23/04/2021 13:04 GMT+7

Ẩn danh trên mạng tạo 'mảnh đất màu mỡ' cho tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia

HÀ THANH
HÀ THANH

TTO - Cố vấn cấp cao UNODC Jinsuk Park cho rằng chính sự kết nối, sự ẩn danh trên mạng tạo 'mảnh đất màu mỡ' cho tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia.

Ẩn danh trên mạng tạo mảnh đất màu mỡ cho tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia - Ảnh 1.

Các chuyên gia, cố vấn về tương trợ tư pháp hình sự chia sẻ kinh nghiệm tại hội thảo sáng 23-4 - Ảnh: HÀ THANH

Sáng nay 23-4 tại Hà Nội, Viện kiểm sát nhân dân tối cao phối hợp với Cơ quan Phòng chống ma túy và tội phạm của Liên Hiệp Quốc (UNODC) tổ chức hội thảo "Chia sẻ kinh nghiệm xây dựng luật tương trợ tư pháp về hình sự của nước ngoài".

Nhấn mạnh công nghệ hiện đại, Internet có thể giúp khắc phục được các trở ngại, khó khăn về khoảng cách địa lý trong bối cảnh đại dịch COVID-19, tuy nhiên ông Jinsuk Park, cố vấn cao cấp về truy tố và tư pháp, UNODC tại Đông Nam Á - Thái Bình Dương, cho rằng chính sự kết nối ngày càng tăng, sự ẩn danh trên mạng cũng tạo ra mảnh đất màu mỡ cho tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia, trong đó có tội phạm mạng ngày càng gia tăng.

"Các cơ quan thực thi pháp luật, cơ quan tư pháp quốc gia đang đối mặt với yêu cầu cấp bách trong việc hợp tác xuyên biên giới một cách có hiệu quả", ông Jinsuk nhấn mạnh.

Ông cho biết với tư cách là cơ quan đầu mối của Công ước của Liên Hiệp Quốc về chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia, UNODC được giao nhiệm vụ cung cấp hỗ trợ hiệu quả hơn nữa trong các vụ án hình sự có yếu tố nước ngoài; xây dựng công cụ, tạo điều kiện thuận lợi cho hợp tác quốc tế xử lý giải quyết thách thức trước các băng nhóm tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia.

Bà Tiah Heng Hui, luật sư công, chuyên viên Vụ Các vấn đề quốc tế, Văn phòng Tổng chưởng lý Singapore, chia sẻ rằng tại nước này, tương trợ tư pháp có thể được cung cấp hoặc đề nghị mà không cần có hiệp ước hoặc thỏa thuận tương trợ tư pháp với Singapore, tuy nhiên cần có cam kết "có đi có lại" của chính phủ các nước.

Tính đến thời điểm này, Singapore đã cho phép cung cấp hoặc đề nghị tương trợ tư pháp đối với hơn 400 hành vi phạm tội.

Bà Kiều Phương Liên, đại diện Vụ Hợp tác quốc tế và tương trợ tư pháp về hình sự, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, cho biết tại Việt Nam, luật tương trợ tư pháp năm 2007 được Quốc hội khóa XII, kỳ họp thứ 2 thông qua và có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2008. Qua hơn 10 năm triển khai, công tác tương trợ tư pháp về hình sự đã đạt nhiều kết quả tích cực.

Trong số đó, Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã tiếp nhận, giải quyết 827 yêu cầu tương trợ tư pháp về hình sự của các cơ quan tiến hành tố tụng trong nước gửi cơ quan có thẩm quyền nước ngoài đề nghị thực hiện (yêu cầu tương trợ tư pháp đi) và 723 yêu cầu tương trợ tư pháp về hình sự của các cơ quan có thẩm quyền nước ngoài đề nghị Việt Nam thực hiện (yêu cầu tương trợ tư pháp đến).

Rủi ro cho ngành tư pháp từ thí nghiệm cài ký ức giả cho con người Rủi ro cho ngành tư pháp từ thí nghiệm cài ký ức giả cho con người

Một nhóm nhà khoa học Đức đã thực hiện thành công thí nghiệm chứng minh có thể dễ dàng cài đặt, hay xóa bỏ các ký ức giả vào tâm trí con người.

HÀ THANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên