06/04/2017 10:30 GMT+7

6 ngày của Tô Hải Vân: Tiếng kêu bên bờ vực

NGUYỄN QUANG THIỀU
NGUYỄN QUANG THIỀU

TTO - Khi đọc tiểu thuyết "6 ngày" (NXB Trẻ) của Tô Hải Vân, tôi có cảm giác trở lại bệnh mộng du khi tôi còn nhỏ.

Sách do NXB Trẻ ấn hành - Ảnh: Quang Định
Sách do NXB Trẻ ấn hành - Ảnh: Quang Định

Như một “ma trận” hư hư thực thực, đọc như thấy mình bị ảo giác nhưng lại nhận biết rất rõ ràng chuyện gì đang diễn ra.

Một kỹ sư chuyên ngành điều khiển học, yêu thích tính độc lập và sự tự do. Chuyên môn giỏi, yêu thích công việc sáng tạo, cái gì anh cũng giải thích được, nhưng lại không thể giải thích được những chuyện và những người xung quanh mình.

Bị vợ bỏ, anh phải đi mua nhà mới với số tiền ít ỏi. Vì ít tiền, cũng vì nhân duyên nào đó từ xa xưa, anh mua được một ngôi nhà nghe đồn có ma. Đó cũng là khởi đầu của mọi rắc rối.

Một câu chuyện bi hài và đau đớn như chính cuộc sống mà chúng ta đang sống. Nhà văn Tô Hải Vân đã dẫn tôi vào tận cùng ngõ ngách của đời sống và ông cũng dẫn tôi vào những khoảng mờ tối trong con người - trong đó có tôi.

Câu hỏi lớn nhất và luôn thường trực trong tiểu thuyết này là câu hỏi muôn thuở của con người “Ai cũng phải đi tìm một cái gì đấy. Mình tìm cái gì? Đáng sợ nhất là không biết mình tìm gì”. Câu hỏi này liên quan đến vô vàn câu hỏi khác.

Mỗi nhân vật trong 6 ngày đều đại diện cho những nhóm người. Có những người rơi vào cơn mộng mị của muôn thứ hão huyền nhưng rồi lại tự vấn, lại hoang mang và tìm cách chạy trốn khỏi những thứ mà trước đó con người đầy ham muốn và theo đuổi.

Nhân vật chính trong 6 ngày thường xuyên hoài nghi về mọi điều trong cuộc sống và hoài nghi chính bản thân mình. Bởi thế mà cuộc sống “cũng lại như một giấc mơ. Mơ trong lúc đứng”.

Trong cái thế giới người mù mờ và ngập tràn xảo ngôn ấy thì con ma lại trở thành kẻ đáng tin nhất. Nhân vật ma trong 6 ngày là một nhân vật rất thành công và ám ảnh vô cùng.

Và tôi tin: con ma chính là chúng ta ở một phía khác, thậm chí nó chính là những phẩm chất tốt đẹp của chúng ta mà chúng ta đã đánh mất.

“Em biết không, anh đã quá vất vả rồi mới tìm thấy em”. Câu nói của nhân vật chính đã nói một cách đơn giản như thế ở những đoạn cuối cùng để đi tới kết thúc câu chuyện. Nhưng nghe kỹ thì đó là một tiếng kêu vừa đau đớn vừa hạnh phúc.

Cảm giác như tiếng kêu ấy vang lên ở ngay bờ vực. Chỉ chậm một chút nữa thôi con người kia sẽ rơi xuống vực thẳm ấy và kết thúc tất cả. Cái nhân loại đi tìm thực ra là tình yêu.

Quá nhiều những tác phẩm lớn của nhân loại cũng đi tới đoạn này và hình như nó không thể khác. Mà hình như cũng chẳng có con đường nào khác nữa, thế nhưng hầu hết con người đi mãi mà không tới được.

6 ngày có một đặc điểm mà tiểu thuyết hiện đại Việt Nam thiếu hụt: tính hài hước. Nhà văn phải thực sự “cao tay” mới có thể xử lý đặc điểm này. Chỉ riêng chi tiết cái máy phát hiện nói dối đã khái quát toàn bộ bộ mặt thật của con người.

Tôi đọc đi đọc lại nhiều lần những đoạn viết về cái máy nói dối. Và lần nào đọc cũng ngỡ mình đang đứng trước cái máy ấy và thể nào cũng bị cái máy ấy phát hiện một vài thứ mà mình tưởng mình biết và có thể giấu đi được.

Và có một phần thuộc cấu trúc tiểu thuyết mà tôi không thể không ca ngợi nhà văn Tô Hải Vân. Đó là “liên tưởng”.

Những phần liên tưởng ít và ngắn nhưng tạo ra hiệu ứng rất mạnh, làm cho cấu trúc tác phẩm thoát khỏi cách viết cũ của hầu hết tiểu thuyết Việt Nam hiện nay và nó chuyển không gian, thời gian một cách hoàn hảo.

NGUYỄN QUANG THIỀU
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên