20/12/2013 07:57 GMT+7

Nợ doanh nghiệp nhà nước đe dọa nợ công

CẦM VĂN KÌNH
CẦM VĂN KÌNH

TT - Tại hội thảo về điều hành kinh tế vĩ mô 2014-2015 do Học viện Chính sách phát triển, Bộ Kế hoạch và đầu tư tổ chức ngày 19-12, TS Phạm Thế Anh - quyền viện trưởng Viện chính sách công và quản lý Đại học Kinh tế quốc dân Hà Nội - cho rằng dù nợ công của VN theo công bố của Bộ Tài chính đã lên đến 55,7% GDP nhưng rủi ro lớn nhất lại không phải từ những khoản được ghi rõ trên sổ sách mà ở doanh nghiệp nhà nước (DNNN).

Ông Thế Anh liệt kê tới 30 DNNN đang có hệ số nợ phải trả vượt xa mức ba lần vốn chủ sở hữu, trong đó có nhiều cái tên lớn như Tổng công ty Xây dựng Thăng Long, Tổng công ty 319 Bộ Quốc phòng, Tổng công ty Viglacera, Tổng công ty Sông Đà, Tổng công ty Giấy... Đáng lưu ý, Tổng công ty Lắp máy VN có hệ số nợ trên vốn chủ sở hữu đã lên tới trên 53 lần, Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 8 lên tới trên 20 lần... Ông Thế Anh cho rằng khi các DNNN không trả được nợ, rất có thể Nhà nước phải dùng ngân sách trả thay (ví dụ như khoản vay 600 triệu USD của Vinashin hay khoản nợ của Tổng công ty Phát triển nhà và đô thị HUD). VN không đưa những khoản nợ của DNNN (không được Nhà nước bảo lãnh) vào nợ công. Nợ đọng xây dựng cơ bản của các địa phương cũng chưa được tính vào. Nếu tính đủ, ông Thế Anh tính tổng nợ công của VN đã lên tới khoảng 98,2% GDP (khoảng 100 tỉ USD), vượt xa ngưỡng an toàn (65% GDP) được khuyến cáo bởi các tổ chức quốc tế.

Trong khi đó, các số liệu chi tiêu ngân sách của VN, ông Thế Anh nêu “có công khai nhưng chưa minh bạch”, nghĩa là có khoản chi tiêu nhìn vào mà ngay chuyên gia cũng “không hiểu gì cả”. Ông Anh cảnh báo tác động nghiêm trọng nhất của nợ công tăng nhanh, thâm hụt ngân sách cao có thể sẽ khiến một nước chuyển từ tăng trưởng cao sang tăng trưởng thấp và suy thoái.

TS Vũ Đình Ánh (Bộ Tài chính) cũng công nhận về tính khó hiểu trong công bố thu chi ngân sách khi cho biết năm nào chi thường xuyên cũng vượt dự toán, nhưng “chi trả nợ gốc” cũng vượt dự toán cả chục phần trăm. “Không hiểu cái gì đứng sau?” - ông Ánh hỏi.

Ông Lê Xuân Nghĩa - thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia - cũng công nhận nợ trong nước và nước ngoài đều chưa tính khoản nợ xây dựng cơ bản của trung ương và địa phương. Với việc Chính phủ phát hành trái phiếu để vay nợ, ông Nghĩa tiết lộ 80% trái phiếu VN lại do các ngân hàng thương mại mua. Thời gian đến hạn trả nợ ngắn, có khi chỉ vài năm, nên có chuyên gia nước ngoài rùng mình, bởi nó có thể sẽ gây sức ép trả nợ lên Chính phủ.

Đưa thực tế VN đã phải vay để trả nợ, ông Ánh giả định nếu không vay được nữa thì điều gì sẽ xảy ra? “Không vay được nữa thì 1 tỉ USD cũng là vỡ nợ” - ông Ánh nói. Đặc biệt, trong tổng nợ công, vay trong nước không ít, mà lãi suất trong nước khoảng 11-12%/năm, nên gánh nặng trả nợ là lớn. Khi quy mô này tăng lên sẽ phải giảm chi đầu tư và các khoản chi khác. Nợ công như thế nhưng ông Vũ Đình Ánh cho biết hiện “không biết ai có trách nhiệm trả lời về sử dụng nợ công”. Ngay cả khi Cục Tài chính doanh nghiệp yêu cầu 200 doanh nghiệp có vốn nhà nước có nợ lớn báo cáo, kết quả họ không báo cáo cũng không làm gì được.

Cần giảm thuế cho xã hội

Thâm hụt ngân sách, tức chi tiêu nhiều hơn thu, theo TS Phạm Thế Anh, chủ yếu do chi nhiều chứ không phải thu thấp, kể cả năm 2013. Đặc biệt là chi thường xuyên cho bộ máy cứ tăng khoảng 20%/năm. “Chi thường xuyên thường cao hơn gấp ba lần chi đầu tư phát triển” - ông Thế Anh cảnh báo và đề nghị cần cắt giảm. Nêu nợ nước ngoài của VN chủ yếu ở các đồng tiền mạnh như USD, euro..., mười năm qua các đồng tiền này lên giá khoảng 40% so với VND, giá cả ở VN cũng tăng hơn gấp đôi, nên theo ông Anh, “gánh nặng nợ đã được chuyển sang người dân qua thuế lạm phát”. Ông Thế Anh cũng khuyến nghị cần giảm thuế cho xã hội, ngoài ra phải rà soát thuế phí để hai khoản này không chồng lấn lên nhau.

------------------------------------

* Tin bài liên quan:

Doanh nghiệp Nhà nước được bán nợ xấu Doanh nghiệp lỗ, Nhà nước gánh nợ Doanh nghiệp nhà nước phải công khai lỗ, lãi, nợ Chỉ Ngân hàng Nhà nước không thể xử lý triệt để nợ xấu

CẦM VĂN KÌNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên