Phiên tòa sơ thẩm xét xử đại án tại Agribank. Phạm Thanh Tân - nguyên tổng giám đốc (hàng thứ hai, giữa) - tại phiên tòa - Ảnh: TTXVN |
Sáng 22-12, ngày làm việc thứ 2 phiên xét xử đại án “vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng, lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ và thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn VN (Agribank), hội đồng xét xử TAND TP Hà Nội tiếp tục thẩm vấn 18 bị cáo.
“Tôi thấy mình không có trách nhiệm gì”
Cáo trạng xác định trong thời gian làm tổng giám đốc Agribank từ năm 2009-2011, ông Phạm Thanh Tân đã ký cho Agribank chi nhánh Nam Hà Nội vay ngoài kế hoạch 75 triệu USD từ tiền của hội sở.
Đổi lại, ông Tân bốn lần nhận từ Phạm Thị Bích Lương (giám đốc Agribank Nam Hà Nội) tổng cộng 310.000 USD.
Ông Tân bị cáo buộc thiếu trách nhiệm trong việc ký tờ trình gửi chủ tịch HĐQT Agribank đề nghị nâng quyền phán quyết tăng thêm 320 tỉ đồng để Agribank Nam Hà Nội cho Công ty cổ phần Lifepro VN vay. Toàn bộ số tiền này đều bị các đối tượng người nước ngoài chiếm đoạt.
Trả lời tòa, ông Phạm Thanh Tân cho rằng mình đã làm đúng, không trái nghị quyết của HĐQT vì “hậu quả đến nay chưa xác định được cụ thể thế nào”.
Ông Tân cũng phủ nhận việc đã nhận 310.000 USD như bị cáo Lương đã khai mà chỉ nhận 60.000 USD do bị cáo Lương và khách hàng đến cảm ơn.
“Tôi cảm thấy mình không có trách nhiệm gì cả. Tôi mạnh dạn ký báo cáo và đề nghị kiểm tra nhưng không ai bảo vệ tôi cả. Hậu quả xảy ra của việc cho vay là điều tất yếu từ năm 2009 cho đến nay” - ông Tân trả lời tòa về trách nhiệm của mình trong việc để Agribank thất thoát hàng ngàn tỉ đồng.
Về cáo buộc thiếu trách nhiệm trong việc để Agribank Nam Hà Nội có nhiều sai phạm, ông Tân nói: “Tôi phải xử lý 17 triệu giao dịch 1 ngày. Tôi không thể nhớ tỉ mỉ một giao dịch nào. Thả gà ra đuổi, tôi không thể đuổi được vì chân tôi mỏi lắm!”.
Theo bị cáo Tân, sau khi nhận chức tổng giám đốc Agribank được ba tháng, ông đã cho tổng kiểm tra tại TP.HCM, Hà Nội và tất cả các chi nhánh của Agribank có khoản vay vượt quyền phán quyết.
Riêng TP Hà Nội thì sau đó HĐQT Agribank cho dừng không kiểm tra nữa. Do đó việc sai phạm tại các chi nhánh, trong đó có chi nhánh Nam Hà Nội, không bị phát hiện.
“Tôi đã ký báo cáo HĐQT Agribank và Ngân hàng Nhà nước về nâng quyền phán quyết, đề nghị thay đổi việc quản lý mô hình cho vay của Agribank, trong đó có nội dung về nâng quyền phán quyết nhưng không ai giải quyết. Khi mà thống đốc Ngân hàng Nhà nước và nghị quyết của HĐQT đã ban hành, tôi phải chấp hành toàn bộ” - ông Tân khai trước tòa.
Cả nể, làm theo chỉ đạo của giám đốc
Agribank thất thoát gần 2.500 tỉ đồng nhưng đứng trước tòa, đa số bị cáo nguyên là lãnh đạo, nhân viên Agribank đều cho rằng mình đã làm đúng, không phải chịu trách nhiệm.
Trong khi cựu giám đốc Agribank chi nhánh Nam Hà Nội cho rằng mình đã làm đúng chức năng, nhiệm vụ thì các nhân viên của chi nhánh này khai đã phát hiện hồ sơ giải ngân cho Công ty cổ phần Lifepro VN có một số sai phạm nhưng giám đốc vẫn chỉ đạo bắt buộc phải làm.
Cáo trạng thể hiện biết Công ty cổ phần Enzo Việt đã hết hạn mức cho vay nên Phạm Thị Bích Lương đã tìm mọi cách lách luật cho công ty này được vay thêm tiền.
Lương là người đã chỉ đạo cấp dưới giới thiệu Lê Minh Hiếu (đại diện pháp nhân của hai công ty cổ phần Lifepro VN và Vietmade) gặp gỡ, bàn bạc, thống nhất với lãnh đạo Công ty cổ phần Enzo Việt ký hợp đồng hợp tác kinh tế, mục đích sử dụng các hợp đồng này để tiếp tục vay vốn của ngân hàng.
Trên danh nghĩa, Lê Minh Hiếu nhận nợ với Agribank Nam Hà Nội 470 tỉ đồng nhưng toàn bộ số tiền này được chuyển ra nước ngoài để nhập nguyên liệu cho Công ty cổ phần Enzo Việt sản xuất.
Thực tế các đối tượng người nước ngoài đã chiếm đoạt số tiền này và nguyên vật liệu không được nhập về VN.
Đứng trước tòa, bị cáo Lê Minh Hiếu không thừa nhận việc chỉnh sửa hồ sơ pháp lý, tạo lãi khống cho hai công ty để đủ điều kiện vay vốn mà đó là việc của ngân hàng:
“Bị cáo làm hồ sơ theo hướng dẫn của cán bộ ngân hàng. Quy định ngân hàng bị cáo không hiểu. Quyền cho vay là thuộc ngân hàng, khi ngân hàng thấy hợp đồng kinh tế có hiệu quả, kiểm soát được đồng vốn thì ngân hàng sẽ cho vay”.
Mặc dù không thừa nhận sai phạm nhưng Phạm Thị Bích Lương thừa nhận đã nhận 1 tỉ đồng tiền “cảm ơn” của Lê Minh Hiếu từ việc giải ngân. Tuy nhiên sau đó bị cáo đã chuyển trả lại cho Hiếu số tiền này.
Hôm nay 23-12, phiên tòa tiếp tục với phần xét hỏi.
Giám đốc chỉ đạo thì phải thực hiện Trả lời trước tòa, bị cáo Đỗ Tiến Long (40 tuổi, cán bộ phòng tín dụng Agribank Nam Hà Nội) thừa nhận việc mình có một phần trách nhiệm trong việc để ngân hàng mất tiền nhưng là vì nghiệp vụ non kém và “cả nể, tuân thủ chỉ đạo của giám đốc”. Khóc trước vành móng ngựa, bà Trương Thị Út (48 tuổi, nguyên phó trưởng phòng tín dụng Agribank Nam Hà Nội) khai: “Giám đốc (Phạm Thị Bích Lương) chỉ đạo bị cáo giải ngân cho Công ty cổ phần Enzo Việt vay 50 triệu USD. Giám đốc chỉ đạo qua điện thoại vì đi công tác. Bị cáo không đồng ý giải ngân vì kiểm tra hồ sơ thiếu báo cáo thẩm định và thiếu nhiều hồ sơ khác, bị cáo đã báo cáo nhưng giám đốc vẫn chỉ đạo giải ngân. Giám đốc nhắn rõ vào điện thoại bị cáo “cứ cho nhận nợ, em chịu trách nhiệm hoàn toàn”. Theo nghị quyết của Agribank, giám đốc đã chỉ đạo thì nhân viên phải thực hiện” . |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận