Ba trong các album khó bỏ qua của các nữ ca sĩ trong năm
Thế nhưng điều đó không hề đúng với ngành âm nhạc.
Trên thế giới, cách ly và phong tỏa tạo nên một hoàn cảnh tuyệt vời để những "bom tấn" âm nhạc ra đời.Nó là cái cớ hoàn hảo để chiêm nghiệm.
Folk, disco và thể nghiệm
Chưa đầy nửa năm, Taylor Swift phát hành hai album nhạc folk là Folklore và Evermore mà những tứ thơ đẹp, man mác và bâng quơ của chúng rõ ràng chỉ có thể ngưng tụ trong một quãng thời gian dài tĩnh lặng.
Quả vậy, chỉ sự tách mình và cô lập tuyệt đối của thời cách ly mới cho phép Swift "bước lại những dấu chân trên từng viên đá, cố tìm ra từ bước nào mình đã bước sai" hay "viết những lá thư gửi vào đám lửa" và "bẻ tâm hồn làm đôi đi tìm anh".
Rough and Rowdy days của Bob Dylan dù không được sáng tác trong những ngày cách ly nhưng đã được chọn đúng thời điểm phát hành, khi khán giả có rất nhiều thời gian nằm nhà để lắng nghe một kho truyện dài bất tận cùng lời càm ràm về đủ thứ trên đời của một ông già xuất khẩu thành thơ.
Ở chiều hướng khác, dịch bệnh là lúc để người ta hát thật to và nhảy múa thật sung. Trong khi những bộ phim đáng mong chờ của điện ảnh đều bị đắp chiếu thì thị trường âm nhạc cứ vài tuần lại có một ngôi sao phát hành sản phẩm: Lady Gaga có Chromatic, Dua Lipa có Future Nostalgia, The Weeknd có After Hours, Blackpink có The Album, BTS có Map of The Soul: 7 và Be...
Và nếu như Swift coi khoảng thời gian qua như phút nhìn lại mình thì Gaga, Dua Lipa và Kylie Minogue thổi bùng lên âm nhạc của những sàn nhảy disco như một lời tuyên chiến với bầu không khí tan tác trên thế giới.
Dịch bệnh cũng là dịp người ta làm nhạc bằng tất cả những gì mình có trong tay. Charlie XCX đưa vào How I’m feeling now cả tiếng ồn của trò chơi điện tử.
Fiona Apple thì lấy tường làm trống, lấy nồi niêu xoong chảo và thậm chí là xương chó làm nhạc cụ trong album hay tuyệt vời Fetch the Bolt Cutters.
Ngay cả Paul McCartney cũng không thể ngồi yên. Nếu chẳng phải vì cách ly, có lẽ ông đã không thực hiện McCartney III, tiếp nối mạch thể nghiệm đến cùng của McCartney II - một album từng bị vùi dập không thương tiếc khi ra mắt năm 1979 vì chất lofi và pop "phòng ngủ" của nó quá mới lạ so với bối cảnh đương thời.
Rap, album và rất nhiều album
Nếu phải gói gọn một từ của nhạc Việt trong năm qua thì có lẽ nhiều người sẽ ngay lập tức chọn từ "rap". Điều ấy tưởng như rất hiển nhiên. Sau hai cuộc thi Rap Việt và King of Rap, rap đã phổ cập đến nỗi những bài hát tuyên truyền sống xanh trên tivi cũng phải là rap.
Nhưng liệu thế hệ rapper mới được mài giũa có khả năng đi đường dài hay chỉ là "cơn gió lạ" vụt đến vụt đi, như quá nửa những ngôi sao bước ra từ các chương trình thực tế? Câu hỏi ấy vẫn còn bỏ ngỏ.
Vì thế, có lẽ nếu cần một từ để mô tả nhạc Việt của 2020, từ "album" có lẽ là một lựa chọn hay hơn.
Hà Lê dũng cảm trong Ở trọ, Tùng Dương phiêu lưu với rock trong Human, Lê Cát Trọng Lý viết tiếp những chương mới của giấc mơ âm nhạc bồng bềnh trong Đừng mua nhà nhiều hơn mình cần, Nguyên Hà vẫn thơ thẩn cõi nhạc yên tĩnh của riêng cô trong Hôm qua, hôm nay và sau này...
Nhưng không chỉ những người xưa nay vẫn làm album đi làm album, mà cả những ngôi sao trẻ vốn vẫn thành công với chuỗi các bản hit riêng lẻ như Bích Phương, Amee cũng phát hành album hoặc EP. Nhất là DreAmee của Amee với chủ đề rõ ràng thực sự đặt ra một chuẩn mực cho những nghệ sĩ thế hệ Z sau cô.
Và nếu như ai đã có dịp nghe ít nhất là tất cả những sản phẩm kể trên có lẽ cũng phải chậc lưỡi: 2020 không đến nỗi tồi tệ lắm đâu!
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận