15/03/2012 08:20 GMT+7

Ấm áp Tình ca cao

HOÀNG LÊ
HOÀNG LÊ

AT - Những bi kịch số phận của từng kiếp người, những hoài bão của giới trẻ... Tất cả gắn liền với hình ảnh ca cao - một loại cây du nhập VN với nhiều giai đoạn thăng trầm...

k92jAq4G.jpgPhóng to
Cảnh trong phim Tình ca cao

Đó là câu chuyện của bà Năm Ngũ Quả, hay còn gọi là bà Năm Trầu, có lời thề coi ca cao như kẻ thù không đội trời chung. Nguyên nhân vì từ cuối thập niên 50 của thế kỷ trước, cây ca cao theo bước chân nhiều đoàn chuyên gia nước ngoài đã đến VN và được trồng đại trà ở một số vùng đất tỉnh Bến Tre. Nhiều bà con - trong đó có bà Năm - đã tình nguyện chặt đi những vườn dừa để trồng ca cao. Ðến khi trái oằn sai trĩu cành thì phong trào Ðồng Khởi nổi lên. Không có một nơi nào đến để thu mua ca cao theo lời hứa hẹn. Vì thế người dân lại phải đốn bỏ...

Thế nhưng như duyên kiếp, ba mươi năm sau, hai người con (Ba Thắng, Tư Ngang) rồi đến cháu nội của bà là Quế Chi lại gắn bó với cây ca cao. Ba Thắng làm trưởng phòng hành chánh tổ chức, Tư Ngang làm phó giám đốc kỹ thuật và cô cháu gái Quế Chi làm giám đốc cho công ty nhà chuyên sản xuất thực phẩm bánh kẹo mà nguyên liệu chính là ca cao được trồng trong nước, do có dự án quốc gia tài trợ.

Khi nhân vật Minh Long - một người bạn của Quế Chi cũng tâm huyết với cây ca cao - xuất hiện, cuộc đời của bà Năm ngũ quả và bà nội của Minh Long (cô Tám Nhan sắc) lần lượt được mở ra. Quá khứ hiện tại đan xen. Những khổ đau, hờn giận hai mươi năm của hai người đàn bà gắn liền với hình ảnh người đàn ông đa tình. Trên chuyến du hành sông nước cùng nhóm bạn đờn ca tài tử dọc theo sông Tiền, sông Hậu, dù đã có vợ là bà Năm nhưng ông Năm đã kết tình với cô Tám Nhan sắc và cho ra đời hai người con ông đặt theo tên hai làn điệu bài bản cải lương: Cao Phi và Phụng Hoàng.

Thế nhưng không may là ông đã phải chết trẻ nơi đất khách quê người, để lại cho cô vợ nhỏ ít tài sản để nuôi con bằng nghề mở quán ăn với món đặc sản là cháo cá lóc giò heo. Kỷ niệm về ông là một cây ca cao duy nhất được ông đem từ Bến Tre qua trồng vô vườn nhà nằm phía sau quán...

Ðạo diễn Hồ Ngọc Xum cho biết dù đã quen thuộc với thể loại phim có dính dáng đến hình ảnh thời xa xưa, nhưng Tình ca cao là một trong những bộ phim ông cùng đoàn phim phải làm việc vất vả nhất. "Ðoàn phim phải quay trong suốt năm tháng trời cho 29 tập phim. Chúng tôi phải rong ruổi từ Bến Tre, Tiền Giang, Ðức Hòa (Long An) rồi đến tận Bình Phước, Bà Rịa Vũng Tàu, Phan Thiết để có thể quay cảnh có cây ca cao. Mặt khác bộ phim có dính dáng đến ca cổ, sông nước nên khi quay phim cũng cực hơn các phim thể loại tâm lý xã hội đương đại khác".

Cũng vì dính dáng đến đờn ca tài tử nên Tình ca cao quy tụ kha khá nghệ sĩ cải lương. Ðó là nam nghệ sĩ cải lương từng đoạt huy chương vàng giải Trần Hữu Trang năm 2001 Lê Tứ. Anh có vai diễn truyền hình hợp với sở trường của mình: ông Năm ghi ta mê đờn ca tài tử. Nghệ sĩ ưu tú từng vang bóng một thời Tô Kim Hồng vào vai bà Tám Nhan sắc khi tuổi xế chiều có cuộc sống thăng trầm. Ca sĩ Trung Hậu vào vai cô Tám Nhan sắc thời trẻ. Ngoài ra phim còn có sự tham gia của nghệ sĩ Diễm Kiều, Mỹ Uyên, Nguyễn Sơn, Duyên Anh, Hoàng Phương, Thanh Hoàng, Cát Tường, Bảo Trí...

Dài 29 tập, do TFS sản xuất (kịch bản Hà Minh Mẫn), Tình ca cao sẽ phát sóng trên kênh HTV7 lúc 20g45 từ thứ năm đến chủ nhật hằng tuần, bắt đầu từ ngày 19-2-2012.

Buy2X1uC.jpgPhóng to

Áo Trắng số 3 ra ngày 15/02/2012 hiện đã có mặt tại các sạp báo.

Mời bạn đọc đón mua để thưởng thức được toàn bộ nội dung của ấn phẩm này.

HOÀNG LÊ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên