Là một chuyên gia kinh tế đã trải qua ba khóa Quốc hội nhưng khi ôm chồng tài liệu về ngân sách nhà nước dày gần một gang tay để nghiên cứu, TS Trần Du Lịch cuối cùng phải thốt lên ở nghị trường: “Tôi nói thật là không biết cắt của ai, chia cho ai, tăng lương lấy đâu ra”.
Khó khăn ngân sách đã trở thành chuyện “đến hẹn lại lên”, nhiều giải pháp mạnh mẽ ở tầm vĩ mô đã được đề xuất, được các vị đại biểu Quốc hội và quan chức Chính phủ mổ xẻ trên nhiều diễn đàn khác nhau.
Dù các giải pháp là hết sức đúng đắn và cần thiết, nhưng không phải lúc nào cử tri cũng nhận được một cam kết liên quan trực tiếp đến hành động của một cá nhân, tổ chức cụ thể nhằm tiết kiệm những đồng tiền đóng thuế của người dân.
Chẳng hạn như Phó bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thị Quyết Tâm đã thiết tha kêu gọi các đại biểu Quốc hội đăng ký không nhận những cuốn sổ ghi chép mà họ vẫn được phát mỗi kỳ họp Quốc hội dù dùng không hết, hoặc những loại tài liệu bản in giấy mà đại biểu có thể nhận qua máy tính để góp phần tiết kiệm chi tiêu của Quốc hội.
“Nếu chúng ta quan tâm từng việc nhỏ thì cả đất nước tiết kiệm được rất nhiều” - bà Tâm nói.
Đó là việc nhỏ, còn việc lớn hơn thì sao?
Nếu lần giở các bản ghi nội dung thảo luận của Quốc hội trong khoảng 15 năm qua, dễ dàng bắt gặp những cảnh báo về bội chi ngân sách, về tăng biên chế khiến bộ máy cồng kềnh, về lãng phí hội họp, lễ hội, khánh tiết, công tác nước ngoài, xe công... Nhưng rồi bội chi vẫn cứ tăng.
Năm năm qua, bình quân mỗi năm bội chi khoảng 200.000 tỉ đồng. Trong khi đó càng thực hiện chính sách tinh giản thì biên chế càng tăng, năm 2014 tổng biên chế hành chính, sự nghiệp tăng hơn 30% so với năm 2007.
Con số nợ công cứ lạnh lùng tăng lên: nếu năm 2011 chiếm 46% GDP thì đến hết năm 2015 dự báo 61,3%.
Một lần nữa các đề xuất tiết kiệm chi tiêu, chống lãng phí lại vang lên mạnh mẽ trên nghị trường.
Bên hành lang Quốc hội, trước một “rừng” máy ghi âm của báo chí, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính và ngân sách Phùng Quốc Hiển đặc biệt nhấn mạnh đến một dự thảo nghị quyết cho năm 2016 với những điểm rất quan trọng như hạn chế tối đa hội nghị, hội thảo không cần thiết, thực hiện cơ chế khoán xe công đối với một số chức danh...
Cần phải có thời gian để chứng kiến kết quả của quyết tâm “thắt lưng buộc bụng” lần này. Nhưng qua thời gian, nhiều cử tri còn nhớ từng có chủ trương khoán xe công ở Quốc hội (nghị quyết số 1157, năm 2007), tuy nhiên số cán bộ xung phong nhận khoán không nhiều và rồi phải sửa đổi, thay thế nghị quyết này.
Sau kêu gọi của đại biểu Quyết Tâm và sau khi Quốc hội ra nghị quyết với nội dung như ông Phùng Quốc Hiển nêu trên, danh sách đăng ký thực hiện sẽ ngắn hay dài?
Giải pháp tinh giản biên chế sẽ được từng cơ quan, tổ chức, đơn vị thực thi với các bản đăng ký cắt giảm nhân sự hay lặp lại “vết xe” cũ?
Nói như Phó chủ nhiệm Ủy ban Tài chính và ngân sách Trần Văn: “Đã đến lúc chúng ta tự giác thắt lưng buộc bụng trước khi bị buộc phải làm theo yêu cầu của định chế tài chính nước ngoài”.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận