Phóng to |
Ngân hàng thế giới dự tính: tình trạng nghèo khổ ở đô thị Việt Nam sẽ tập trung chủ yếu ở nhóm người nhập cư và trong vòng hai thập kỷ tới, mỗi năm sẽ có khoảng 1 triệu người rời nông thôn ra thành phố.
Đây cũng là những nhận định trong báo cáo nghiên cứu về người lao động nhập cư ở Việt Nam do Actionaid thực hiện, công bố trong Ngày gặp mặt tổng kết tháng đoàn kết vì người nghèo (4/12/2005) tổ chức tại Hải Phòng.
Kết quả phỏng vấn công nhân từ các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ ra Hà Nội tìm việc cho thấy: khi lựa chọn doanh nghiệp vào làm việc, 45% lao động thiếu thông tin về tiền lương, 40% thiếu thông tin về yêu cầu kỹ năng tay nghề; 55% chưa hề được đào tạo nghề, 36% được đào tạo nghề may và 8% được đào tạo các nghề khác; 62% người ra thành phố làm việc là do gia đình cần tiền, 72% muốn kiếm được nhiều tiền hơn ở nhà...
Với hành trang, trình độ học vấn cũng như kỹ năng tay nghề hạn chế như vậy, họ rất khó khăn trong tìm kiếm việc làm, ổn định cuộc sống nơi đô thị.
Trong số 737.500 công nhân đang làm việc tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, 70% là người lao động nhập cư và 60% là phụ nữ.
Tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, các nhà máy thuộc ngành da giầy và dệt may chiếm số lượng lớn. Vào những tháng cao điểm, các doanh nghiệp trong lĩnh vực này thường tổ chức tăng ca thêm 4 giờ/ngày.
Như vậy một năm, trung bình người lao động phải làm thêm 400- 600 giờ. Điều kiện lao động không thuận lợi cùng với ngày làm việc kéo dài đã ảnh hưởng không nhỏ tới sức khoẻ và tinh thần của công nhân. Theo kết quả điều tra tại Hà Nội, 36% công nhân đánh giá rằng tiếng ồn có tác động nhiều đến người lao động; 36% cho rằng nhiệt độ bụi và hơi khí độc có tác động xấu đến họ...
Công nhân ở Hải Phòng than phiền họ bị mắng và phạt tiền nếu nói chuyện với đồng nghiệp trong giờ làm việc hoặc đi vệ sinh hơn một lần/một ca; giờ nghỉ trưa thường rất ngắn. Tuy làm việc vất vả, thời gian làm việc kéo dài nhưng một tỷ lệ lớn công nhân có thu nhập thấp hơn ngưỡng nghèo khổ chung của quốc tế (1USD/ngày); 50% công nhân ở Hải Phòng và 22% công nhân ở Hà Nội...chủ yếu có mức thu nhập dưới 2 USD/ngày.
Chị Lê Thị Tuyền, công nhân trong khu công nghiệp tại Đà Nẵng tâm sự: mức lương của tôi rất bấp bênh, những tháng thấp điểm, chỉ nhận được 207 ngàn đồng, tháng cao điểm vào khoảng 800 ngàn đồng. Tuy đã làm việc được 5 năm nhưng quả thật tôi không dành dụm được chút tiền của nào cả. Công nhân như tôi và một số chị em khác thường có thói quen “mùa hè mượn tiền, mùa đông trả”. Thậm chí nhiều lúc về thăm quê, phải xin thêm tiền nhà để trả nợ.
Theo kết quả điều tra của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, có tới 20% doanh nghiệp không trả lương làm thêm giờ và 9% không trả lương làm đêm, trên 50% doanh nghiệp được điều tra không trả lương cho lao động nữ trong thời gian nghỉ thai sản.
Ngoài ra họ còn vi phạm về trợ cấp khi chấm dứt hợp đồng và không trả lương cho người lao động khi ngừng việc. Trong khi đó, phần lớn lao động ngoại tỉnh phải thuê nhà trọ. Điều kiện sinh hoạt trong các khu nhà trọ này rất thiếu thốn,chật chội và không đảm bảo vệ sinh. Điều tra ở quận Gò Vấp, Tp.HCM cho thấy 76% công nhân không có nhà bếp trong nhà, 32% phải dùng nhà vệ sinh chung với hộ khác, 88% dùng nước giếng để ăn uống; còn tại Hải Phòng, 33% công nhân thiếu nước sinh hoạt, 64% sử dụng nước giếng khoan.
Chị Nguyễn Thị Thắm, công nhân ở Hải Phòng tâm sự: với 50 ngàn đồng một tháng, tôi cũng có một chỗ nương thân với nửa cái phản có diện tích 1m2. Ở đây nhà trọ nào cũng thế, 8 người chui vào một phòng 9 m2. Cả dãy trọ có tới 48 người mà chỉ có 2 buồng tắm nhỏ và một nhà vệ sinh. Nước thì không đủ mà phải dùng nước giếng không lọc trông vàng khè. Chúng tôi cũng không được nấu nướng trong nhà. Tan ca, mấy đứa chỉ tranh thủ tạt vào ăn cái bánh ngoài đường rồi về ngủ. Nhiều lúc cũng sợ thức ăn không đảm bảo vệ sinh nhưng chẳng có cách nào khác.
Đa số công nhân cho biết họ không có dự định làm lâu dài công việc hiện tại. Ở Tp.HCM, 30% lao động có ý định chuyển việc. Ở Hà Nội, con số này là 25%. Tỷ lệ biến động lao động lên đến 35-40%. Sự mất ổn định trong lực lượng lao động khiến các doanh nghiệp phải liên tục tuyển công nhân, ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất và lợi nhuận. Tuy nhiên họ rất khó giữ công nhân ở lại làm việc lâu dài nếu không có những cải thiện rõ rệt về lương và điều kiện lao động.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận