Một số thiết kế ô tô trở thành biểu tượng không chỉ bởi đã trở thành nét đặc trưng mà còn “châm ngòi” cho “cuộc chạy đua thiết kế” giữa các nhà sản xuất - Ảnh: Carbuzz
Nhiều chiếc xe có thể gọi là “kẻ tạo ra xu hướng”. Chẳng hạn lưới tản nhiệt dạng quả thận của BMW có thể thay đổi trong những năm qua, nhưng tổng thể đặc trưng vẫn được lưu giữ khiến người khác nhìn vào khó có thể nhầm lẫn.
Cánh lướt gió đuôi vịt của Porsche
Porsche là thương hiệu đầu tiên đặt cánh lướt gió trên một chiếc xe đường phố, gọi đó là “cánh lướt gió đuôi vịt” dựa trên hình dáng. Chiếc xe đầu tiên sử dụng thiết kế này chính là 911 Carrera RS 2.7 1972. Từ đó, chiếc xe đã xuất hiện nhan nhản trên các tấm poster được dán trong phòng của nhiều cánh mày râu.
Dù sau này cánh lướt gió đuôi vịt còn xuất hiện trên một số mẫu xe khác, nhưng những chiếc Porsche 911 Carrera RS 2.7 vẫn luôn được xem là “cạ cứng” số một của tính năng này - Ảnh: Porsche
Lưới tản nhiệt hình quả thận của BMW
Chiếc xe BMW được trang bị lưới tản nhiệt hình quả thận xuất hiện từ năm 1933. Kể từ đó, lưới tản nhiệt này đã phát triển theo mọi cách mà nhà sản xuất có thể nghĩ ra. Lúc thu nhỏ lại đáng kể trên chiếc 507 đời những năm 1950, rồi được kéo thẳng vào năm 2002, rồi sau đó lại được vuốt cong.
Dù được tinh chỉnh thế nào, lưới tản nhiệt hình quả thận vẫn là nét đặc trưng nhất của thương hiệu, đến mức BMW vẫn đưa lên mẫu xe điện mới nhất dù động cơ điện không cần. Họ có điều chỉnh lại để trở thành một giao diện đặt các cảm biến thay vì lưới tản nhiệt thông thường - Ảnh: Motor1
Cửa cánh chim của Mercedes
Mercedes 300 SL là mẫu xe tiên phong sử dụng cửa cánh chim (Gullwing). 300 SL được trang bị kiểu cửa này không hẳn để gây ấn tượng, mà do khung gầm hình ống khiến chiếc xe không thể sử dụng loại cửa thông thường, mà phải sử dụng đến thiết kế đặc biệt để có thể ra vào dễ dàng hơn.
Nhưng sau này, Mercedes đã biến cửa cánh chim trở thành biểu tượng khi sử dụng cho cả những mẫu xe khác nữa.
Cửa cánh chim không chỉ xuất hiện trên riêng Mercedes 300 SL mà đã trở thành biểu tượng của sự sang chảnh - Ảnh: Mercedes-Benz, Bnktop
Lưới tản nhiệt Pantheon của Rolls-Royce
Nếu xe BMW gắn liền với lưới tản nhiệt dạng quả thận thì Rolls-Royce lại đặc trưng bằng lưới tản nhiệt Pantheon. Thiết kế lấy cảm hứng từ kiến trúc của đền thờ Pantheon huyền thoại với mái hiên bằng những thức cột Corinthian lớn từ đá granite có ảnh hưởng đáng kể đến kiến trúc trong 2.000 năm qua.
Phía trên lưới tản nhiệt là một biểu tượng nổi tiếng khác - Spirit of Ecstasy. Spirit of Ecstasy mô phỏng một phụ nữ đứng một chân, tà áo váy bị gió thổi ngược về phía sau, đưa một ngón tay lên môi như muốn nói “đừng để họ biết” - biểu tượng cho mối tình vụng trộm giữa nàng và người tình không cùng đẳng cấp xã hội.
Lưới tản nhiệt Pantheon đi cùng Spirit of Ecstasy đã trở thành biểu tượng của sự sang trọng - Ảnh: Rolls-Royce
Đèn pha pop-up của Mazda
Mazda không phải hãng đầu tiên sử dụng đèn pha pop-up - có cơ chế “nhắm, mở” như một đôi mắt thực thụ, nhưng họ đã “phủ sóng” công nghệ này đi xa hơn cho đến khi bị cấm cản. Đèn pha pop-up đã trở thành nét đặc trưng của Miata MX-5, tạo cho mẫu xe cảm giác như mang một khuôn mặt sống động.
Theo Carbuzz, một trong những nuối tiếc gây thương nhớ nhất với thiết kế xe hơi đương đại là sự biến mất của đèn pha pop-up do các quy định an toàn - Ảnh: Should I Get It Reviews/YouTube
Ăng ten vây cá mập của Cadillac
Cadillac chính là kẻ đã thổi bùng lên cuộc chạy đua thiết kế ăng ten vây cá mập khi tung ra chiếc Sixty-Two Coupe deVille vào năm 1948. Các nhà sản xuất ô tô khác đã thi nhau đưa tính năng này lên xe với lý do có thể giúp tăng độ ổn định cho xe khi chạy ở tốc độ cao.
Cadillac cũng là kẻ đã kết thúc cuộc chạy đua cho ra lò những ăng ten vây cá mập hoành tráng bằng chiếc Cadillac Sixty-Two 1959.
Sau năm 1960, kích thước các vây của Cadillac giảm dần cho đến khi biến mất vào năm 1965. Đến những năm 1970, tính năng này biến mất hoàn toàn trên mọi mẫu xe mới khác.
Cadillac vừa là người thổi lửa vừa là kẻ dập lửa trong việc trang bị ăng ten vây cá mập cho xe ô tô - Ảnh: Raleigh Classic
Cụm đèn hậu tròn của Ferrari
Ferrari không phải cái tên đã nghĩ ra thiết kế cụm đèn hậu tròn, nhưng nhà sản xuất siêu xe Ý đã đưa thiết kế này trở thành biểu tượng.
Chúng xuất hiện lần đầu trên những chiếc xe Ferrari cách đây 50 năm, trên Dino 206, sau đó là 364 GTB/4.
Cụm đèn hậu tròn sinh ra từ quan điểm thiết kế đơn giản nhưng phải đủ ấn tượng để ai cũng có thể nhận ra đuôi xe Ferrari ngay lập tức.
Nhưng rồi, cụm đèn hậu này cũng dần xuất hiện trên các xe của thương hiệu khác, ngụ ý cho tính thể thao và cảm giác cao cấp, như Chevrolet Corvette hay Nissan Skyline.
Thỉnh thoảng Ferrari có thay đổi thiết kế, khi sử dụng một đèn hậu hình tròn duy nhất mỗi bên thay vì hai, hoặc “nắn” lại để nghiêng về hình bầu dục hơn như trên SF90, song chung quy tất cả vẫn chỉ là sản phẩm phái sinh từ thiết kế cụm đèn tròn đôi nổi tiếng - Ảnh: Ferrari
Đường gấp khúc Hofmeister Kink của BMW
Không nổi tiếng bằng lưới tản nhiệt quả thận, nhưng đường gấp khúc Hofmeister Kink cũng đã trở thành một phần trong ngôn ngữ thiết kế của BMW kể từ BMW Neue Klasse năm 1961.
Đường gấp khúc Hofmeister Kink là phần viền cong của ô kính bên nằm sát với cột C hoặc cột D, lấy theo tên của chính người sáng tạo ra - Wilhelm Hofmeister, người đứng đầu bộ phận thiết kế của BMW những năm 1955-1970.
Thiết kế này rõ nhất trên các bản coupe, nhưng thực tế có xuất hiện trên mọi mẫu xe khác của BMW.
Đáng tiếc, thiết kế này trên thế hệ BMW 3-Series hiện tại hết sức mờ nhạt. Có thể đây là dấu hiệu cho sự biến mất của một thiết kế biểu tượng trong tương lai - Ảnh: BMW
“Bóng” Porsche 911
Trải qua thời gian, các thế hệ đã trải qua những thay đổi cơ học mạnh mẽ, nhưng kiểu dáng chung như thể luôn di chuyển về phía trước vẫn được giữ nguyên.
Nhìn từ bên hông, người ta luôn có thể nhận ra đó là một chiếc Porsche 911 với mái vòm thanh lịch chạy dọc từ đầu kính chắn gió đến đuôi xe. Cùng với tấm chắn bùn “nối” với đèn pha tròn, tất cả tạo nên cái dáng mang tính biểu tượng không thể nhầm lẫn.
Một số người có thể nói rằng VW Beetle cũng có dáng tương tự, song mui xe dài đã tạo nên sự khác biệt. Dù thế nào, chẳng ai có thể nhầm lẫn 911 với Beetle cả - Ảnh: Porsche
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận