Giải ngân của 9 địa phương mới đạt 7,23% kế hoạch
9 tỉnh gồm các tỉnh Thái Nguyên, Hà Giang, Tuyên Quang, Cao Bằng, Lạng Sơn, Bắc Kạn, Hòa Bình, Sơn La, Lai Châu.
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Thủ tướng Chính phủ giao tổng kế hoạch vốn đầu tư ngân sách nhà nước năm 2023 cho 9 địa phương nói trên gần 49.000 tỉ đồng, trong đó vốn trung ương là hơn 32.000 tỉ đồng, còn lại là vốn cân đối ngân sách địa phương.
Trong tổng số vốn ngân sách trung ương, còn hơn 7.952 tỉ đồng chưa được các địa phương phân bổ, chiếm 24,8% tổng số vốn được giao.
Về giải ngân, đến hết quý 1-2023, tiến độ giải ngân của 9 địa phương mới đạt 7,23% kế hoạch, thấp hơn mức bình quân của cả nước là 10,35% - theo báo cáo của Bộ Tài chính.
Trong số 9 địa phương, Lai Châu có tỉ lệ giải ngân cao nhất với 10,25%, cao hơn bình quân chung của 14 tỉnh trung du và miền núi Bắc Bộ (9,72%). Cùng với đó, chỉ có Bắc Kạn có tỉ lệ giải ngân vốn ODA đạt 41,16%, trong khi các tỉnh còn lại chưa giải ngân nguồn vốn này.
Về việc chậm giải ngân, lãnh đạo của các địa phương cho biết nguyên nhân phổ biến ở 9 địa phương là do phải mất nhiều thời gian để hoàn thành thủ tục đầu tư, giải phóng mặt bằng, xác định nguồn vật liệu san lấp, chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng, đất lúa sang mục đích khác…
Các địa phương kiến nghị cấp có thẩm quyền tiếp tục đơn giản hóa thủ tục chuẩn bị đầu tư; tách giải phóng mặt bằng ra thành dự án riêng.
Sớm bố trí vốn cho các dự án đã được phê duyệt chủ trương đầu tư; phân cấp cho các địa phương trong chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng, đất lúa; tăng chỉ tiêu đất làm đường giao thông.
Có 4/9 địa phương kiến nghị kéo dài thời gian giải ngân vốn còn lại của năm 2022 sang năm 2023.
Không chậm trễ trong phân bổ vốn được giao
Phát biểu tại cuộc họp, Phó thủ tướng Trần Lưu Quang nhấn mạnh tinh thần chung là từng bộ, ngành, địa phương phải nêu cao trách nhiệm, tích cực cộng đồng trách nhiệm, phối hợp cùng nhau tháo gỡ khó khăn, vướng mắc.
Trong bối cảnh tốc độ giải ngân vốn của địa phương cao hơn so với vốn trung ương, Phó thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành phải quyết liệt hơn, khẩn trương hơn trong tháo gỡ nút thắt về thể chế, trong đó có việc cho ý kiến phối hợp.
Bộ - ngành nào không có ý kiến coi như đã đồng ý và phải chịu trách nhiệm.
Ông yêu cầu địa phương không chậm trễ trong phân bổ vốn được giao, tăng cường trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm trong xử lý những khó khăn, vướng mắc vì cùng một mặt bằng pháp lý, vẫn có những địa phương có tiến độ giải ngân cao.
Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát để kịp tìm "lối ra" cho những khó khăn, vướng mắc ở cơ sở.
Ông cũng lưu ý các địa phương hạn chế tối đa đầu tư dàn trải, phân tán, gây lãng phí nguồn lực, giảm hiệu quả đầu tư, tốn thời gian thực hiện quy trình thủ tục, thậm chí gây rủi ro về công tác cán bộ.
Phó thủ tướng nhất trí với các ý kiến phát biểu về sự cần thiết phải tách giải phóng mặt bằng ra thành dự án riêng và phải thực hiện trước khi thực hiện các dự án đầu tư công. Tăng cường phân cấp cho địa phương trong việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng, đất lúa.
Ông giao Văn phòng Chính phủ bố trí thời gian để họp riêng về chuyên đề chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng, đất lúa ngay trong tuần tới. Đây là một trong những vướng mắc chủ yếu của các địa phương có tỉ lệ rừng cao.
Liên quan các vướng mắc trong 3 chương trình mục tiêu quốc gia, Phó thủ tướng cho hay các bộ, ngành đang nỗ lực phấn đấu trình nghị định sửa đổi nghị định 27 trong tháng 5.
Việc này thực hiện sau khi hoàn tất việc xin chủ trương của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về 3 nội dung chưa có trong quy định của luật. Các văn bản hướng dẫn còn lại sẽ được ban hành trong tháng 4 này.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận