Bãi quặng vonfram ở xã Lộc Lâm, huyện Bảo Lâm, tỉnh Lâm Đồng bị đào bới tan nát đất bề mặt để khai thác quặng - Ảnh: Ngọc Minh |
Sau hai tuần thâm nhập, PV báo Tuổi Trẻ phát hiện nhiều mối quan hệ khó hiểu giữa kiểm lâm và những người khai thác quặng trái phép.
Theo giới quặng tặc, đầu năm 2006 khu rừng thuộc xã Lộc Lâm, huyện Bảo Lâm, tỉnh Lâm Đồng (giáp xã Quảng Khê, huyện Đăk Glong, tỉnh Đắk Nông) có một nhóm đào trúng mỏ quặng vonfram lên đến cả chục tấn trên quả đồi rộng gần 10ha.
Thấy có người trúng quặng, giới đào quặng chuyên nghiệp ùn ùn kéo về. Thậm chí người dân nghe tin cũng đổ xô vào đào đãi quặng.
Thời điểm đó, bãi quặng lên tới vài trăm người khai thác. UBND huyện Bảo Lâm phải thành lập nhiều đoàn liên ngành, tổ chức nhiều đợt truy quét lớn, trong đó có cả lực lượng quân đội đóng chốt ngay tại bãi quặng vào năm 2007 để kiểm soát tình hình, đẩy đuổi quặng tặc ra khỏi rừng.
Kể từ đó giới quặng tặc đặt biệt danh cho bãi quặng là “núi cấm”. Tưởng rằng đã trở thành núi cấm thì “ngoại bất nhập, nội bất xuất” nhưng thực tế cho thấy vẫn có những nhóm quặng tặc thường xuyên lên “núi cấm” để khai thác quặng, dù ở đây có kiểm lâm chốt chặn dưới chân núi suốt 24/24 giờ.
Đại công trường
Kim loại quý hiếm Quặng vonfram được xếp vào loại kim loại quý hiếm, rất cứng và nặng, có màu xám đến màu trắng thiếc. Trong tất cả kim loại nguyên chất, vonfram có điểm nóng chảy cao nhất (3.422°C), áp suất hơi thấp nhất và độ bền kéo lớn nhất. Vonfram được dùng trong rất nhiều ứng dụng thương mại, công nghiệp và quân sự. Đặc biệt là trong ứng dụng chiếu sáng, điện tử, điện, đốt nóng và hàn. Giá quặng vonfram thô lúc cao điểm lên tới 260.000 đồng/kg, giá trung bình từ 180.000-200.000 đồng/kg. Ở nước ta, quặng vonfram tập trung chủ yếu tại các tỉnh phía Bắc như Thái Nguyên, Tuyên Quang... và một trữ lượng nhỏ ở một số tỉnh thành khác tại khu vực miền Trung, Tây nguyên. |
Bãi quặng vonfram nằm giáp ranh với thủy điện Đồng Nai 3 (xã Quảng Khê). Nhiều năm nay khu này bị cơ quan chức năng kiểm soát gắt gao.
Tuy nhiên, thời điểm cuối tháng 12-2014, ở đây luôn có sáu nhóm quặng tặc hoạt động lên tới 60-70 người, đóng nhiều lán trại nằm rải rác dưới chân “núi cấm”.
Trước khi vào bãi quặng, chúng tôi được một người quen cảnh báo: “Giờ thằng nào có máu mặt mới trụ lại được ở núi cấm. Thằng nào lơ mơ vào làm ăn là bị đập chết liền”.
Theo ông này, những nhóm có máu mặt là nhóm ông Sinh, ông Giáp, ông Tân, ông Hàm, ông Nam và Tài “điên”. Các nhóm đều khai thác quặng về đêm.
17g ngày 16-12, tại lán của ông Sinh, 11 quặng tặc bắt đầu chuẩn bị “đồ nghề”, đợi đêm xuống là kéo quân lên khu đồi cấm.
Quy, người nhóm ông Sinh, giải thích: “Máy nổ, ống nhựa, dầu được giấu kỹ trên đỉnh núi rồi. Giờ chỉ cần mang đèn pin đội đầu, xà beng, xẻng, bao tải, đồ ăn lên”.
Ít phút sau, các quặng tặc phân công đi lấy 90 lít dầu, hai máy nổ và cả chục ống nhựa giấu trong rừng. Trên đường leo lên đỉnh “núi cấm” dài khoảng 900m, chúng tôi nhận ra hàng trăm giếng quặng sâu tới 30m chi chít khắp quả đồi.
Tới 19g, cả khu đồi bắt đầu vang lên tiếng xình xịch của hơn chục chiếc máy nổ của bốn nhóm quặng tặc. Nước phun ra xối xả.
Các chủ cai la hét, chỉ đạo nhân công dùng vòi rồng xịt thẳng vào những ụ đất ngậm quặng. Vòi rồng xịt tới đâu, 6-7 quặng tặc dùng xà beng chọc liên tục tới đó. Đất cứng vỡ ra từng mảng lớn được vòi rồng thổi xuống một đường mương dài 500m đã đào sẵn, có kè bằng tre nứa cẩn thận.
Tiếng ông Sinh quát át tiếng nước: “Bọn mày chọc nhanh lên, từ giờ tới sáng phải kiếm ít nhất 2 tạ mới có ăn”.
Cứ vậy, tiếng máy, tiếng người la hét suốt trên đỉnh đồi, ánh sáng đèn pin của gần 50 quặng tặc chẳng khác một đại công trường nhộn nhịp. Làm sát rạt bên nhóm ông Sinh là nhóm ông Hàm, ông Hà, ông Tân. Các nhóm này cũng huy động cả chục người làm cấp tập.
Trời rạng sáng, từ vị trí khai thác có thể thấy trạm kiểm lâm đóng ngay dưới chân núi, chỉ cách khoảng 300m đường chim bay.
Liên tiếp ba ngày 15, 16 và 17-12 các nhóm thay nhau khai thác nhộn nhịp trên đỉnh “núi cấm” nhưng không hề có động thái ngăn chặn nào từ kiểm lâm.
Lán trại của quặng tặc đóng dưới chân “núi cấm” - Ảnh: Ngọc Minh (cắt từ clip) |
“Sắp có công an vào”
Các quặng tặc cho biết bất cứ khi nào “có động” như công an hoặc đoàn truy quét vào nơi khai thác quặng thì đều có người báo tin.
Khoảng 8g sáng 18-12, 10 quặng tặc của nhóm ông Tân đang nấu ăn trong lán để chuẩn bị đi khai thác quặng thì bất ngờ thấy hai con chó chạy xộc vào lán.
Một quặng tặc nói lớn: “Anh em, có khách quý”. Vừa dứt lời thì thấy ông Quân (được cho là tiểu khu trưởng trạm kiểm lâm đóng dưới chân “núi cấm”) và ông Phong (hỗ trợ viên kiểm lâm từ rừng) đi vào.
Ông Tân cười tươi chào: “Bố tới chơi”. Ông Quân không nói gì, chỉ tay lên phía dòng quặng, nơi nửa quả đồi rộng tới 4ha của nhóm ông Tân bị cày phá tan nát, nói: “Làm ăn sao rồi?”. Ông Tân xởi lởi: “Kiếm ít quặng xái thôi bố ơi”.
Đứng nói chuyện được ít phút, ông Quân leo lên giường tre trong lán của ông Tân nằm, ông Phong ngồi kế bên, đứng quanh là gần chục quặng tặc. Một lúc sau, ông Quân nói tiếp: “Sắp có công an vào.
Công an vào ở trong đây luôn đấy. Xem máy móc thế nào, tìm chỗ mà giấu đi”. Một quặng tặc hỏi: “Công an nào hả bố? Chắc vào được hai ngày lại chạy ra chứ gì”. Ông Quân trả lời: “Có một thằng mới, đợt này không phải mấy thằng cũ. Chắc tuần tới sẽ vào”.
Sau khi nằm trong lán bàn bạc đủ thứ chuyện, ông Quân và ông Phong cho biết thứ bảy, tức ngày 20-12, ông sẽ ra huyện, thay ca cho ông là kiểm lâm viên khác. Do có công an, đoàn liên ngành có thể truy quét các lán trại nên ông phải rảo một vòng xem xét tình hình.
Lúc ra về, ông Quân nói với theo: “Thôi, chúng mày làm đi, tao còn phải qua lán thằng Sinh và mấy thằng khác rồi về nghỉ trưa là vừa”.
Đêm 18-12, nhóm của ông Hà, ông Sinh, Tài “điên”, ông Tân đột ngột ngừng khai thác trên đỉnh “núi cấm”. Ông Mạnh, trong nhóm ông Sinh, giải thích: “Tao còn lạ gì, gần cuối năm bình bầu kiểm lâm viên xuất sắc rồi, lỡ có chuyện gì thì hỏng ăn”. Nghỉ một đêm, tối 19-12 nhóm ông Sinh lại nổ máy khai thác rền rĩ.
Ông Quân - được cho là tiểu khu trưởng trạm kiểm lâm đóng dưới chân “núi cấm” - vào lán ông Tân sáng 18-12-2014 |
“Mấy sếp nương tay!”
Trưa 20-12, ông Quân và ông Phong rút khỏi trạm, thay ca là ông Mạnh (kiểm lâm viên) và ông Linh (hỗ trợ kiểm lâm viên) túc trực. Dù có “sếp mới” xuất hiện nhưng cả ngày và tối hôm đó, nhóm ông Hà, ông Sinh và ông Tân vẫn cho nổ máy, chặt rừng và xả đất để khai thác quặng.
Sáng 21-12, ông Mạnh mặc đồ kiểm lâm, cầm dao phát rừng cùng ông Linh vào lán trại của quặng tặc. Tới lán ông Hà, cách trạm chỉ 500m thấy gần 10 quặng tặc đang xả đất từ trên đỉnh núi xuống.
Ông Mạnh nắn gân: “Cái này là phá rừng đào quặng, coi chừng mai tao cho bắt hết”. Thấy vậy, ông Hà, ông Chung trong nhóm lại gần nói nhẹ: “Mấy sếp nương tay, bọn em chỉ khai thác lấy chút quặng xái bề mặt thôi”.
Sau một lúc nói chuyện, ông Mạnh xuống giọng, nói: “Chúng mày lo mà làm đi. Tao cho thế là tình cảm lắm rồi, không tao ngắt bây giờ”.
Theo điều tra của phóng viên Tuổi Trẻ, có tất cả năm kiểm lâm viên và năm hỗ trợ kiểm lâm thay ca nhau trực 24/24 giờ tại khu vực quanh “núi cấm”. Luật bất thành văn là cứ tầm 16g, các chủ cai thường lên trạm để dò xét tình hình.
Nếu kiểm lâm “bật đèn xanh”, chủ cai sẽ lập tức gọi điện cho lính sẵn sàng “đồ nghề” lên núi khai thác. Ông Tân tiết lộ: “Nhóm nào cũng vậy, cứ nổ máy là mất 3 triệu đồng chung chi và 500.000 cho các “ăngten” cảnh giới được cài trên những cung đường vào bãi”.
Theo ông Tân, ngoài tiền chung chi còn tiền ăn, tiền dầu, tiền máy móc thiết bị, nếu trừ hết các khoản, mỗi tối một quặng tặc kiếm được hơn triệu đồng.
Một thỏi đá ngậm quặng vonfram được quặng tặc khai thác trên đỉnh “núi cấm” |
Có ba đầu nậu lớn chuyên thu mua quặng tại bãi là ông Mạnh, ông Giáp và ông Đức. Theo các đầu nậu, giá mua ngay tại bãi là 160.000 đồng/kg. Nếu đưa hàng ra TP Bảo Lộc hay ngã ba Tân Rai (huyện Bảo Lâm) sẽ có giá 165.000 đồng/kg.
Tuy nhiên, do sợ công an bắt hàng dọc đường nên hầu hết các nhóm đều bán quặng tại bãi cho các đầu nậu. Trước đó sáng 19-12, đầu nậu tên Mạnh đứng sẵn gần trạm kiểm lâm để đợi mua hàng của nhóm ông Sinh.
Khi thấy ông Sinh vác hàng đi xuống chân núi, ông Mạnh xem qua quặng cười: “Bữa nay hàng đẹp đấy”. Lát sau ông Mạnh đang buộc hai bao quặng chất lên xe thì gặp ông Hà và ông Tân lên trạm thăm dò tình hình. Ông Mạnh chở hai bao quặng nặng 120kg về hướng đập thủy điện. Bao thứ ba nặng 60kg ông Mạnh đem giấu ở bìa rừng, gần trạm kiểm lâm.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận