Phóng to |
Bác sĩ Trương Xuân Liễu - Ảnh: L.TH.H. |
Tôi hoàn toàn ủng hộ việc thành lập nghiệp đoàn bác sĩ, tên gọi có thể là bác sĩ đoàn hay y sĩ đoàn cũng được. Vừa qua tôi có làm một nghiên cứu về hành nghề y tư nhân, khi được hỏi thì cả bác sĩ công và bác sĩ tư đều mong muốn có một tổ chức bác sĩ đoàn để bảo vệ quyền lợi của những người hành nghề y chính đáng và loại bỏ những bác sĩ chuyên môn dở, đạo đức kém. Tôi thấy các nước đều làm rồi, sao mình không làm?
Bác sĩ đoàn là một tổ chức cho những người hành nghề y và những bác sĩ tham gia bác sĩ đoàn phải thực hiện nghĩa vụ luận và nghĩa vụ luật do tổ chức này biên soạn, quy định và điều hành. Những ai hành nghề y đều phải vào tổ chức này mới được hành nghề. Trong quá trình hành nghề, bác sĩ đoàn sẽ theo dõi việc thực hiện nghĩa vụ luật, nghĩa vụ luận của bác sĩ. Nếu bác sĩ sai, y sĩ đoàn sẽ xử lý và khai trừ khỏi bác sĩ đoàn, và khi khai trừ rồi bác sĩ này không thể hành nghề được ở đâu. Tổ chức này tập hợp những bác sĩ có kinh nghiệm, có uy tín trong ngành, những người hiểu biết về luật pháp và hoạt động độc lập với cơ quan quản lý nhà nước. Còn hiện nay bác sĩ làm việc ở bệnh viện, khi có vi phạm cũng bệnh viện đó xử lý thì không độc lập, khách quan được.
Đúng ra bác sĩ đoàn phải có từ lâu để quản lý bác sĩ hành nghề ở cả các cơ sở y tế công lẫn tư nhân, để buộc các bác sĩ thực hiện đúng nghĩa vụ của người bác sĩ đối với bệnh nhân và xã hội. Bác sĩ đoàn vừa có trách nhiệm bảo vệ và có quyền xử lý người hành nghề y, vừa có nhiệm vụ bảo vệ quyền lợi bệnh nhân và có vai trò giúp sức trong vấn đề quản lý ngành y tế vì thực tế hoạt động của bác sĩ hiện còn sơ sót nhiều.
Không chỉ tôi mà rất nhiều anh em trong ngành y đều mong muốn có một tổ chức như bác sĩ đoàn để sinh hoạt cùng nhau. Còn chức năng của Hội Y học TP.HCM hiện nay không phải như bác sĩ đoàn. Để thành lập được bác sĩ đoàn, theo tôi, các cơ quan như Quốc hội, Chính phủ, Bộ Y tế phải thấy và cho phép thực hiện việc này và ban hành được nghĩa vụ luật cho người hành nghề y.
Từ năm 2010, Hội Y học TP.HCM đã soạn thảo quy chế y đức hội y học. Quy chế này tương tự nghĩa vụ luật nhưng hồi đó chúng tôi đã gửi bản quy chế này đi nhiều nơi, từ Quốc hội đến Chính phủ, Bộ Y tế để xin ý kiến song đến nay vẫn chưa có phản hồi. Từ năm 2011, Luật khám bệnh, chữa bệnh có hiệu lực thi hành nhưng luật này chủ yếu đi vào quản lý nhà nước đối với những vấn đề hành nghề nhiều hơn là nghĩa vụ của người bác sĩ khi hành nghề nói chung.
Bộ Y tế đang xem xét... Trao đổi với Tuổi Trẻ ngày 31-10, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Bộ Y tế Phạm Văn Tác cho biết gần đây đã có một số ý kiến đề nghị thành lập nghiệp đoàn bác sĩ. Bộ Y tế đang xem xét những văn bản liên quan, xem tính hợp pháp của việc thành lập nghiệp đoàn nghề nghiệp, trước khi có quyết định. Theo ông Nguyễn Huy Quang - vụ trưởng Vụ Pháp chế Bộ Y tế, theo các quy định hiện hành thì nghiệp đoàn không có trong hệ thống hội nghề nghiệp ở VN mà chỉ có hiệp hội (của doanh nghiệp) và hội của các cá nhân. Tuy nhiên ông Quang cho rằng đây chỉ là cách gọi khác nhau, vì thực chất nghiệp đoàn và đoàn của các nghề nghiệp cũng tương tự hội nghề nghiệp hiện đã có như hội nhãn khoa, hội ngoại khoa, hội tim mạch, hội hành nghề y tư nhân... Tuy nhiên, ông Quang cho rằng các hội này chỉ thật sự hoạt động và phát huy được vai trò của mình nếu tự sống độc lập với Nhà nước, không dựa vào ngân sách, do chính những bác sĩ đang hành nghề tự nguyện và có tâm huyết với nó. Bên cạnh đó, hội phải bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các thành viên, đồng thời đấu tranh trong nội bộ về những vi phạm về y đức, những yếu kém, sai sót về chuyên môn y tế, cùng nhau nâng cao tay nghề và kỹ năng nghề nghiệp. L.ANH |
------------------------------------
* Tin bài liên quan:
Người thầy thuốc càng đáng lên ánCách nào bịt đáy của y đức?Bộ trưởng Bộ Y tế xin lỗi là chưa đủBịt đáy y đức: Nên lập nghiệp đoàn bác sĩCần thí điểm lập y sĩ đoàn ở TP.HCM
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận