18/11/2003 11:00 GMT+7

Ai đã "giúp" Lã Thị Kim Oanh "chạy" hàng chục dự án?

VÕ HỒNG QUỲNH - NGUYỄN VĂN HẢI
VÕ HỒNG QUỲNH - NGUYỄN VĂN HẢI

TT - Hôm qua 17-11, Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội đã mở phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án Lã Thị Kim Oanh - nguyên giám đốc Công ty Tiếp thị thương mại nông nghiệp - công nghiệp thực phẩm (sau đây gọi tắt Công ty Tiếp thị) thuộc Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn - can tội tham ô tài sản, cố ý làm trái qui định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng và thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng. Có tám bị cáo đều là cán bộ công chức nhà nước bị truy tố trong vụ án này.

QZL3Ov1Z.jpgPhóng to
Bị cáo Lã Thị Kim Oanh
TT - Hôm qua 17-11, Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội đã mở phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án Lã Thị Kim Oanh - nguyên giám đốc Công ty Tiếp thị thương mại nông nghiệp - công nghiệp thực phẩm (sau đây gọi tắt Công ty Tiếp thị) thuộc Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn - can tội tham ô tài sản, cố ý làm trái qui định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng và thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng. Có tám bị cáo đều là cán bộ công chức nhà nước bị truy tố trong vụ án này.

Lã Thị Kim Oanh không nhận bản cáo trạng?

Đúng 8g21, các bị cáo được dẫn giải vào phòng xét xử. Bị cáo Oanh mặt lạnh như tiền, được hai nữ công an áp giải; các bị cáo Hà, Hoàng, Quán (được tại ngoại) sau khi lên bàn thư ký nộp giấy triệu tập, lặng lẽ bước về chỗ ngồi...

Khi phiên tòa sắp sửa bắt đầu, thư ký hỏi: “Bị cáo Nguyễn Thiện Luân có mặt chưa?”; lúc này lực lượng bảo vệ mới dáo dác đi tìm, nhưng không thấy đâu. Gần năm phút sau, bị cáo Luân với cuốn sổ trong tay mới từ từ bước lên cầu thang để vào phòng xử.

LTPJSGIB.jpgPhóng to goh8henA.jpg iaddLcdb.jpg
Bị cáo Nguyễn Quang Hà, nguyên thứ trưởng Bộ NN&PTNT Bị cáo Lã Thị Kim Oanh, nguyên giám đốc Cty tiếp thị Bị cáo Nguyễn Thiện Luân, nguyên thứ trưởng Bộ NN&PTNT
Bước vào phần kiểm tra lý lịch, chủ tọa Nguyễn Sơn hỏi Lã Thị Kim Oanh: “Bị cáo có nhận được bản cáo trạng không?”. Oanh dằn từng tiếng: “Có đọc nhưng không nhận”. Chủ tọa giải thích rằng Viện Kiểm sát đã chuyển bản cáo trạng cho luật sư của bị cáo. Oanh cãi ngay: “Thưa, tôi không yêu cầu Viện Kiểm sát giao cáo trạng của tôi cho luật sư. Tôi có đọc bản cáo trạng trong suốt một buổi chiều và thấy chưa đủ cơ sở kết tội tôi, nên đã không nhận cáo trạng”.

Chủ tọa hỏi hai bị cáo Luân và Hà: “Trước khi nghỉ hưu làm gì?”. Khoảng 10g30, đại diện Viện Kiểm sát nhân dân TP Hà Nội giữ quyền công tố công bố bản cáo trạng. Các bị cáo Oanh, Hà, Hoàng được phép ngồi nghe vì lý do sức khỏe.

Hơn 72,6 tỉ đồng biến mất qua các dự án

My3XjJAK.jpgPhóng to
Bị cáo Huỳnh Xuân Hoàng, nguyên vụ trưởng Vụ Kế hoạch-qui hoạch Bộ NN-PTNT
Công ty Tiếp thị do Lã Thị Kim Oanh làm giám đốc được phép kinh doanh nhiều ngành nghề, nhưng thực tế từ ngày thành lập (tháng 4-1995) đến khi vụ án được phát hiện (tháng 6-2001), công ty thu được từ kinh doanh thương mại có 710 triệu đồng, còn lại chỉ thực hiện các dự án.

Dự án Nghĩa Đô (khu A-B), Chính phủ cấp hơn 74,9 tỉ; Oanh vay thêm ngân hàng 42 tỉ, tổng cộng hơn 117 tỉ. Nhưng khối lượng thực phải thanh toán cho các đơn vị thi công chỉ hơn 78,1 tỉ, làm thiệt hại trên 38,8 tỉ.

Riêng hạng mục khu vui chơi giải trí Đống Đa, Lã Thị Kim Oanh huy động hơn 7,1 tỉ đồng để đầu tư (gồm ngân sách nhà nước, vay ngân hàng, vốn của công ty kinh doanh xây dựng nhà) nhưng chỉ chi cho dự án này hơn 3,4 tỉ, trong đó có khoản chi gần 241,5 triệu đồng... ủng hộ Công an quận Đống Đa mua ôtô.

Dự án Khu công nghiệp Kim Hoa (Vĩnh Phúc), Lã Thị Kim Oanh huy động từ nhiều "nguồn" được xấp xỉ 11,7 tỉ đồng, nhưng rốt cuộc chi cho dự án trên 9,3 tỉ, còn gần 2,4 tỉ đồng lần lượt "bốc hơi" theo thói vung tiền của bà giám đốc này. Đối với bảy dự án thuộc nhóm C, mới chỉ có bốn dự án hoàn tất thủ tục, được UBND Hà Nội cấp phép xây dựng, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, nhưng trước đó Oanh đã thu tiền bán đất, vay tiền ngân hàng rồi chi xài "không có căn cứ để chấp nhận".

Với chín dự án nói trên (hai dự án nhóm A do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và bảy dự án nhóm C do bộ trưởng Bộ NN-PTNT phê duyệt), Công ty Tiếp thị đã huy động được khoảng 229,8 tỉ đồng từ nhiều nguồn. Thế nhưng chỉ có 146,6 tỉ đồng được thực chi, khoảng 10,5 tỉ khác được trả nợ ngân hàng, 72,6 tỉ còn lại đã biến mất không tung tích...

Tiền nhà nước “chạy” đi đâu?

Trong giao dịch với các ngân hàng giám đốc Oanh là người được đánh giá “rất biết điều”. Trong bốn năm liền (1997-2000), cứ mỗi dịp lễ, tết hoặc khi có cán bộ ngân hàng xuống Công ty Tiếp thị làm việc, kiểm tra việc sử dụng vốn vay, khi ra về đều có một phong bì dán kín, bên trong rủng rẻng ít nhất cũng 5 triệu đồng.

Lã Thị Kim Oanh vẫn còn nhớ đã chi khoảng... 60 phong bì như thế cho những cán bộ liên quan ở một số ngân hàng. Nhưng không chỉ có thế, “người nào… tiền nấy”, cỡ giám đốc, phó giám đốc ngân hàng còn được bà Oanh “thưởng riêng” theo từng phi vụ vay tiền, mỗi người khoảng 70 triệu đồng. Thảo nào Công ty Tiếp thị vay tiền các ngân hàng... dễ thế!

QwyaTRYQ.jpgPhóng to
Bị cáo Phạm Tiến Bình, nguyên phó giám đốc Công ty Tiếp thị
Nhưng kinh khủng nhất là những khoản tiền “chạy” theo các dự án của Công ty Tiếp thị. Chỉ nội việc ăn uống, in sao tài liệu cho các cuộc họp báo ở Hà Nội để giới thiệu về Khu công nghiệp Kim Hoa cùng một vài cuộc họp đánh giá về khu công nghiệp này, giám đốc Oanh đã “đốt” khoảng 2,4 tỉ. Một khoản tiền khác gần 2,3 tỉ được Lã Thị Kim Oanh cho biết chỉ để bỏ... phong bì chi biếu các cơ quan, cá nhân liên quan đến khu công nghiệp trong các dịp lễ, tết.

Ngoài ra, Lã Thị Kim Oanh không ngại “tốn tiền nhà nước”, có tới bảy lần chi tiền đài thọ các đoàn đi nước ngoài, có những lần không mang lại lợi ích gì cho doanh nghiệp, trong đó có lần chi tới 10.647 USD cho một đoàn của UBND tỉnh Vĩnh Phúc đi thăm Nhật. Lã Thị Kim Oanh cũng là người có tiếng rộng rãi với những đoàn khách thăm viếng thường xuyên, mà mỗi lần chi ít nhất cũng 2 triệu, nhiều tới 9-10 triệu đồng.

Nhưng “đáng nể” hơn cả là thành tích đem “tiền chùa” cúng... chùa của giám đốc Lã Thị Kim Oanh. Chỉ sơ sơ trong mấy năm làm dự án, Lã Thị Kim Oanh đã có mặt và “in dấu” ở hầu khắp các đền chùa, từ Bảo Linh điện, phủ Tây Hồ đến Phủ Giày (Nam Định)... Mỗi lần viếng thăm những nơi này, Lã Thị Kim Oanh đều làm “công đức” nhẹ thì 10 triệu, nặng thì tới cả... 250 triệu đồng (như một lần ở Phủ Giày) với lý do “cầu may cho dự án” đang triển khai.

Ngoài tám bị cáo gồm: Lã Thị Kim Oanh, Phạm Tiến Bình (nguyên phó giám đốc Công ty Tiếp thị), Đỗ Đức Thuần (nguyên kế toán trưởng), Nguyễn Chính Nghĩa (nguyên trợ lý giám đốc), Nguyễn Quang Hà (nguyên thứ trưởng thường trực Bộ Nông nghiệp - phát triển nông thôn), Nguyễn Thiện Luân (nguyên thứ trưởng Bộ NN-PTNT), Huỳnh Xuân Hoàng (nguyên vụ trưởng Vụ Kế hoạch - qui hoạch) và Phan Văn Quán (nguyên vụ trưởng Vụ Tài chính kế toán) bị truy tố ra tòa, hội đồng xét xử đã triệu tập gần 200 người có nghĩa vụ, quyền lợi liên quan; nhân chứng...

Tuy nhiên, chỉ có 36/113 người có nghĩa vụ và quyền lợi liên quan; 51/72 nhân chứng có mặt. Một số cá nhân và cơ quan chức năng có liên quan như Cục Thuế Hà Nội, Công an quận Đống Đa, chánh văn phòng Bộ NN-PTNT... đã vắng mặt.

Ai đã “giúp” Lã Thị Kim Oanh “chạy”?

Do đâu mà Lã Thị Kim Oanh có thể tự tung tự tác moi tiền tỉ của nhà nước trong suốt một thời gian dài như vậy? Bốn bị cáo từ vụ trưởng đến thứ trưởng Bộ NN-PTNT ra trước vành móng ngựa lần này đã “giúp” giám đốc Oanh gần như tuyệt đối.

Chính các bị cáo này đã mở đường cho Công ty Tiếp thị lao vào cơn lốc địa ốc bằng việc cho phép thêm nhiều chức năng kinh doanh - mặc dù thực lực công ty không hề có. Hơn thế, các bị cáo đã ký bảo lãnh, xác nhận và đề nghị ngân hàng cho Công ty Tiếp thị vay tiền để rồi xù nợ.

Bị cáo Nguyễn Quang Hà đã ký cho Công ty Tiếp thị vay 10 tỉ đồng tại Ngân hàng TMCP Quân đội, sau đó vốn nhà nước đã cấp nhưng công ty không trả hết nợ. Tương tự, ông Nguyễn Quang Hà còn hạ bút vào hai công văn của Công ty Tiếp thị vay Ngân hàng TMCP Hàng hải VN 16 tỉ; ký xác nhận vay Ngân hàng công thương Ba Đình vay 25 tỉ... Tổng cộng, ông Hà đã ký xác nhận, bảo lãnh vay trên bảy công văn của Công ty Tiếp thị, “giúp” cho công ty này đến nay vẫn còn nợ cả gốc lẫn lãi 54,7 tỉ đồng.

Còn bị cáo Nguyễn Thiện Luân “bảo lãnh” cho Lã Thị Kim Oanh vay của Ngân hàng Đầu tư phát triển Hà Nội và chi nhánh của ngân hàng này hơn 23 tỉ đồng bằng hai công văn xác nhận nhu cầu vay vốn của doanh nghiệp. Điều bất thường là ở chỗ ông Luân ký xác nhận trong khi vốn ngân sách đã cấp đủ cho cả hai dự án.

Ngoài ra, ở cương vị được phân công, chẳng những không “nắn”

DlXpYgiZ.jpgPhóng to
Bị cáo Phan Văn Quán, nguyên vụ trưởng Vụ Tài chính - kế toán Bộ NN-PTNT
Công ty Tiếp thị đi đúng đường, ông Nguyễn Thiện Luân lại “tiếp sức” để Lã Thị Kim Oanh có cơ hội liên tiếp làm trái, gây thiệt hại hàng chục tỉ đồng, điển hình là việc mua khách sạn 120 Quán Thánh.

Nhưng trước khi các công văn “bảo lãnh” trên được đặt trên bàn hai thứ trưởng Bộ NN-PTNT, chúng đã được xem xét bởi hai vụ trưởng mà giờ đây cũng đang là hai bị cáo của vụ án, gồm nguyên vụ trưởng Vụ Tài chính - kế toán Phan Văn Quán và nguyên vụ trưởng Vụ Kế hoạch - qui hoạch Huỳnh Xuân Hoàng. Hai vị này đã không thực hiện hết chức năng “tham mưu”, ngược lại những chữ ký nháy của họ đã tạo những cơ hội “không thể bỏ qua” cho Lã Thị Kim Oanh dễ dàng “rút ruột” Nhà nước.

Hôm nay (18-11), đại diện Viện Kiểm sát tiếp tục công bố cáo trạng trong buổi sáng, sau đó sẽ bước vào phần thẩm vấn về hai dự án trung tâm triển lãm - hội chợ và Khu công nghiệp Kim Hoa (Vĩnh Phúc).

VÕ HỒNG QUỲNH - NGUYỄN VĂN HẢI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên