16/12/2012 06:02 GMT+7

Ăn cơm nhà nuôi con thiên hạ

QUỐC NAM
QUỐC NAM

TT - Những đứa trẻ khuyết tật trìu mến gọi chị là mẹ. Chị cũng xem chúng như con và chăm lo từng bữa cơm, giấc ngủ, học hành cho đến khi chúng có thể tự bước vào đời mà không đòi hỏi bất cứ một điều kiện gì.

Ngôi nhà của chị ở số 54/6 Nguyễn Trãi, TP Đông Hà, Quảng Trị từ mười năm qua đã trở thành mái nhà chung của hàng chục đứa trẻ khuyết tật như thế.

VgPh2Kyz.jpgPhóng to

Chị Vân (giữa) cùng những đứa con nuôi khuyết tật của mình - Ảnh: Quốc Nam

Chị không giàu có gì, ngôi nhà chị đang sống cũng không phải rộng rãi. Chỉ khác là tấm lòng của chị luôn rộng mở, đặc biệt là với những đứa trẻ khuyết tật trên khắp mảnh đất nghèo này. Chị là Nguyễn Thị Hồng Vân (50 tuổi), hiện đang là nhân viên Sở Văn hóa - thể thao và du lịch tỉnh Quảng Trị.

Gia đình đặc biệt

Gia đình chị Vân vốn bình yên và nhỏ gọn với chồng và hai con trai, nhưng bắt đầu lớn dần lên từ năm 1997 với sự xuất hiện của những đứa trẻ khuyết tật. Bắt đầu từ giải đấu thể thao dành cho người khuyết tật toàn quốc năm đó, chị được giao nhiệm vụ đi khắp nơi tìm nguồn vận động viên khuyết tật cho tỉnh nhà. Chọn được hơn chục em, chị đưa về sở để đào tạo và tập luyện. Nhưng hầu hết các em đều ở xa, lại khuyết tật nên chẳng ai mặn mà với chuyện tập luyện thể thao mà chỉ thấy nhớ nhà. Trong khi đó điều kiện tập luyện từ phía tỉnh thời điểm đó cũng còn quá nhiều hạn chế. Chị đánh liều bàn với chồng đưa hơn chục em ở xa về nhà nuôi chỉ để cho có hơi ấm gia đình và yên tâm tập luyện.

Suốt mùa tập luyện gần ba tháng ròng chuẩn bị trước giải năm đó, chị cùng chồng dồn hết công sức, tiền bạc, nhường từng chén cơm, chỗ ngủ chăm sóc ân cần nhất cho các em. “Khi đến thuyết phục gia đình cho các em đi tập thể thao, ai cũng rụt rè không muốn. Mình đã đem các em đi rồi thì mình phải có trách nhiệm mang lại cho các em điều kiện tốt nhất có thể”. Mùa thi đấu kết thúc, các em cũng chia tay gia đình chị về nhà, khi nào có lệnh gọi sẽ trở lại tập luyện. Chị tự nhủ: “Nếu cứ tập luyện theo kiểu thời vụ như thế này thì tài năng của các em sẽ mai một bởi không được rèn luyện thường xuyên”. Những mùa giải sau, những tấm huy chương cũng theo đó hao mòn dần. Chị nhìn mà thấy xót xa cho nỗ lực của các em.

“Thể thao không thể theo suốt đời, phải tính thêm lối khác để các em có thể tự lập sau đó”, chị Vân nói. Vậy nên những đứa con của chị dù không được lành lặn như người khác nhưng chị luôn hướng cho họ một nghề nghiệp để tự kiếm sống. Chị sẵn sàng bỏ tiền túi ra cho con đi học nghề. Em Dung được chị cho đi học kế toán, hiện giờ là chủ một tiệm Internet; em Nguyễn Văn Diệu, ở Gio Linh, được chị hướng theo nghề mộc, hiện là chủ một xưởng mộc lớn ở Gio Linh; em Trần Văn Thông, ở thị xã Quảng Trị, một đứa con khác của chị, hiện là cán bộ phường 2 (thị xã Quảng Trị); còn em Loan chị đang cho đi học nghề may...

Đến năm 2003, sau nhiều đêm suy nghĩ, chị thuyết phục chồng cho mình đưa luôn mấy đứa nhỏ khuyết tật về nuôi và nhận làm con chứ không phải nuôi theo thời vụ như trước nữa. Cái gật đầu của chồng khi đó làm chị vui suốt mấy ngày. Chị nói với các em rằng “mẹ ăn gì các con ăn nấy vì mẹ cũng còn nghèo”. Thành viên đầu tiên của gia đình chị là em Lê Thị Dung, sinh năm 1985, ở phường Đông Thanh (Đông Hà). Dung là con nhà nghèo, mồ côi mẹ. Em lại bị khuyết tật bẩm sinh nên những ngày đầu cô gái 18 tuổi này không khỏi ngỡ ngàng khi bước vào gia đình chị. Rồi những năm sau đó, chị nhận thêm những đứa trẻ khuyết tật khác về nuôi. Chị tự bỏ tiền túi lo cho các em từng bữa cơm manh áo và lo luôn cả chuyện học nghề. Chỉ đến khi các em trưởng thành có nghề nghiệp vững chãi chị mới để các em tự lập. Ngôi nhà nhỏ của chị năm nào cũng được biên chế thêm mấy thành viên. Cứ mỗi lần chia tay một em để bước vào đời tự lập, chị lại khóc. Nhưng sau mỗi cuộc chia ly, chị lại tiếp tục rong ruổi đi tìm những đứa trẻ khuyết tật khác đem về nuôi và gieo trong lòng các em những ước mơ lành lặn.

Nuôi dưỡng niềm tin

“Để những đứa trẻ khuyết tật bước qua mặc cảm, phải làm cho các em tin vào cuộc sống” - chị thường tâm sự như vậy. Vì thế, mỗi khi đón các em về nuôi, chị luôn dành cho các em tình thương yêu chăm sóc như con ruột. Hằng đêm, chị dành thời gian tâm sự để các em cảm nhận được sự sẻ chia dưới mái ấm gia đình. Mỗi khi đi thi đấu, chị luôn bên cạnh các em để đem lại nguồn động viên tinh thần.

Chỉ là một gia đình công chức bình thường nên mỗi khi đón thêm một người con về nuôi, chị lại phải thắt lưng buộc bụng thêm một chút. Bữa cơm đầm ấm của gia đình chị vào cuối tháng lương có khi cũng chỉ đạm bạc rau dưa. Nhưng mấy đứa con ai cũng hiểu tình cảm của mẹ Vân nên đều cảm thấy vui. Gia đình “chắp vá” này vì vậy luôn đầy ắp tiếng cười. Mỗi lần các con ốm đau hay bệnh tật là chị lại lo sốt vó. Mới rồi, em Hồ Thị Loan (ở Đakrông), một trẻ khuyết tật chị nuôi bảy năm nay, phải phẫu thuật chân ở Bệnh viện Trung ương Huế. Suốt bảy tháng ròng chị tất tả ngược xuôi đi về giữa Huế và Đông Hà để chăm em. “Nhiều người thấy tui vô chăm bé Loan ở bệnh viện đều nghĩ Loan là con ruột của tôi. Khi biết sự thật ai nấy đều ngạc nhiên” - chị kể.

Chị luôn động viên các con phải nỗ lực hết mình trong tập luyện bởi đó là cách để các con vượt qua chính mình. Không phụ niềm tin của mẹ Vân, các em mang về gia đình hàng chục chiếc huy chương vàng tại các đại hội thể thao người khuyết tật toàn quốc và khu vực trong nhiều năm qua. Để vực dậy niềm tin cho các con, chị luôn kể cho chúng nghe về nỗ lực chiến thắng số phận của đứa con đầu tiên Lê Thị Dung. Dung bị bại liệt nên đến với bơi lội một cách khó khăn. Nhưng được mẹ Vân dìu dắt cả ở sân tập và ở nhà, em đã làm nên kỳ tích khi liên tục đạt thành tích cao trong các cuộc thi. Tại đại hội thể thao người khuyết tật Đông Nam Á 2011 ở Indonesia, mẹ Vân rớt nước mắt khi thấy Dung bước lên bục cao nhất với hai huy chương vàng, phá luôn kỷ lục bơi lội của người khuyết tật ở Paragame cự ly 400m. Ngày Dung cưới chồng, chị Vân là người đứng ở vị trí phụ huynh cô dâu trên bục.

Dung chia sẻ với chúng tôi: “Mẹ Vân không sinh thành nhưng là người cho tôi niềm tin để tôi có cuộc sống như hôm nay. Vì vậy chúng tôi luôn coi bà là mẹ”.

QUỐC NAM
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên