09/04/2018 10:34 GMT+7

Ám ảnh không gian ảo của mạng xã hội

NHẬT ĐĂNG
NHẬT ĐĂNG

TTO - Quy luật sinh - trụ - dị - diệt liệu có là cơ sở để tin rằng Facebook và mạng xã hội rồi cũng sẽ thành dĩ vãng? Nhưng nếu có thì chưa phải lúc này.

Ám ảnh không gian ảo của mạng xã hội - Ảnh 1.

CEO Mark Zuckerberg của Facebook - Ảnh: Reuters

Ngày 3-4-2018, khi đồng hồ chỉ 12h46 tại San Bruno, bang California (Mỹ), một phụ nữ 39 tuổi bước vào trụ sở Công ty YouTube ngay Thung lũng Silicon. Một vụ nổ súng xảy ra. Nasim Najafi Aghdam bắn bị thương ba người, sau đó tự sát. Động cơ xả súng của Aghdam vẫn là một bí ẩn, tạo điều kiện để thuyết âm mưu và tin giả quanh vụ này lan rộng.

Chia rẽ, thù hận

Vụ nổ súng trên không dẫn tới những tranh cãi ầm ĩ về súng đạn như dự kiến, mà xoay quanh chính YouTube. Đơn giản vì lúc này, giữa những lo âu về vụ bê bối thu thập thông tin người dùng của Facebook, người ta đang nghĩ nhiều về vai trò của các mạng xã hội hơn. 

Từ chỗ được xem là công cụ kết nối hiệu quả nhất, mặt trái của mạng xã hội dần hiện rõ.

Một vụ xả súng liên quan tới mạng xã hội khiến nhiều người gợi nhớ đến Edgar Maddison Welch, người đàn ông ở bang Bắc Carolina, từng xách súng tới nhà hàng pizza Comet Ping Pong ở Washington để "điều tra" nghi án ứng viên tranh cử tổng thống Mỹ Hillary Clinton điều hành đường dây mua dâm trẻ em năm 2016. 

Thực tế đó là một thông tin giả mạo và Twitter là nơi bùng phát nó. Việc một người có thể cầm súng bắn người khác chỉ vì Twitter cho thấy hóa ra khái niệm "kết nối" nhờ mạng xã hội đã sai rất đậm.

Hôm 7-4, trước sự kiện giới thiệu chiến lược chống bạo lực nghiêm trọng của Chính phủ Anh, nghị sĩ Sarah Jones kêu gọi cơ quan chức năng hỗ trợ, cho phép tòa án được quyền cấm sử dụng mạng xã hội đối với những cá nhân có "tiền sử" bạo lực. 

Các quan chức Anh lo ngại về việc nội dung trên YouTube và một số trang khác đang cổ vũ cho tội phạm bằng dao và súng ở nước này, với riêng London đã có 50 vụ giết người kể từ đầu năm nay.

Kể cả khi không là những trường hợp đổ máu, nhiều nghiên cứu đến nay chứng minh rằng khi chơi Facebook hoặc mạng xã hội, người ta dễ đố kỵ nhau, ghen ghét nhau và tựu trung là ức chế và tiêu cực, trầm cảm hơn là hạnh phúc.

Ma trận không lối thoát

Sự nguy hiểm của Facebook và mạng xã hội nhìn chung đã được nói tới rất nhiều. Thậm chí như Sean Parker, vị chủ tịch đầu tiên của Facebook, còn khẳng định nền tảng này đã tác động tiêu cực lên tâm trí người dùng. 

Bất kể một trào lưu, một phương thức, một thực thể hay hiện tượng xã hội nào cũng tồn tại theo quy luật sinh - trụ - dị - diệt. Và kể từ nhiều năm nay, người ta đã nói về một cái kết của Facebook sau khi vươn tới đỉnh cao: hơn 2 tỉ người dùng.

Tuy vậy, nhiều bàn tán về cái kết của Facebook qua nhiều năm liền cũng ngược lại cho thấy thực tế rằng nó rất khó "chết". Facebook đã thay đổi không ngừng theo năm tháng, và quyền lực trong tay họ lớn đến nỗi có thể thoát khỏi vỏ bọc của một không gian ảo để tiến ra đời thực. 

Trong một chiến dịch năm 2017, CEO Mark Zuckerberg của Facebook cho rằng mạng xã hội này sẽ giúp đỡ con người "tiến thêm một bước" bằng cách trở thành "hạ tầng xã hội" cho một cộng đồng toàn cầu đúng nghĩa. 

Và quả thực Facebook ít ra đã làm được một nửa công việc. Giờ đây, bất kể dư luận nổi giận vì vụ Facebook thu thập thông tin người dùng, việc tẩy chay mạng xã hội này có vẻ là điều bất khả hoặc đã quá muộn.

Trong phân tích hồi tháng trước, trang Vox (Mỹ) nêu ra những lý do Facebook đang khiến người dùng không thể thoát khỏi "ma trận" mà công ty này mang lại. Đầu tiên, Facebook thực sự có những mặt tốt để kết nối cộng đồng. 

Tiếp đến, nó đã gắn liền với công việc chuyên nghiệp và bỏ nó đi cũng như bỏ hết các mối quan hệ công việc, khách hàng hoặc ít nhất là nền tảng để làm việc. 

Và hơn nữa, Facebook đã liên kết với quá nhiều ứng dụng khác xung quanh người dùng, xóa tài khoản Facebook xem như việc phải "bắt đầu một cuộc sống mới".

Nói vậy để thấy rằng Facebook có thể là đối tượng chỉ trích lúc này, nhưng vấn đề thực sự cũng nằm ở khái niệm "mạng xã hội" - nơi con người dù muốn dù không cũng khó tách ly. 

Đã có nhiều người cảm thấy chán ngán với nội dung trên Facebook. Họ không thích bình luận xã hội, không thích cãi nhau, không thích nhìn thấy những nội dung cực đoan hoặc bạo lực. Họ ít hoạt động Facebook lại, chuyển sang Instagram, một nền tảng đã bị Facebook mua lại. 

Nếu không là Facebook thì cũng là một mạng xã hội khác, vì con người luôn có nhu cầu được chia sẻ...

Một nghiên cứu ở Anh năm 2014 trên 1.500 người dùng Facebook và Twitter cho thấy 62% cảm thấy không thỏa mãn, và 60% ghen tị sau khi so sánh bản thân họ với những người dùng khác.

NHẬT ĐĂNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên