một ngày có 500-600 lượt người đưa rau củ quả tươi từ Trung Quốc sang VN, nếu nhân với giá trị hàng 2 triệu đồng/người/ngày sẽ có lượng hàng hóa vào VN khoảng 1-1,2 tỉ đồng không được kiểm soát. Đại biểu Bình đề nghị đối với các tỉnh miền núi, biên giới, Nhà nước cần có chế tài để quản lý hàng hóa thực phẩm nhập khẩu qua biên giới chặt chẽ hơn.
Đại biểu HỒ THỊ THU HẰNG (Vĩnh Long): Ba lý do tăng đầu tư vào an toàn thực phẩm Tôi tán đồng đề nghị của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng như nhiều ý kiến phát biểu trước tôi là tăng đầu tư cho công tác an toàn thực phẩm từ khoảng 1.000 đồng/người/năm lên 9.000 đồng/người/năm và có thể hơn nữa bởi đây là vấn đề cấp bách, phức tạp liên quan đến sức khỏe của con người, đến chất lượng cuộc sống của cả dân tộc. Điều này có thể gây sức ép với ngân sách nhà nước nhưng hiệu quả rất cao bởi những lý do sau. Thứ nhất, theo Tổ chức Y tế thế giới thì mỗi năm VN mất 340 tỉ đồng chi cho thiệt hại thiếu an toàn, vệ sinh thực phẩm. Số này đủ để xây dựng và trang bị y tế cho toàn bộ hơn 10.300 trạm y tế xã của cả đất nước VN. Thứ hai, đầu tư để chúng ta sản xuất an toàn nông sản thực phẩm ứng dụng nghiêm các quy trình sản xuất tốt như GAP, GPP, GMP... thì VN không những tiếp tục bảo vệ thị trường xuất khẩu mà còn có một thị trường rộng lớn hơn mới thỏa được những điều kiện ngày càng nghiêm ngặt của thế giới, góp phần tăng tỉ lệ xuất khẩu, nâng cao đời sống của người dân, nâng cao thu nhập quốc dân. Thứ ba, chúng ta cũng có tiền lệ tăng đầu tư cho công tác dân số kế hoạch hóa gia đình gấp 11 lần từ năm 1991-1995 và đã thành công ngoạn mục trong việc giảm tỉ lệ sinh, nhận được giải thưởng của Liên Hiệp Quốc năm 1997. Tôi thấy rằng vấn đề an toàn thực phẩm hệ trọng không kém vấn đề dân số kế hoạch hóa gia đình. |
Trao đổi với báo chí, ông NGUYỄN ĐĂNG VANG - phó trưởng đoàn thường trực đoàn giám sát về vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) của Ủy ban Thường vụ Quốc hội - nói: - Hiện nay, do thiếu nhân lực và kiêm nhiệm nên mỗi tỉnh chỉ có nửa người làm công tác thanh tra, nửa người làm quản lý VSATTP và không trả đồng nào cho cán bộ cấp xã thì không thể làm được. Trong khi đó, chúng ta có hơn 9 triệu hộ nông dân trồng trọt, chăn nuôi nhưng lại không có ai hướng dẫn, kiểm tra, giám sát về VSATTP. Chuỗi thực phẩm an toàn phải bắt đầu từ khâu này nhưng lâu nay chúng ta bỏ qua, bây giờ phải làm tốt từ chỗ này. Thứ hai là phải tăng cường trang thiết bị kiểm tra nhanh để phát hiện những vấn đề cần giải quyết, chứ hiện nay chúng ta dùng phương pháp cảm quan thì chẳng giải quyết được gì cả. * Nhiều ý kiến đề nghị có cơ quan chuyên trách làm đầu mối về quản lý VSATTP, ý kiến của ông như thế nào? - Không chỉ đầu mối mà sẽ có cả hệ thống thanh tra, kiểm tra hoạt động theo nghị định 79 của Chính phủ đang trong quá trình hình thành. Theo đó, mỗi tỉnh sẽ có khoảng mười người làm công tác thanh tra thay vì chỉ nửa người như hiện nay. Tôi rất bất ngờ vì lâu nay chúng ta bỏ bẵng một việc quan trọng như vậy. Chúng ta đi làm suốt ngày nhưng đến bữa ăn thì lại coi thường nó. * Số liệu về ngộ độc thực phẩm theo báo cáo của Chính phủ thấp hơn rất nhiều so với báo cáo tổng hợp từ 63 tỉnh, thành của đoàn giám sát. Có nguyên nhân nào chăng? - Đúng là báo cáo của Chính phủ trong năm năm 2004-2008 có 267 người chết vì ngộ độc thực phẩm, còn báo cáo của đoàn giám sát có tới 391 người, trong đó Nam Định không báo cáo nên thực tế mới tổng hợp 62 tỉnh thành. Có thể do Chính phủ chưa tập hợp hết số liệu nên con số như thế. Cũng có thể do báo cáo từ các tỉnh cho Chính phủ chưa có điều tra, khảo sát thật chính xác. * Như vậy liệu có đánh giá hết tình hình hay không, bởi đơn cử như khi giám sát ở TP.HCM, UBND TP không báo cáo số người tử vong do ngộ độc rượu và giải thích rằng đó không phải là ngộ độc thực phẩm? - Theo tôi, số liệu của mỗi tỉnh báo cáo có thể có sự sai lệch nhưng nhìn ở góc độ khoa học thống kê, các báo cáo hiện nay có thể tin tưởng được. Còn về khái niệm thì những gì ăn, uống hằng ngày đều là thực phẩm. Đúng là khi báo cáo TP.HCM không đưa vào số người chết vì bị ngộ độc rượu nhưng sau đó chúng tôi đã cập nhật đầy đủ trong báo cáo giám sát trình trước Quốc hội. * Cũng có một thực tế là các cơ quan chức năng thường chỉ vào cuộc sau khi xảy ra ngộ độc hoặc có sự cố như nước tương chứa 3-MCPD, rượu chứa methanol, nước đóng chai nhiễm vi sinh... Sắp tới làm thế nào để khắc phục? - Đúng là có thực tế đó và vì thế đòi hỏi sắp tới phải có lực lượng thanh tra chuyên ngành được đào tạo bài bản, được trang bị phương tiện kiểm tra, kiểm nghiệm đủ mạnh. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận