01/12/2014 10:15 GMT+7

​Ấn Độ xử quan chức không trả nhà công vụ

HIẾU TRUNG
HIẾU TRUNG

TT - Từ năm 2013, Chính phủ Ấn Độ đã báo động tình trạng các quan chức hết nhiệm kỳ nhưng vẫn ở lì trong nhà công vụ. Nhà chức trách phải dùng những biện pháp mạnh để đối phó.

Cựu bộ trưởng hàng không dân dụng Ấn Độ Ajit Singh dù ấm ức nhưng buộc phải trả nhà công vụ sau khi chính quyền sử dụng biện pháp mạnh - Ảnh: India Express
Cựu bộ trưởng hàng không dân dụng Ấn Độ Ajit Singh dù ấm ức nhưng buộc phải trả nhà công vụ sau khi chính quyền sử dụng biện pháp mạnh - Ảnh: India Express

Theo báo India Express, hồi tháng 7-2013 Tòa án tối cao Ấn Độ đã lên tiếng chỉ trích dữ dội việc hàng loạt nghị sĩ, bộ trưởng và quan chức các cấp “kiên cường” bám trụ trong nhà công vụ dù đã hết nhiệm kỳ từ lâu.

Nhiều quan chức phải trở về các bang quê hương và được cấp nhà công vụ tại đó nhưng vẫn cương quyết không trả nhà công vụ tại New Delhi.

Trước đó, hàng loạt quan chức mới nhậm chức ở thủ đô New Delhi đã làm đơn khiếu nại lên Bộ Phát triển đô thị, bởi việc các quan cũ không chịu di dời khiến các quan mới không có chỗ ở chính thức.

Những người làm đơn khiếu nại mô tả đây là một vụ “xìcăngđan” mang tính chất tham nhũng, chiếm đoạt tài sản nhà nước. Và chính quyền Ấn Độ buộc phải hành động.

Thông báo trước, cưỡng chế sau

Dùng vũ lực

Các nhân viên NDMC đã phải dùng vũ lực để thu hồi nhà công vụ của khoảng 20 cựu quan chức.

Giới truyền thông và dư luận Ấn Độ đều tỏ thái độ ủng hộ hành động cương quyết của chính phủ đối với các quan chức trơ lì, không chịu trả nhà công vụ.

Các quan chức hết nhiệm kỳ đưa ra đủ lý do để không trả nhà công vụ, như việc gặp khó khăn về nhà cửa nên không thể di dời hay vẫn còn nhiều “công việc” ở thủ đô New Delhi. Báo chí cho biết một số quan chức dù đã về bang quê hương nhưng vẫn tìm cách chạy chọt xin một chức vụ ở New Delhi để giữ nhà công vụ.

Phần lớn nhà công vụ dành cho các nghị sĩ, thẩm phán và quan chức cấp cao tại New Delhi đều nằm ở những khu vực trung tâm, thuận tiện đi lại.

Trước tình trạng đó, Tòa án tối cao Ấn Độ khẳng định việc các quan chức đã hết nhiệm kỳ của cả nhánh lập pháp, tư pháp và hành pháp đều chiếm dụng nhà công vụ là “mối lo ngại nghiêm trọng” và “đáng tiếc”.

Tòa án tối cao khẳng định đây là hành vi bất hợp pháp, cần phải bị xử lý. Sau đó, hai thẩm phán P. Sathasivam và Ranjan Gogoi của Tòa án tối cao công bố hướng dẫn việc thu hồi nhà công vụ từ các cựu quan chức trơ lì.

Tòa án tối cao yêu cầu Chính phủ Ấn Độ gửi thông báo về việc trả lại nhà công vụ cho nhà nước tới các quan chức khoảng ba tháng trước khi họ nghỉ hưu hoặc kết thúc nhiệm kỳ để họ có đủ thời gian chuẩn bị chỗ ở mới. Trong vòng một tháng sau khi nghỉ hưu hoặc hết nhiệm kỳ, các quan chức phải trả lại nhà cho nhà nước. Việc trả nhà có thể được trì hoãn tối đa thêm một tháng nếu có lý do thật sự chính đáng và đặc biệt.

Tòa án tối cao khẳng định chính phủ hoàn toàn có thể dùng “vũ lực vừa phải” để trục xuất các quan chức trơ lì, không chịu trả nhà công vụ.

Một hình phạt được đưa ra là nhà nước sẽ ngừng trả lương hưu hằng tháng cho các quan chức không chịu trả lại nhà công vụ. Các quan chức này cũng sẽ phải trả tiền thuê nhà kể từ ngày hết nhiệm kỳ.

Chính phủ cũng sẽ xem xét việc truy tố các quan chức, dù là cựu bộ trưởng hay cựu nghị sĩ tội vi phạm các quy chế đặc quyền đặc lợi nếu không chịu trả nhà.

Cắt điện nước

Ngay sau khi Tòa án tối cao công bố các hướng dẫn trên, Thủ hiến bang Bihar Nitish Kumar, cựu thủ hiến bang Uttar Pradesh Mulayam Singh Yadav và cựu thống đốc Bihar Buta Singh đều lập tức dọn dẹp đồ đạc ra khỏi các căn nhà công vụ hoành tráng mà họ ở lì từ nhiều năm qua.

Từ đầu năm 2014, chính quyền Ấn Độ đã mở chiến dịch thu hồi nhà công vụ bị chiếm dụng trái phép. Tính đến tháng 7-2014, chính quyền New Delhi đã trục xuất thành công 11/17 cựu bộ trưởng cùng 230/258 cựu nghị sĩ ra khỏi những ngôi nhà công vụ không còn thuộc về họ nữa.

Nhưng bất chấp hướng dẫn của Tòa án tối cao và sự quyết tâm của chính phủ, nhiều cựu quan chức có thế lực và ảnh hưởng lớn vẫn kháng cự lệnh trục xuất. Trong số đó phải kể đến các cựu nghị sĩ kiêm bộ trưởng hàng không dân dụng Ajit Singh, Jitendra Singh và Mohd Azharuddin hay các cựu bộ trưởng Girija Vyas, Pallam Raju, Krishna Tirath, Singh và Balram Naik...

Tất cả đều tỏ ra rắn mặt và không chịu di dời. Một số ông xin chính phủ cho ở thêm vì lý do y tế, một số đòi có thêm thời gian chuẩn bị cho việc dọn nhà. Cựu nghị sĩ Ajit Singh thậm chí huy động người ủng hộ chặn các nhân viên nhà nước tới thu hồi nhà.

Tháng 9-2014, Hội đồng Đô thị New Delhi (NDMC) bắt đầu áp dụng các biện pháp mạnh tay. Đó là cắt điện và nước các ngôi nhà công vụ của những vị khách quá hạn này.

Nhà của cựu nghị sĩ Ajit Singh, cựu bộ trưởng A. K. Athony và ít nhất 20 cựu nghị sĩ khác rơi vào cảnh mất điện nước hoàn toàn.

Phản ứng lại, ông Ajit Singh mở một cuộc họp báo, phàn nàn với các phóng viên rằng NDMC chỉ thông báo thu hồi nhà công vụ từ ngày 9-9 và đến ngày 13-9 đã cắt điện nước dù ông này hứa đến ngày 25-9 sẽ trả nhà.

Nhưng sau đó rốt cuộc đến ngày 27-9 ông Ajit Singh cũng phải gói ghém đồ đạc ra đi.

HIẾU TRUNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên