26/10/2014 12:48 GMT+7

60 năm miền Bắc đón miền Nam - Kỳ 7: Trên tàu Kilinski

NGUYỄN LONG TRẢO
NGUYỄN LONG TRẢO

TT - 10 giờ sáng 29-10-1954, theo giao kết giữa ta và Pháp, một trực thăng chở đoàn sĩ quan Pháp đến “nhà việc” chợ Cao Lãnh để tiến hành thủ tục tiếp quản vùng tập kết 100 ngày.

 
Ông Nguyễn Long Trảo - Ảnh: Tiến Long

Ðồng chí Phạm Hùng, đại diện phía VN, đứng ra bàn giao. Và bắt đầu từ giờ phút đó, các đơn vị bộ đội lần lượt rút dần ra hướng cầu bắc, xuống tàu quân sự của Pháp để ra Vũng Tàu, từ đó lên tàu vận tải của Liên Xô và Ba Lan vượt biển ra Bắc.

Lần đầu đi tàu biển

Ngày 30-10-1954, tàu quân sự của Pháp chuyển chúng tôi lên tàu Kilinski của Ba Lan.

Ðây là loại tàu chở hàng trọng tải 10.000 tấn, được cải tạo để chở người, bằng cách bố trí hai dãy giường tầng, chính giữa chừa một lối đi khá rộng.

Thủy thủ đoàn cũng toàn người Ba Lan, người nào người nấy lực lưỡng, da dẻ hồng hào và ăn rất khỏe, khẩu phần ăn lúc nào cũng có nửa con gà quay. Nhưng nhìn cách họ làm việc thấy thật nể, lúc nào cũng cật lực và chẳng ngại dơ bẩn.

Nhớ có một lần đường thải phân bị nghẹt, họ treo mình ngoài mạn tàu ra sức thông thụt, phân tưới đầy đầu nhưng họ vẫn thản nhiên làm cho đến xong việc. Họ cũng tỏ ra rất thông cảm với cảnh không quen chịu sóng gió của anh chị em chúng tôi và thường có những cách tương trợ thích hợp.

Sở dĩ có tàu của Ba Lan và Liên Xô chuyên ra vào Nam Bắc trong suốt thời gian trên 300 ngày để giúp đưa tất cả cán bộ và chiến sĩ thuộc lực lượng kháng chiến miền Nam (từ sông Bến Hải trở vào) ra miền Bắc là vì lúc đó cả Ba Lan và Liên Xô đều là hai nước XHCN anh em, luôn tận tình ủng hộ cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc của nhân dân Việt Nam và đây là một biểu hiện cụ thể.

Nhớ một cảnh thật cảm động, đó là khi tàu của Pháp chở chúng tôi đang chạy trên kinh Chợ Gạo thì có người đàn ông chèo chiếc thuyền con ra gần sát bên tàu. Anh ta đưa hai ngón tay trước mặt, ý muốn nói hẹn hai năm trở về, và nói to:

“Tôi thay mặt bà con trên bờ chào các anh chị, chúc các anh chị tập kết mạnh giỏi, ra Bắc học tập tiến bộ hai năm sẽ trở về, bà con trong này hứa sẽ đấu tranh để thực hiện Hiệp định Genève“.

Tôi thắc mắc tại sao họ biết mình được tàu của Pháp chở đi tập kết qua con sông này mà chèo ghe ra chặn đường chào đón như vậy. Quả là đường dây thông tin “lạt dừa” của nhân dân nhạy bén thật!

Hầu hết những người đi tập kết đều chưa từng đi trên tàu biển nên đa số đều bị say sóng, nhẹ thì ngầy ngật choáng váng, nặng thì xây xẩm nôn ói. Có người ói tới mật xanh, nằm vùi không dậy nổi, nhất là chị em phụ nữ, trông đến tội.

Riêng tôi thì có cách riêng, mỗi khi nằm dưới khoang cảm thấy hơi mệt là leo lên boong hứng gió, lúc nào thấy khỏe lại xuống giường nằm nghỉ. Cứ làm như thế nên khi đến nơi vẫn còn khỏe re, chỉ có điều khi lên bờ vẫn cảm thấy dập dềnh như đang ở trên biển.

Cũng vì không bị say sóng nên trong mấy ngày đi trên tàu, tôi được hưởng rất nhiều món ngon vật lạ của những người cùng đi cụ bị mang theo, nhưng họ không ăn nổi vì bị sóng gió hành hạ.

Thế nhưng qua chuyến đi này đã sớm đưa tôi đến một quyết định là xin giã từ luôn mơ ước được làm lính hải quân, bởi nếm hương vị đi tàu biển như thế là đã quá đủ rồi!

Các mẹ, các chị tiễn đưa bộ đội miền Nam lên đường tập kết ra Bắc - Ảnh tư liệu

Nghĩa cử đồng bào

Quá chiều 1-11-1954 tàu đến bờ biển Sầm Sơn, nhưng vì là tàu loại lớn không vào sát bờ được nên các tàu há mồm của Pháp phải đến cặp mạn, chuyển bộ đội vào đến tận đầu cầu phao làm bằng tre bắc từ bờ ra.

Từ xa chúng tôi đã nhìn thấy đồng bào Thanh Hóa cầm cờ đỏ sao vàng đứng hai bên đường vẫy chào bộ đội và cán bộ miền Nam ra tập kết.

Chúng tôi ở lại trạm đón tiếp để được bồi dưỡng lấy lại sức sau mấy ngày đêm đi tàu vất vả. Hằng ngày chúng tôi đều được ăn uống đầy đủ và toàn là những món ngon, trong lúc đó chúng tôi biết rất rõ là đồng bào Thanh Hóa đang bị đói.

Dĩ nhiên chuyện bồi dưỡng chiêu đãi là của Chính phủ, nhưng khi thấy cảnh có người mừng rỡ cắc ca cắc củm mang về nhà những chỗ ăn dư thừa của các anh em chúng tôi, sao thấy mà thương đồng bào mình quá!

Chúng tôi cũng được xem các đoàn văn công múa hát biểu diễn, xem chiếu các phim của Liên Xô, tất nhiên không phải là phim câm, phải vừa chiếu vừa có cô Bá kéo accordéon tấu theo như hồi còn ở trong Nam, và nhiều lúc cùng liên hoan múa “xồn-đô-xồn” với các cô gái trẻ địa phương.

Sau vài ngày nghỉ dưỡng lại sức, chúng tôi rời trạm đón tiếp, bắt đầu hành quân bộ ngang qua thị xã Thanh Hóa, về đóng trong các nhà dân ven bờ bắc đê sông Mã, gần cầu Hàm Rồng.

Ðến ở trong nhà dân, sống chung với dân mới thấy hết được mọi cơ cực đói rét của đồng bào.

Khi còn ở miền Ðông chúng tôi đã từng chịu đói, nhưng đói có nghĩa là ăn chưa đủ no, chớ lúc nào trong bụng cũng có thứ gì đó nếu không phải cơm thì là bắp, không phải bắp thì là khoai củ.

Còn đồng bào ở đây thì sao, may lắm là có cháo loãng nấu với rau má hoặc củ chuối, thậm chí có lúc chỉ toàn là rau má hoặc củ chuối, thứ mà lần đầu tiên tôi mới thấy người ta ăn thay cơm, mà có lúc ăn cũng không đủ no.

Còn quần áo thì một màu đen hoặc màu nâu vá chằng vá đụp, và vì không có xà bông để giặt nên đầy rận là rận, có lúc không thể bắt hết bằng tay, chỉ đem phơi nắng xong giũ ra rồi dùng ve chai cà nghe rào rạo, thú thật nghe mà nổi gai ốc.

Nguyên nhân vì sao ư? Quả thật có nguyên nhân là vì đất hẹp, cằn cỗi mà người lại đông, năng suất tính trên đầu người chẳng được là bao, năm đó còn bị mất mùa.

Nhưng theo tôi nghĩ còn có nguyên nhân quan trọng hơn là trên cái nền thiếu thốn đó, họ còn phải ra sức đóng góp cho kháng chiến nuôi quân, bởi Thanh Hóa là một trong số các tỉnh hậu phương của miền Bắc, mà cuộc chiến tranh cũng chỉ mới chấm dứt được vài ba tháng, sức dân chưa kịp hồi phục.

Thế nhưng tinh thần và thái độ của người dân xuất phát từ lòng yêu mến đối với đồng bào miền Nam, và cũng do được chuẩn bị tư tưởng trước nên phải nói là tuyệt vời.

Suốt thời gian sống trong nhà dân ở Thanh Hóa, chưa lần nào tôi thấy họ chịu nhận phần lương thực do chúng tôi tự động bớt ra từ tiêu chuẩn bữa ăn để san sẻ vì thấy họ quá thiếu thốn, và cũng phải nói thật là quá đói.

Người ta cũng nhường những chỗ rộng rãi khoáng đãng cho chúng tôi, còn gia đình họ ăn ở trong phần rất chật chội, có khi cả nhà rút vào trong nhà bếp.

Nếu như ngày nay nhà cửa của ai cũng có chỗ ăn chỗ nằm, nhưng khi có khách đến ở nhờ hoặc thăm viếng năm ba ngày thì lắm lúc cũng cảm thấy bức bối. Còn xưa kia mỗi lần chúng tôi đến đóng quân thì cũng mươi bữa nửa tháng trở lên, nhưng lúc nào họ cũng tỏ ra vui vẻ niềm nở.

Và tôi nhớ khi ấy chúng tôi còn rất trẻ, chưa thật sự có ý thức, lại rất mê đánh tú lơ khơ nên có lúc chong đèn chơi đến khuya, trong khi nhà họ không có đủ dầu để thắp sáng.

Cũng có lúc cãi vã rân trời, ảnh hưởng đến giấc ngủ và sức khỏe của họ, nhưng không khi nào họ tỏ ra bực bội phàn nàn, mà thỉnh thoảng còn mang ra cho chúng tôi ấm nước trà hoặc nước vối.

Sau này nghĩ lại mới thấy đáng tiếc là lúc đó do trẻ người non dạ nên không ít người trong chúng tôi không nhận thức được một cách đầy đủ sự quý giá trong các nghĩa cử của đồng bào để có cách ứng xử đúng mực hơn.

_________

Kỳ tới: Chuyện chưa kể về những con tàu

NGUYỄN LONG TRẢO
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên