08/02/2015 09:06 GMT+7

​Gà chọi ngon nhất là hầm sả

BS NGUYỄN THANH HẢI
BS NGUYỄN THANH HẢI

TT - Trong những ngày gần tết trời trở lạnh, ngồi bên bếp lẩu gà chọi thơm lừng hương sả, nhấm ít rượu nồng cay sẽ làm cho lòng chúng ta ấm lại.

Lẩu gà chọi hầm sả - Ảnh: Nam Trần
Lẩu gà chọi hầm sả - Ảnh: Nam Trần

Từng đợt gió heo may thổi về lành lạnh, báo hiệu một mùa xuân mới sắp về. Không khí ấy làm ta nao nao nhớ về những kỷ niệm xưa, vui xuân với: “Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ/Cây nêu, tràng pháo, bánh chưng xanh”. Và cả thú vui chọi gà!

Chọi gà hay đá gà là thú vui tiêu khiển có từ lâu đời và đã trở thành nét đẹp văn hóa của dân tộc Việt. Từ các làng quê hẻo lánh cho đến phố thị, trong những ngày lễ hội, tết... thì không thiếu trò tiêu khiển là chọi gà. Ngày nay do sự lan tràn của tệ nạn cờ bạc, những cuộc chọi gà đã biến tướng thành trò đỏ đen nên bị ngăn cấm.

Gà đòn, gà đá và gà nòi là ba tên gọi khác nhau tùy theo vùng miền. Gà chọi là tên gọi chung cho loại gà nuôi dùng cho mục đích giải trí, có hai loại chính là gà đòn và gà cựa.

Trước kia, ở miền Tây Nam bộ có nhiều tỉnh thành có gà chọi nổi tiếng, nhất là gà Cao Lãnh. Ngày nay chỉ còn ba địa danh có gà chọi đáng gờm là Chợ Lách, Cao Lãnh và Thất Sơn.

Dù là hùng kê, thần kê hay là gì đi nữa... thì cuối cũng trở thành những con gà tử trên các sới gà và là món ngon trên bàn tiệc. Do được nuôi nhốt, cho ăn lúa cội, trùn hổ, dế cơm và thường xuyên thoa bóp nghệ, tuyệt đối không đổ mái, nên thịt gà đá rất săn chắc và sung mãn. Vì thế gà chọi khi đem chế biến thành món gì cũng ngon.

Nếu đem gà chọi đi nấu cháo, xé phay trộn gỏi, rôti, nấu cà ri hay kho gừng... như gà thả vườn thì sẽ rất phí. Ngon nhất là làm món gà chọi hầm sả!

Những con gà chọi sau khi bị loại khỏi các sới gà được nhổ lông làm sạch. Khéo tay chặt gà ra từng miếng cỡ ba ngón tay sao cho đủ ba thành phần là da, thịt và xương, sau đó để trong rổ thưa cho ráo nước.

Cho chừng một muỗng canh mỡ heo vào chảo, khử sả và tỏi cho thơm. Đổ thịt gà vào, xào chừng 10 phút vừa ráo chảo. Cho nước dừa tươi vào sao cho ngập thịt độ 15cm, kế đến đun lửa thật lớn để sôi già nước, sau đó chuyển sang đun lửa nhỏ để hầm.

Lúc gần chín cho thêm một ít đậu phộng sống, củ cải trắng xắt khoanh, kèm theo vài gốc sả đập giập và vài muỗng canh sả bằm nhuyễn. Sau cùng nêm nếm muối, nước mắm, bột ngọt, đường và một ít tiêu.

Hương thơm ngào ngạt của sả từ nồi lẩu bốc lên làm cho bạn ngất ngây và đói bụng cồn cào.

Có thể ăn lẩu gà đá hầm sả với bún, mì tươi, cùng các loại rau vườn như mồng tơi, cù nèo, cải xanh, tần ô... Thịt gà đá hầm sả sẽ rất tuyệt vời khi được chấm muối ớt hoặc nước mắm y với sả bằm.

Hợp với mọi người

Theo Đông y, thịt gà có tính ôn ngọt, không độc, bổ dưỡng, làm mạnh phổi. Có tác dụng chữa băng huyết, lỵ, ung nhọt, là loại thực phẩm bổ âm cho tỳ vị, bổ khí huyết và thận. Đặc biệt, thịt gà có tác dụng bồi bổ cao cho người bị bệnh lâu ngày, dạ dày bị phong hàn, suy yếu không hấp thu được thức ăn.

Ngoài bổ khí huyết, thịt gà còn giúp trừ phong.

Theo y học hiện đại, gà thuộc nhóm thịt trắng rất giàu chất đạm và ít béo, cơ thể dễ hấp thu và tiêu hóa. Chứa nhiều vitamin A, B1, B2, C, E, canxi, photpho và sắt.

Ngoài ra, thịt gà còn chứa nhiều các acid amin thiếu yếu mà cơ thể không tổng hợp được như tryptophan, leucin, lysin, methionin... có tác động tích cực đến não bộ, làm phấn chấn tinh thần, giảm sự lo lắng, stress cũng như cải thiện huyết áp và nhịp tim.

Thịt gà còn có tác dụng tẩm bổ, công hiệu chữa bệnh đối với người già bị suy nhược cơ thể, người có chức năng tiêu hóa kém, gầy, mệt mỏi, tiểu nhiều, phụ nữ ít sữa sau sinh...

Sả là loại gia vị vừa tạo mùi thơm vừa có tính năng chữa bệnh. Rất nhiều món ăn Nam bộ dùng sả làm gia vị chủ đạo bên cạnh một số gia vị khác như tỏi, gừng, nghệ, ớt... Hương vị sả được người Nam bộ yêu thích và quen thuộc trong từng bữa ăn hằng ngày, được sử dụng trong tất cả các kiểu chế biến từ kho, hấp, xào, đến chiên, nướng và hầm.

Ngoài làm gia vị, sả còn có tính năng chữa bệnh như kích thích tiêu hóa, chống nôn, sát trùng, khử hôi miệng, tiêu đờm, giảm đau, thông kinh lạc, chữa cảm cúm, trúng hàn, chữa động kinh cho trẻ em. Lá sả xua đuổi được ruồi, muỗi, khử hết mùi xú uế.

Tuy cách nấu đơn giản nhưng món gà hầm sả có mùi thơm rất quyến rũ, nước xúp nóng ngọt lịm, thịt gà nòi ít mỡ săn chắc, cộng thêm hương vị của các loại rau cải tạo sự khoái cảm đặc biệt. Món ăn này bổ dưỡng, ngon, phù hợp với mọi người và nhiều loại bệnh khác nhau.

BS NGUYỄN THANH HẢI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên