14/10/2010 07:18 GMT+7

9 ngư dân Lý Sơn đang ở đâu?

TẤN VŨ - ĐOÀN CƯỜNG
TẤN VŨ - ĐOÀN CƯỜNG

TT - Đến chiều tối 13-10, mọi thông tin liên lạc giữa đất liền với chín ngư dân trên tàu QNg-66478 TS của thuyền trưởng Mai Phụng Lưu (40 tuổi, thôn Tây, xã An Hải, Lý Sơn, Quảng Ngãi) mà Trung Quốc thông báo đã trả về từ 11-10 vẫn chưa được kết nối.

33 thợ mỏ và 9 ngư dân

t2oI2yHs.jpgPhóng to
Gánh nặng gia đình đang đè nặng lên vai chị Phạm Thị Lan khi chồng chị, thuyền trưởng Mai Phụng Lưu cùng các con trên con tàu QNg 66478 TS - Ảnh: TẤN VŨ

Chính quyền huyện Lý Sơn, thông qua máy liên lạc ICOM, nhờ các tàu cá Quảng Ngãi đang đánh bắt trên khu vực biển Hoàng Sa tìm kiếm, cứu hộ tàu QNg-66478 TS nhưng vẫn chưa tìm thấy.

Quá sức chính quyền huyện

Ông Nguyễn Văn Lê, trưởng Phòng kinh tế hạ tầng nông thôn huyện Lý Sơn cho biết mấy ngày nay cán bộ phòng liên tục liên lạc với các gia đình người thân để nắm thông tin nhưng chính quyền chưa có chính sách gì hỗ trợ gia đình các ngư dân này và đang chờ ý kiến của tỉnh. Theo ông Lê, hiện có bốn máy ICOM trên đảo phát sóng lúc 7g và 19g để nắm thông tin, tình hình các tàu cá trên biển.

Ông Võ Xuân Huyện, chủ tịch UBND huyện đảo Lý Sơn, cho biết: “Lâu nay nếu ngư dân được thả về bằng đường bộ hoặc đường hàng không thì mình có người ra đón. Còn nếu ngư dân được thả về bằng đường biển thì khi tàu về đến cảng, ngư dân làm việc với biên phòng rồi tự về nhà”. Cũng theo ông Huyện, chính quyền huyện không thể cử và không có phương tiện, tàu thuyền đi qua tận nơi các ngư dân bị bắt để đón họ về vì không có chi phí. Hơn nữa đấy là vùng biển có tranh chấp nên mọi việc quá sức của chính quyền huyện mà phải nằm ở cấp Chính phủ.

vzSDaHII.jpgPhóng to
Nhiều ngày qua, bà Phạm Thị Lan vẫn thấp thỏm ra biển ngóng tin. Chiều tối 13-10, dù trời mưa to bà Lan vẫn đội áo mưa ra biển đợi chồng - Ảnh: Đoàn Cường

Nỗi đau khi bị bắt

Tìm gặp các ngư dân từng bị bắt và thả về tại đảo Lý Sơn, chúng tôi thấy hầu hết họ đều rất ngao ngán chuyện bị Trung Quốc bắt giữ. Ngư dân Dương Hưởng, đi trên tàu QNg-6597 TS, bị bắt ngày 16-6-2009, chưa hết bàng hoàng khi nhớ về những ngày tháng bị giam cầm. Ông Hưởng kể lại: “Nhà giam là căn nhà bịt bùng chỉ có một lỗ nhỏ thông gió. Có quạt điện nhưng không có phòng vệ sinh và phòng tắm. Điện được thắp sáng suốt ngày đêm, chúng tôi không thấy mặt trời”.

Ngư dân Dương Thành Vinh (thôn Tây, An Hải), chủ tàu QNg-6364TS bị bắt tháng 6-2009, là người bị giam chung với ông Hưởng, nhớ lại: “Mỗi ngày họ cho ăn hai chén cơm, ăn với bún xào đu đủ, mỗi tuần một bữa canh rau”.

Ông Hưởng cho biết khi thả tàu QNg-6597 TS về, phía Trung Quốc hút hết dầu máy, chỉ chừa đủ lượng dầu và thức ăn để các ngư dân chạy về Việt Nam. Tất cả ngư cụ, ICOM, điện đàm, định vị, bình hơi, dây lặn... đều bị tịch thu hoặc phá hỏng. “Họ chỉ cho chúng tôi cái la bàn để định hướng mà đi về Việt Nam. Nếu không phải là ngư dân kỳ cựu, không nhìn bọt nước, nhìn sóng, dễ đi lạc như chơi” - ông Hưởng nói.

Ông Hưởng còn cho biết hiện khoản nợ hơn 250 triệu đồng của gia đình ông trong lần bị bắt vẫn chưa thể trả được.

nylknMwG.jpgPhóng to
Từ ngày được tin tàu cá của ông Mai Phụng Lưu được thả, nhiều người dân trên đảo Lý Sơn, hàng xóm của ông Lưu vẫn chờ đợi tàu của ông trở về từ biển khơi - Ảnh: Đoàn Cường

Trung tướng Trần Quang Khuê:

Trao đổi với Tuổi Trẻ chiều 13-10, trung tướng Trần Quang Khuê - phó tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, phó chủ tịch thường trực Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn - cho biết vẫn chưa liên lạc được với tàu cá QNg-66478 TS và chín ngư dân Việt Nam được phía Trung Quốc thông báo trả tự do chiều 11-10.

Trung tướng Khuê cho biết bản thân ông “cũng đang sốt ruột và đề nghị bộ đội biên phòng tìm mọi cách liên lạc nắm thông tin về tàu cá trên”. Theo ông Khuê, phía Trung Quốc thông báo thả chín ngư dân trên tàu cá QNg-66478 TS nhưng không bàn giao cho Việt Nam.

Thông tin từ Bộ Ngoại giao thông báo sang Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn cũng chỉ cho biết là đã thả chín ngư dân trên, không có thông tin cụ thể về máy thông tin liên lạc, tình trạng dầu, nước trên tàu của ngư dân. Trung tướng Khuê cho rằng việc thả ngư dân trên biển nhưng không bảo đảm về mặt thông tin là rất nguy hiểm cho sinh mạng của các ngư dân.

Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Việt Nam ngày 13-10 cho hay cũng đang tìm mọi cách để nắm bắt tình hình của chín ngư dân Quảng Ngãi bị phía Trung Quốc bắt ngày 11-9, thả ngày 11-10.

Ông Nguyễn Tấn Trung, trưởng phòng quan hệ lãnh sự (Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao), cho biết phía Trung Quốc khẳng định đã thả tàu cùng chín ngư dân, đồng thời cung cấp đầy đủ lương thực, thuốc men cho tàu về. Còn người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nguyễn Phương Nga nói: “Không phải trường hợp nào phía Việt Nam cũng có thể đưa người sang đón ngư dân. Trong trường hợp này, phía Trung Quốc bắt giữ tàu và ngư dân tại Hoàng Sa, sau đó lại thả từ Hoàng Sa”.

Tối 13-10, ông Nguyễn Việt Thắng, chủ tịch Hội Nghề cá Việt Nam, cho Tuổi Trẻ biết hội đã nắm được thông tin về việc chín ngư dân Quảng Ngãi được phía Trung Quốc thả từ ngày 11-10 nhưng đến nay vẫn chưa nắm được tin tức gì vế số phận của họ.

Theo ông Thắng, trong các trường hợp ngư dân bị bắt giữ khi hoạt động hợp pháp trên vùng biển Việt Nam, trách nhiệm của Hội Nghề cá là đấu tranh, kiến nghị các cơ quan chức năng can thiệp để bảo vệ quyền lợi chính đáng của ngư dân. Đối với vụ việc lần này, hội đã đấu tranh và cùng với sự can thiệp của các cơ quan chức năng Việt Nam, chín ngư dân Việt Nam đã được thả vô điều kiện.

Sau khi thả, việc tiếp nhận và giúp đỡ ngư dân trở về địa phương thuộc trách nhiệm của Bộ Ngoại giao và chính quyền địa phương.

TẤN VŨ - ĐOÀN CƯỜNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên