Cần chính sách sử dụng hiệu quả vốn đầu tư của kiều bào
Vấn đề là tổ chức hay làm cách nào để biến chính sách thành những chương trình hay hành động cụ thể. Nếu không có tổ chức thì sự trở về của kiều bào chỉ là sự nỗ lực của từng cá nhân, vai trò của Nhà nước rất mờ nhạt. Người Việt mình có nói một câu rất hay: “Ăn có mời, làm có khiến”. Không ai khiến, không ai mời thì mình về, mình sẽ làm cái gì?
Ta vẫn luôn nói đội ngũ Việt kiều rất lớn, là trí tuệ, là tiềm năng nhưng chưa sử dụng hết. Nhưng thực tế bây giờ là mình chưa sử dụng được, chưa biết sử dụng thì khoan nói tới chuyện sử dụng hết. Thực tế ta chỉ mới bắt đầu sử dụng thôi. Đã có một số trí thức kiều bào về nước. Nhưng những gì đang diễn ra giống như mình đang nuôi con chim trong lồng. Con chim trong lồng mình chưa cho nó ăn, chưa thể khiến nó hót mà mình đã lo đi bắt thêm con chim trên trời, con chim ngoài bụi. Với số trí thức đã về, hãy làm sao cho họ cảm thấy là họ hữu dụng, đóng góp hiệu quả. Hãy làm sao cho họ “hót hay” đi. Chính họ sẽ rỉ tai nhau, thuyết phục nhau cùng đóng góp cho đất nước, hiệu quả hơn mấy lần Nhà nước tuyên truyền ấy chứ.
Muốn thu hút nguồn lực của kiều bào, trước hết phải thay đổi tư duy cho thông thoáng hơn. Trí thức Việt kiều không nhất thiết phải về nước thì mới là người yêu quê hương và có công đóng góp cho đất nước. Cứ nhìn số liệu thống kê của cơ quan nhà nước: Việt Nam hiện có hơn 4,5 triệu kiều bào, trong đó có gần 400.000 trí thức. Thế nhưng hằng năm chỉ có một số ít về Việt Nam làm việc. Chẳng lẽ những người không về là không có đóng góp? Người ở nước ngoài, đóng góp của họ sẽ khác với người về nước. Thậm chí khi họ thành công ở nước ngoài cũng là một cách quảng bá rất tốt hình ảnh của Việt Nam ra thế giới. Như giáo sư Ngô Bảo Châu, với thành tích mà ông đạt được khiến cả thế giới biết Việt Nam cũng có người tài.
Ông bà mình nói: Vô tri bất mộ - không biết không yêu được. Cứ rủ, cứ mời người ta về đi. Ai chưa về thì mời về, khoan hãy bảo người ta làm cái gì cả, cứ mời họ về để thấy đất nước thay đổi thế nào, cơ chế ra sao, hội nhập tới đâu. Tự họ sẽ suy nghĩ. Khi họ cảm thấy muốn đóng góp rồi thì ta phải có những tổ chức, cơ quan đứng ra chỉ người ta: nên làm gì, làm ở đâu. Đừng để họ bơ vơ và thiếu thông tin.
Nhà nước không cần nói nhiều thêm về chính sách ưu đãi cho Việt kiều nữa, điều cần là đưa ra những chương trình hành động cụ thể. Trí thức Việt kiều không mong chờ và đòi hỏi các chính sách ưu đãi hơn những người khác. Cái họ có là trí tuệ, kinh nghiệm, sự hiểu biết và mong muốn chia sẻ. Trí thức chỉ có hai thứ mà họ rất quý và sợ mất: đó là trí tuệ và thời gian. Mình không quý thời gian, không quý trí tuệ của họ thì không thể nào mong họ đóng góp được.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận