17/12/2013 10:40 GMT+7

"77 việc cấm phụ nữ": nên khuyến khích, không nên cấm

Luật sư NGUYỄN THỊ MINH HUYỀNĐoàn luật sư TP.HCM
Luật sư NGUYỄN THỊ MINH HUYỀNĐoàn luật sư TP.HCM

TTO - Danh mục 77 việc làm cấm sử dụng lao động nữ mục đích là bảo vệ quyền lợi nữ giới nhưng quy định này thiếu tính khả thi và còn gây nguy cơ tăng tỉ lệ thất nghiệp của nữ giới.

9Xbob8a9.jpgPhóng to
Những người phụ nữ làm nghề nặng nhọc tại mỏ khai thác đá - Ảnh tư liệu Tuổi Trẻ

Lao động nữ chỉ được lái xe khách?“77 việc phụ nữ không được làm”: Không phù hợp thực tế77 việc phụ nữ không được làm

Mặc dù quy định của Thông tư 26/2013/TT-BLĐTBXH thể hiện quan điểm là bảo vệ quyền lợi của người lao động nữ, góp phần bảo vệ sức khoẻ, khả năng lao động của họ nhưng lại chưa thực sự hợp lý và thực tiễn áp dụng cũng sẽ không được thuận lợi.

Danh mục 77 ngành nghề cấm đối với lao động nữ ban hành kèm theo Thông tư 26/2013 sẽ làm nảy sinh nhiều ảnh hưởng về mặt xã hội cũng như quyền lợi của người lao động nữ.

Trên thực tế có một lượng không nhỏ người lao động nữ đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn cả về mặt thể chất lẫn tinh thần để thực hiện một số công việc có trong danh mục công việc không được sử dụng lao động nữ và có mong muốn được thuê mướn làm các công việc đó. Hơn nữa, hiện nay, còn rất nhiều người phụ nữ làm các công việc thuộc danh mục cấm này và hầu hết họ là những người có thu nhập thấp, trình độ dân trí không cao, khó có khả năng tìm được các công việc khác phù hợp với giới tính.

Nay khi pháp luật không cho phép việc thực hiện các công việc này, những người phụ nữ đó có khả năng lâm vào tình trạng thất nghiệp rất cao và khó lòng đảm bảo cuộc sống. Do đó, pháp luật không nên tước đi quyền được lựa chọn công ăn việc làm của người lao động nữ trong trường hợp họ có nhu cầu và thoả mãn đầy đủ năng lực.

Đối với đơn vị sử dụng lao động cũng sẽ bị ảnh hưởng. Các doanh nghiệp, hợp tác xã... có nhu cầu thuê mướn người lao động làm các công việc trong danh mục cấm sẽ bị động, lúng túng trong vấn đề quản lý người lao động và việc thuê mướn, giải quyết việc làm cho người lao động nữ sẽ trở nên khó khăn hơn trước đây

Ngoài ra, theo Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), Việt Nam có khoảng 72% phụ nữ tham gia lực lượng lao động và tỷ lệ này cao hơn phần lớn các nước khác trên toàn cầu. Việc cấm phụ nữ làm một số công việc trong danh mục sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến nguồn cung của lực lượng lao động, ảnh hưởng đến sự phát triển nền kinh tế Việt Nam. Hơn nữa, khi Việt Nam không còn là một môi trường có nguồn nhân công dồi dào thì việc thu hút đầu tư nước ngoài cũng trở nên khó khăn hơn.

Do đó, chúng tôi cho rằng Nhà nước không nên cấm hoàn toàn mà chỉ nên khuyến khích những đối tượng được quy định tại Thông tư 26/2013 không nên thuê mướn người lao động nữ thực hiện các công việc có tính chất nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thuộc danh mục ban hành kèm theo. Trên cơ sở đó vẫn đảm bảo được quyền lợi của người lao động nữ và phù hợp với tình hình kinh tế - xã hội, điều kiện thực tiễn của đất nước và người lao động hiện tại.

Ngoài ra, thông tư này cũng chỉ được áp dụng trong các trường hợp có quan hệ lao động và đối với các đối tượng là các cơ quan, doanh nghiệp, tổ chức, hợp tác xã, hộ gia đình, cá nhân có sử dụng lao động nữ. Còn đối với các trường hợp tự quản thì Thông tư này không điều chỉnh. Quy định này trên thực tế chỉ có thể áp dụng được đối với các quan hệ lao động có giao kết hợp đồng lao động bằng văn bản. Còn đối với các quan hệ lao động mà pháp luật không bắt buộc giao kết hợp đồng lao động bằng văn bản như công việc tạm thời có thời hạn dưới 3 tháng, các cơ quan quản lý lao động khó có thể kiểm tra, thanh tra, giám sát và xử lý trong trường hợp có vi phạm xảy ra.

Như vậy, thực tế cơ quan quản lý lao động cũng không thể quản lý được hết các quan hệ lao động trong xã hội, có doanh nghiệp sử dụng lao động nữ vào việc nặng nhọc, nguy hiểm thì bị xử phạt nhưng chỗ khác thì lại sử dụng bình thường mà không bị chế tài. Điều đó cho thấy cơ quan chức năng chỉ mới nắm được “người có tóc", khiến quy định cấm của pháp luật lại không được áp dụng công bằng, bình đẳng cho tất cả mọi người.

Luật sư NGUYỄN THỊ MINH HUYỀNĐoàn luật sư TP.HCM
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên