Phóng to |
Chị bán dép Trần Thị Mai Hoa nhờ nhân viên báo Tuổi Trẻ hướng dẫn cách nhắn tin ủng hộ biển đảo - Ảnh: Vũ Thủy |
Họ là những thầy giáo lặn lội từ vùng đồng bằng sông Cửu Long, người bán dạo quanh năm mưu sinh ở lề đường nắng bỏng, cháu bé mới lên 5 hay những cụ già ở nhà dưỡng lão...
Tấm lòng chị hàng dép
Phải giữ được biển Gọi điện báo trước từ đầu giờ chiều nhưng đến gần cuối giờ làm việc bà Nguyễn Khánh Nam, vợ đại tá Lê Hãn, con dâu cố tổng bí thư Lê Duẩn, mới có mặt ở tòa soạn báo Tuổi Trẻ. Bà giải thích: Chân bị té gãy, phải cố định bằng 12 chiếc đinh bên trong nên bây giờ đi lại cũng chậm chạp hơn xưa. Chồng bà, đại tá Lê Hãn, năm nay đã 86 tuổi với ba lần thập tử nhất sinh. Thời gian này, tình hình biển đảo căng thẳng bao nhiêu ngày là bấy nhiêu ngày gia đình bà không bỏ sót bất kỳ dòng tin nào liên quan trên đài, báo. “Hôm nay, tôi đi rút tiền để dành ở ngân hàng, một phần dành góp cho biển đảo, phần còn lại để dành lo cho sức khỏe ông ấy. 50 triệu đồng này không phải tiền có được do kinh doanh, cho thuê nhà hay bán buôn gì mà là tiền tiết kiệm của hai vợ chồng nên thật sự là tất cả tấm lòng, tình cảm. Chúng tôi góp cho anh em chiến sĩ đang tranh đấu ngoài biển khơi. Phải giữ được biển, được đảo thì mai này con cháu chúng ta mới còn cơ hội mà “góp đá” xây đảo”, bà nói. |
Đến báo Tuổi Trẻ lúc đã gần cuối giờ trưa, chị Trần Thị Mai Hoa (47 tuổi) ngập ngừng nói mình muốn đóng góp cho chương trình về biển mà mấy ngày rồi đi đâu cũng nghe người ta bàn tán. Chị bán hàng dép ở gần chợ Hiệp Thành (Q.12, TP.HCM). Hỏi chính xác chỗ chị ngồi bán ở đâu, chị lúng túng không nói được vì “tui bán dép lề đường, nay ngồi chỗ này, mai lại trải tấm nilông ngồi chỗ khác”.
Lúc mới tới, chị nói góp 600.000 đồng, nhưng ngồi nói chuyện một hồi chị chép miệng: “Thôi còn 200.000 đồng, góp vô luôn!”. Bán dép mỗi ngày chỉ lời gần trăm ngàn đồng, nhưng “coi tivi thấy tàu mình bị ức hiếp dữ quá, người bên mình bị thương tội nghiệp quá” nên chị dành dụm tiền bán mấy bữa để đến góp. Chị phân trần: “Hổm rày mấy cô, mấy chị ngoài chợ chỗ chị ngồi bán đã bàn nhau đến góp nhưng ngày nào cũng phải bán hàng nên mãi vẫn chưa đi được. Tui nóng ruột nên sáng nay nghỉ bán một buổi, một mình đón hai chuyến xe buýt đến báo Tuổi Trẻ”. Cầm tờ Tuổi Trẻ mới ra ngày 20-5, chị còn nhờ hướng dẫn kỹ hơn để tự mình nhắn tin đóng góp và về chỉ lại cho mấy bà trong chợ, xong mới tất tả ra về. Chị về mà mang theo một nỗi lo. “Chiều nay về bán tiếp tới tối nhưng chưa biết ngồi đâu. Chỗ hôm qua ngồi ế quá!” - chị thiệt tình nói.
“Với các doanh nghiệp hay nhiều mạnh thường quân ở thành phố, số tiền 102.600.000 đồng có lẽ không nhiều nhặn gì. Nhưng với thầy trò vùng Đồng Tháp Mười - nơi đời sống người dân còn nghèo - thì đó là sự đóng góp lớn” - thầy Võ Văn Tùng, phó hiệu trưởng Trường đại học Đồng Tháp, bộc bạch. Phát động từ thứ hai tuần trước, đến đầu tuần này trường mới quyên được số tiền trên, vội lên TP.HCM tới tòa soạn trao ngay cho ban tổ chức chương trình để kịp thời góp sức cho biển đảo.
Càng xúc động hơn khi được biết trong số tiền này có phần đóng góp của mẹ một giảng viên: bà cụ Nguyễn Thị Chi. Cụ đã 83 tuổi, đi lại khó khăn. Biết Tuổi Trẻ có chương trình “Chung sức bảo vệ chủ quyền biển Đông”, cụ nằng nặc đòi con cháu chở lên thành phố đóng góp mà chưa đi được. Hay tin nhà trường có vận động quyên góp, cụ mừng quá, liền gửi tiền góp thêm. Anh Hồ, lái xe của trường, còn kể: “Biết bữa nay tui lái xe chở các thầy lên báo Tuổi Trẻ, một người bạn còn đến giúi vào tay tui 500.000 đồng, nói là góp thêm cho chương trình mà không cần ghi tên người góp”.
“Lò mổ” heo đất
Trong những ngày này, phòng tiếp bạn đọc của báo Tuổi Trẻ cũng trở thành “lò mổ” heo đất khi rất nhiều người mang heo đất tiết kiệm đến “ủng hộ các chiến sĩ”. Cuối giờ chiều, bé Lê Vũ Khánh An (5 tuổi, Q.12) mới cùng mẹ tới báo Tuổi Trẻ. Chị Lâm Viên, mẹ bé, kể đây là con heo đất đầu tiên bé nuôi được. Ở lớp các bé được dạy múa hát về chú bộ đội, bé về nhà hay hát cháu yêu chú bộ đội canh giữ ngoài đảo xa cho bố mẹ nghe nên khi mẹ rủ “đem heo giúp các chú” bé rất vui. Em Nguyễn Trần Nguyên Hạnh (11 tuổi, Q.Bình Tân, TP.HCM) lại khệ nệ ôm tới một chú heo và một ống tiết kiệm bằng gỗ, “mổ” ra được hơn 3 triệu đồng. Em nói heo là em nuôi, còn ống tiết kiệm là của anh trai 14 tuổi, đem góp hết cho các chú bộ đội Việt Nam ngoài Hoàng Sa.
Và có lẽ một trong những con heo đất nặng nghĩa tình nhất là heo đất của cán bộ, nhân viên và những cụ già tại Trung tâm dưỡng lão Thị Nghè. Heo được “mổ” ngay tại trụ sở báo, trong bụng heo đếm được 9.722.000 đồng. Con heo đất này đã được nuôi suốt hai tháng nay ở trung tâm và ngay từ đầu đã có mục tiêu là đóng góp cho biển đảo. Mỗi sáng đầu tuần, nó được mang ra đặt dưới chân cột cờ để các cụ và cán bộ nhân viên “vỗ béo”, còn các ngày trong tuần thì được mang tới từng phòng của các cụ. “Trừ những cụ nào yếu quá hoặc tinh thần không còn minh mẫn, các cụ còn tỉnh táo đều nhín tiền riêng để “nuôi heo”. Ở trung tâm các cụ cũng coi tivi, đọc báo theo dõi tình hình biển đảo rất kỹ” - chị Ngô Thị Vân Anh, phó giám đốc trung tâm, kể.
Đà Nẵng: cán bộ, giảng viên ĐH Duy Tân góp một ngày lương Sáng 20-5, Trường ĐH Duy Tân Đà Nẵng đã tổ chức ủng hộ chương trình “Chung sức bảo vệ chủ quyền biển Đông”. Toàn bộ cán bộ, giảng viên của trường ĐH Duy Tân hơn 900 người đã trích một ngày lương để ủng hộ chương trình. Ngoài ra, sinh viên cũng tự nguyện tham gia đóng góp. Thay mặt lãnh đạo nhà trường, nhà giáo ưu tú Lê Công Cơ - chủ tịch HĐQT Trường ĐH Duy Tân - đã trao số tiền đóng góp là 100 triệu đồng cho đại diện báo Tuổi Trẻ tại Đà Nẵng để ủng hộ lực lượng kiểm ngư VN. ĐOÀN CƯỜNG Lâm Đồng: người dân phố núi tiếp tục hướng về biển Đông Ngay từ sáng sớm 20-5, ông Nguyễn Văn Minh (TP Biên Hòa, Đồng Nai) đã đến văn phòng báo Tuổi Trẻ tại Lâm Đồng đóng góp 10 triệu đồng cho chương trình “Chung sức bảo vệ chủ quyền biển Đông”. Chiều cùng ngày, Hợp tác xã rau sạch Anh Đào (TP Đà Lạt) đã đến ủng hộ 20 triệu đồng. Ông Nguyễn Công Thừa - tổng giám đốc Hợp tác xã rau sạch Anh Đào - cho biết thêm một vài ngày tới sẽ triển khai kêu gọi mọi người, các doanh nghiệp, vựa rau củ đang liên kết làm ăn với hợp tác xã ủng hộ thêm cho biển đảo. PHAN THÀNH Thầy trò Trường Hồng Bàng (Q.5, TP.HCM) chung sức... Sáng 19-5, trong buổi chào cờ đầu tuần tại Trường THCS Hồng Bàng, Q5, TP.HCM đã có cuộc nói chuyện về giàn khoan Hải Dương 981 của Trung Quốc đặt trái phép trên vùng biển của nước ta cho gần 4.000 học sinh, giúp các em hiểu thêm về tinh thần kiên cường bám biển của các ngư dân và lực lượng kiểm ngư, cảnh sát biển nước ta. Sau buổi nói chuyện, thầy hiệu trưởng Trần Đức Khanh đã kêu gọi cán bộ, giáo viên và các em học sinh đóng góp ủng hộ các chiến sĩ, nhân dân ở biển đảo Trường Sa, Hoàng Sa có điều kiện hơn để bám biển và giữ biển. Số tiền ủng hộ 35.041.000 đồng đã được chuyển đến chương trình “Chung sức bảo vệ chủ quyền biển Đông”. NHƯ HÙNG |
Mọi đóng góp, bạn đọc có thể thông qua: * Chiến dịch nhắn tin “Chung sức vì biển đảo quê hương”, với cú pháp BD gửi 1409 sẽ chính thức bắt đầu từ 0g ngày 19-5 (18.000 đồng/tin nhắn). * "Chung sức bảo vệ chủ quyền biển Đông" qua cổng thanh toán Tuổi Trẻ. * Tòa soạn báo Tuổi Trẻ (60A Hoàng Văn Thụ, P.9, Q.Phú Nhuận, TP.HCM) hoặc tại 14 Văn phòng đại diện, thường trú của báo Tuổi Trẻ trên cả nước. Mọi thông tin vui lòng liên hệ qua điện thoại: (08) 39973838 gặp Ban công tác xã hội hoặc qua email: congtacxahoi@tuoitre.com.vn Hoặc thông qua tài khoản: + Báo Tuổi Trẻ, Ngân hàng Công thương Chi nhánh 3 TP.HCM Số tài khoản: 102010000118248 (Việt Nam đồng). Bạn đọc ở nước ngoài xin chuyển khoản về chủ tài khoản báo Tuổi Trẻ: + Tài khoản USD: 007.137.0195.845 tại Ngân hàng Ngoại thương TP.HCM. + Tài khoản EUR: 007.114.0373.054 tại Ngân hàng Ngoại thương TP.HCM. + Swift code: BFTVVNVX007 Nội dung chuyển tiền: Ủng hộ Chương trình “Chung sức giữ vững chủ quyền biển Đông”. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận