14/01/2011 07:16 GMT+7

Ai yêu bằng tai?

NGUYỄN ĐÔNG THỨC
NGUYỄN ĐÔNG THỨC

TT - Đó chính là những cô gái? Vì có câu ngạn ngữ: “Đường ngắn nhất đến trái tim các cô gái là qua lỗ tai”, ý nói các cô gái thường yêu vì những lời tán tỉnh có cánh, ngọt lịm?

32MeA5z6.jpgPhóng to
Sách do Tủ sách Tuổi Trẻ và NXB Trẻ ấn hành - Ảnh: T.T.D.

Nghĩ như thế sẽ bị bất ngờ hoàn toàn khi đọc Yêu bằng tai của Nguyên Hương - tác giả từng đoạt giải nhất cuộc thi “Văn học tuổi 20” lần đầu tiên (năm 1995), với tập truyện ngắn Quà muộn, lúc đang là một cô thợ may trẻ ở Đắk Lắk.

Có nhiều người ghé qua các cuộc thi văn chương chỉ như dạo chơi, đến rồi đi, mất tăm. Nguyên Hương không phải vậy. 15 năm, trong đó có vài năm sống ở Tây Bắc rồi lại quay về Đắk Lắk, cô vẫn đều đặn và bền bỉ cho ra đời bốn truyện dài, ba truyện vừa, 10 tập truyện ngắn và một kịch bản phim truyền hình 60 tập (Cỏ đuôi gà).

Gần đây nhất, tháng 11-2010, Nguyên Hương lại đoạt giải nhất cuộc thi viết cho thiếu nhi do Hội Nhà văn Đan Mạch - Hội Nhà văn Hà Nội - NXB Kim Đồng tổ chức, với truyện Chuyện kể của bốn mùa. Hương nay đã bỏ nghề may, sống hoàn toàn bằng ngòi bút của mình.

Yêu bằng tai - truyện ngắn thứ 10 được chọn làm nhan đề cho tập 14 truyện ngắn mới nhất của Nguyên Hương - là một chuyện tình đầy cảm động giữa chủ tịch và phó chủ tịch hội... người mù. Mù nên họ phải yêu bằng tai, đó là điều dĩ nhiên. Từng tiếng động của người này gây ra đều có ý nghĩa với người kia. Cho đến lúc gần đám cưới, bỗng một người phát hiện mình bị ung thư...

Toàn tập truyện, như chính tác giả đã viết trong lời tựa, được dành hết cho đề tài người khuyết tật. Chương trình văn nghệ tươi tắn ở một cơ sở nuôi dạy trẻ em khuyết tật do chính các em biểu diễn đã làm thay đổi hẳn cách nhìn của tác giả. Nguyên Hương đã trở lại nơi này nhiều lần để nhập vai xuất sắc một cô giáo dạy vi tính (truyện Cá vàng ơi!), thầy dạy thể dục (Tiếng chuông), thầy dạy định hướng (Ngày ngắn)...

Cuộc sống của các thanh thiếu niên khiếm thính, khiếm thị, với từng đặc điểm thể chất riêng, vào truyện của Nguyên Hương thật ngọt, cho thấy tác giả đã bỏ không ít công sức quan sát, ghi nhận. Qua đó có cả những mặc cảm, chuyện bị phân biệt đối xử, vị đắng của chuyện làm từ thiện dỏm, tấm lòng nhân hậu của thầy cô, chuyện tình yêu giữa các bạn trẻ này - vẫn phải có, dĩ nhiên!

Khép tập truyện lại, bạn sẽ không chỉ thấy mình hạnh phúc khi được là một con người nguyên vẹn, mà còn cảm thông hơn với những người khuyết tật. Không ít truyện trong Yêu bằng tai chắc chắn sẽ khiến bạn bồi hồi xúc động về những gánh nặng người khuyết tật đang cam chịu, về ý chí vượt qua nghịch cảnh, về tấm lòng những người nhân hậu dành cho nhau... So với Quà muộn, theo tôi, Nguyên Hương đã viết hay hơn nhiều lắm.

Nhà văn Nguyên Hương: “Tôi khâm phục các em...”

hbVYkI7B.jpgPhóng to

Nhà văn Nguyên Hương - Ảnh: tác giả cung cấp

* Yêu bằng tai đã được Hương viết trong bao lâu?

- Khoảng bảy năm. Bắt đầu từ đợt hoạt động thiện nguyện mùa Noel 2003, tôi tham gia một nhóm bạn trẻ đi làm... ông già Noel, lấy tiền mua quà đến tặng Vi Nhân - một cơ sở Công giáo nuôi dạy trẻ em khuyết tật ở Đắk Lắk. Thực tế ở đó quá sinh động và xúc động, đáng khâm phục, khiến tôi phải quay lại nhiều lần để chơi với các em, trung bình mỗi tuần 1-2 giờ. Các truyện ngắn đã được tôi viết rải rác trong thời gian này.

* Đáng khâm phục?

- Vâng, nhất là các em khiếm thị. Khả năng chơi nhạc và hát của các em phải nói là tuyệt vời, có tài năng thật sự. Các em sử dụng máy tính rào rào, không thua gì người sáng mắt. Cầm một cây chổi của các em làm, tôi nghĩ người sáng mắt cũng chưa chắc làm hơn. Càng tiếp xúc với các em, tôi càng thấy những mối lo nghĩ hằng ngày của mình chẳng là cái gì cả.

* Viết truyện về đề tài người khuyết tật có gì khác viết những truyện khác?

- Có một áp lực, riêng theo ý tôi nghĩ. Có nhiều truyện ngắn viết về các hoàn cảnh thương tâm hay bi thảm hóa, cường điệu hóa các nỗi đau, làm người ta mủi lòng, thương hại. Tiếp xúc nhiều với các em, tôi thấy không có lý do gì cho phép mình có quyền hạ cố thương hại ở đây.

Những người khuyết tật trong truyện ngắn của tôi cũng chỉ là những nhân vật bình thường như bao nhiêu con người khác. Họ cũng sống, học tập, yêu thương, lao động, cống hiến... như mọi người. Họ tự trọng hơn nhiều người không khuyết tật. Họ có những hoàn cảnh khó khăn riêng và luôn cố gắng vượt qua bằng một nghị lực lớn lao...

* Hương vẫn tiếp tục đến chơi với các em?

- Bảy năm... Lớp đầu tiên nay đã trưởng thành, nhiều em ra trường, đi làm matxa, chơi nhạc... ở TP.HCM, Nha Trang... Tôi đã đi dự đám cưới của hai em khiếm thị, trong đó có một em lấy cô vợ sáng mắt. Ngày vợ em sinh đứa con đầu lòng, cả hai bên gia đình không dám đến bệnh viện, tập trung ở nhà để cầu nguyện - tôi cũng có mặt. Khi nghe điện thoại báo đứa con có đôi mắt sáng bình thường, niềm vui đã bùng vỡ đến mức anh không thể hình dung được đâu... Vâng, tôi vẫn đến chơi với các em những lớp sau. Các em cần nhất là sự tôn trọng, lắng nghe, cảm thông. Vậy thôi.

NGUYỄN ĐÔNG THỨC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên