![]() |
Biếm họa của Peter Schrank đăng trên presseurop |
Trong hai ngày 8 và 9-12, Hội nghị thượng đỉnh EU tại Brussels (Bỉ), được mô tả là “mang tính chất sống còn”, sẽ thảo luận kế hoạch của Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy nhằm cứu đồng euro.
Theo thỏa thuận “Merkozy”, các nước khối đồng euro phải giữ mức thâm hụt ngân sách dưới 3% GDP và nợ công dưới 60% GDP. Nước nào vi phạm sẽ bị trừng phạt nghiêm khắc. Berlin và Paris cho rằng cách duy nhất để duy trì cơ chế này là thay đổi Hiệp ước Lisbon. Theo báo Wall Street Journal, Mỹ đã tỏ thái độ ủng hộ Đức và Pháp. Bộ trưởng Tài chính Mỹ Timothy Geithner khi đến Paris hôm 7-12 đã kêu gọi châu Âu “lập tức hành động”.
Tuy nhiên, trước thềm Hội nghị thượng đỉnh EU, kế hoạch này đang vấp phải thử thách lớn khi một số nước EU ngoài khối đồng euro lo ngại việc thay đổi Hiệp ước Lisbon sẽ ảnh hưởng đến chủ quyền quốc gia.
Thủ tướng Anh đe dọa
Theo báo Guardian, ngày 7-12 Thủ tướng Anh David Cameron đã lên tiếng dọa sẽ phủ quyết việc thay đổi Hiệp ước Lisbon nếu các nhà lãnh đạo EU không bảo vệ lợi ích tài chính của Anh. “Nếu chúng tôi không có được sự bảo vệ, hiệp ước mới sẽ chẳng đi đến đâu” - ông Cameron khẳng định.
Giới quan sát nhận định Chính phủ Anh, nước không sử dụng đồng euro, lo ngại việc thay đổi Hiệp ước Lisbon sẽ khiến London phải chuyển giao một phần quyền lực về Brussels và hạn chế ảnh hưởng của Anh đối với EU. Ông Cameron muốn đảm bảo EU vẫn là một thị trường thống nhất, và bất kỳ động thái nào trong khối đồng euro cũng không ảnh hưởng đến vị thế trung tâm tài chính toàn cầu của London. Ví dụ, mới đây Pháp đề xuất đánh thuế vào các giao dịch tài chính, Anh đã kịch liệt phản đối do lo sợ các doanh nghiệp sẽ rời bỏ London.
Báo Telegraph bình luận dù Chính phủ Anh lo ngại mất chủ quyền, song việc khối đồng euro vượt qua khủng hoảng lại phục vụ lợi ích của nước Anh, bởi một số lượng lớn hàng xuất khẩu Anh sang các nước EU. Báo Mirror chỉ trích ông Cameron đang cố bảo vệ các ông trùm tài chính ở London mà quên mất đại cục.
Một số quốc gia châu Âu khác như Ireland và Hà Lan đã lên tiếng phản đối do lo ngại người dân sẽ nói không với một hiệp ước mới. Chủ tịch Hội đồng châu Âu (EC) Herman Van Rompuy mới đây khẳng định EU có thể thắt chặt các quy định tài chính mà không cần sửa đổi Hiệp ước Lisbon. Một số quan chức EU đang vận động Đức bỏ kế hoạch sửa đổi Hiệp ước Lisbon.
Trước đó, Đức và Pháp đã tính đến việc chỉ thay đổi hiệp ước đối với các nước khối đồng euro. Tuy nhiên, các nhà lãnh đạo EU lại không ủng hộ giải pháp này do lo ngại EU sẽ bị chia rẽ thành hai khối và phát triển theo hai tốc độ.
Nguy cơ “Đức hóa” châu Âu
Trên các tờ báo châu Âu, nhiều nhà quan sát chính trị cũng lo ngại việc thay đổi Hiệp ước Lisbon đồng nghĩa với nguy cơ “Đức hóa châu Âu”, và Thủ tướng Đức trở thành nhà lãnh đạo châu Âu không chính thức nhưng quyền lực lại vô biên. Nhiều tờ báo châu Âu mô tả bà Merkel đang “định hình lại châu Âu theo quan điểm của Đức”.
Báo Libération của Pháp chỉ trích Tổng thống Pháp Sarkozy đã “trở thành cái loa của bà Merkel”. Chính trị gia Đảng Xã hội Pháp Arnaud Montebourg kêu gọi nước Pháp cần đứng lên đối chọi lại Đức và bảo vệ các giá trị Pháp trước những “mệnh lệnh Đức”. Các chính trị gia trên báo chí Ý chỉ trích Thủ tướng Mario Monti là “giống người Đức hơn cả người Đức chính gốc” với các biện pháp thắt lưng buộc bụng ngặt nghèo.
Báo Irish Times gây xôn xao dư luận Ireland khi đưa tin các nghị sĩ Đức đã “duyệt” dự thảo ngân sách tháng 12 của Chính phủ Ireland trước khi các nghị sĩ đối lập ở Dublin được xem bản dự thảo. Tân Thủ tướng Tây Ban Nha Mariano Rajoy cam kết cắt giảm nợ xuống còn 4,4% GDP vào năm 2012, đúng như bà Merkel yêu cầu. Báo Tây Ban Nha ABC lập tức lên tiếng cảnh báo về một “châu Âu của nước Đức”.
Một số tờ báo khác cho rằng Đức đang giành “chiến thắng trong Thế chiến thứ III: cuộc chiến tài chính”. Dư luận và báo chí Hi Lạp phản ứng mạnh mẽ nhất với “nguy cơ Đức hóa”. Nhà báo nổi tiếng Hi Lạp Georgios Trangas mô tả đất nước mình đã trở thành “một thuộc địa” của “đế chế thứ tư” (Đức quốc xã tự xưng là đế chế thứ ba sau đế chế La Mã 800-1806 và đế chế Đức 1871-1918).
Trước một dư luận lo sợ và đầy chia rẽ, liệu EU có thể đạt được thỏa thuận về một giải pháp mạnh mẽ nhằm giải cứu châu Âu khỏi khủng hoảng?
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận