04/03/2014 10:21 GMT+7

6 tháng bổ nhiệm gần 60 cán bộ có bất thường?

MINH QUANG
MINH QUANG

TT - Trước khi nghỉ hưu, từ tháng 3 đến tháng 8-2011 ông Trần Văn Truyền - tổng Thanh tra Chính phủ lúc bấy giờ - đã bổ nhiệm gần 60 cán bộ cấp vụ và tương đương.

rDMQaliG.jpgPhóng to
Đang có dư luận về những chuyện “lùm xùm” tại Thanh tra Chính phủ dưới thời tổng thanh tra Trần Văn Truyền - Ảnh: Nguyễn Khánh
ikoK0AeR.jpgPhóng to
Trụ sở của Thanh tra Chính phủ - Ảnh: Nguyễn Khánh

Trong thời gian giữ chức vụ tổng Thanh tra Chính phủ (TTCP), ông Trần Văn Truyền đã bổ nhiệm hơn 100 cán bộ. Trong đó chỉ tính riêng thời gian từ tháng 3-2011 đến tháng 8-2011, ông Truyền đã bổ nhiệm gần 60 cán bộ cấp vụ và tương đương.

Trao đổi với Tuổi Trẻ về việc ông Trần Văn Truyền ký quyết định bổ nhiệm gần 60 cán bộ cấp vụ và tương đương trong thời gian sáu tháng trước khi nghỉ hưu, dẫn đến việc dư luận cho rằng có sự bất thường trong công tác tổ chức cán bộ, một lãnh đạo làm công tác tổ chức dưới thời ông Truyền thừa nhận việc phân tích như vậy là đúng. Tuy nhiên, vị này lý giải không phải chỉ mấy ngày cuối trước khi nghỉ hưu ông Truyền bổ nhiệm gần 60 người mà chủ yếu chỉ một số là các cán bộ hàm vụ trưởng, vụ phó.

Có tư tưởng “thôi anh về thì làm phúc”

Vị lãnh đạo này cho rằng việc bổ nhiệm dồn dập là do đặc thù của TTCP thời kỳ đó. Cụ thể: khi đó TTCP sắp thành lập ba cục mới theo Luật thanh tra 2010 nên ông Trần Văn Truyền chủ trương chuẩn bị đội ngũ phục vụ các đơn vị mới (ba đơn vị đó là: Vụ Kế hoạch - tổng hợp, Cục Tiếp dân và xử lý đơn thư, Cục Giám sát và thi hành kết luận thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo - PV). Ngoài ra theo quy định tại nghị định 65/NĐ-CP năm 2008 quy định về chức năng nhiệm vụ của TTCP, TTCP tăng thêm một số vụ, cục, phòng. Do đó mới có việc nhận người về TTCP hoặc bổ nhiệm chức danh cán bộ cho phù hợp.

Ông Truyền từ chối thông tin thêm

Phóng viên Tuổi Trẻ đã đến tận nhà ông Truyền, gọi điện, nhắn tin cũng như thông qua các mối quan hệ tại chính quyền địa phương để gặp ông Truyền nhằm có được thông tin nhiều chiều. Thế nhưng ông Truyền, thông qua một lãnh đạo của tỉnh Bến Tre, đã trả lời đại ý: trong những ngày qua ông đã trả lời một số tờ báo và thông tin hiện vẫn như thế nên ông Truyền từ chối thông tin thêm.

NGỌC TÀI

Vị lãnh đạo này cũng thừa nhận vào thời điểm cuối cùng trước khi nghỉ hưu, ông Truyền ký bổ nhiệm một loạt cán bộ cũng có tư tưởng “thôi anh về rồi thì làm phúc” nên không loại trừ có trường hợp bị dư luận nghi vấn. Mặc dù khẳng định không có chuyện khuất tất đằng sau nhưng khi trả lời “ông có khẳng định tuyệt đối không” thì vị lãnh đạo này từ chối trả lời và nói “sao mà biết được”.

Về vấn đề các cán bộ được bổ nhiệm có đảm bảo tiêu chuẩn và các cán bộ này có nằm trong quy hoạch hay không, vị lãnh đạo này cho biết tiêu chuẩn và quy trình bổ nhiệm các cán bộ này đều đầy đủ. Lý giải về việc có một số người ở thời điểm được bổ nhiệm chưa có bằng cử nhân chính trị hoặc cao cấp chính trị, chưa phải là thanh tra viên chính, vị này cho biết trong quy chế không nhất thiết cán bộ được bổ nhiệm phải có bằng cử nhân hoặc cao cấp chính trị. Đối với chức danh thanh tra viên chính, vị này cho rằng quy định là thanh tra viên chính hoặc tương đương sẽ được bổ nhiệm, có trường hợp chưa phải thanh tra viên chính nhưng tương đương nên vẫn xem xét bổ nhiệm. Cụ thể, tương đương ở mức độ nào thì cán bộ này không cho biết.

Đối với công tác quy hoạch, trả lời về việc tại sao ngày 3-8-2011 có một quyết định quy hoạch trong đó có những cán bộ đã được bổ nhiệm, vị lãnh đạo này cho biết quy hoạch là một quy trình dài, được đưa từ cơ sở lên chứ không phải không có. Có trường hợp đã làm từ nửa năm trước và đến thời điểm đó mới chính thức có văn bản.

Những trường hợp đặc biệt

Ngoài ra, có những trường hợp không có quy hoạch vẫn có thể bổ nhiệm vì trong quy chế đã quy định và áp dụng trường hợp đặc biệt. Đó là những trường hợp tuy không có trong quy hoạch nhưng có uy tín cao và có nhu cầu sử dụng cán bộ thì ban cán sự và tổng thanh tra xem xét quyết định. Cụ thể là một số trường hợp ở Cục III của TTCP, do có trường hợp này nên kéo theo trường hợp khác. Những trường hợp này đều do tổng TTCP quyết định. Cán bộ làm công tác tổ chức lúc đó phải trình lên ban cán sự và khi được đồng ý thì tổng TTCP sẽ quyết định.

Theo vị lãnh đạo này cho biết trong suốt thời gian giữ chức vụ tổng TTCP, vẫn có trường hợp ông Trần Văn Truyền quyết định bổ nhiệm mà Vụ Tổ chức cán bộ không đề xuất, thậm chí không nằm trong số gần 60 trường hợp được bổ nhiệm thời điểm từ tháng 3 đến tháng 8-2011.

Đối với vấn đề một số trường hợp được bổ nhiệm, sau đó có những sai phạm, vị này cho rằng thời điểm nhận người về hoặc bổ nhiệm là đúng và chỉ có việc cán bộ đó làm sai về sau.

Ví dụ như một trường hợp được nhận về làm phó giám đốc, sau đó là giám đốc một đơn vị hàm vụ trưởng. Thời điểm nhận cán bộ thì TTCP đã phải xác minh kỹ. Sau khi bổ nhiệm cán bộ mới có vi phạm và việc này thì không thể nói công tác cán bộ trong quá trình bổ nhiệm có sai sót.

Ngoài ra còn có trường hợp một vụ phó khi đó được giao quyền vụ trưởng nhưng sau đó có vấn đề phải xem xét kiểm điểm nên tổng TTCP quyết định chuyển một người khác về làm vụ trưởng và đến nay trường hợp này vẫn chưa được xem xét bổ nhiệm. Sau khi dẫn chứng những ví dụ này, vị lãnh đạo này cho rằng việc bổ nhiệm là phải đúng quy trình, tiêu chuẩn.

Bổ nhiệm nếu không chuẩn sẽ sinh ra bức xúc

Đánh giá về câu chuyện bổ nhiệm gần 60 cán bộ khi ông Trần Văn Truyền chuẩn bị nghỉ hưu, vị lãnh đạo này cho rằng câu chuyện cán bộ này là bài học, cảnh báo cho TTCP trong giai đoạn hiện nay, bởi nếu như tới đây tiếp tục bổ nhiệm thì sẽ có tình trạng người cũ lại thừa. Theo nhận định của vị này, công tác bổ nhiệm cán bộ nếu không chuẩn sẽ sinh ra những bức xúc, moi móc.

MINH QUANG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên