17/12/2015 22:44 GMT+7

6 điều cha mẹ nên tránh khi dạy con quý thân thể

ThS - BS LAN HẢI  (cố vấn chuyên môn Hội quán Các bà mẹ)
ThS - BS LAN HẢI (cố vấn chuyên môn Hội quán Các bà mẹ)

TTO - Chuyện kể rằng: hoàng đế Napoléon (Pháp) tiếp kiến các mệnh phụ phu nhân, đã hỏi: “Các bà sinh con ra, các bà nghĩ phải dạy con khi nào?”. Một bà mau mắn thưa: “Tôi nghĩ phải dạy con từ thuở lên ba”.

Hoàng đế trả lời: “Không phải”. Một bà khác lên tiếng: “Người ta nói dạy con khi chúng còn trong lòng mẹ”. Hoàng đế vẫn trả lời: “Không phải”. Các bà không biết trả lời sao, một bà lên tiếng: “Xin hoàng đế cho biết là phải dạy con khi nào?”. “Phải dạy con 20 năm trước khi nó sinh ra!”, hoàng đế đáp.

Mọi người ngỡ ngàng. Thì ra dạy con 20 năm trước, có nghĩa là dạy cha mẹ nó trước. Cha mẹ tốt thì con cái mới tốt. Trong thời đại này, cha mẹ cần phải học nhiều không kém gì con cái.

Những năm làm việc ở Phòng khám nhi đã cho tôi thấy đằng sau một đứa trẻ “có vấn đề” thường là một gia đình “có vấn đề”. Hoặc cha mẹ dạy con quá nghiêm khắc, biến chúng thành những “người lớn tí hon”, hoặc cho con quá nhiều tự do và quyền hạn khiến trẻ không biết mình là ai. Dạy con quý thân thể và sinh mạng nhưng lắm khi người lớn lấy quyền làm cha mẹ gây tổn thương tâm hồn, cảm xúc, thân thể, giới tính, nhân cách của con mình. Đây là lúc các bậc phụ huynh nên thay đổi cách yêu chứ không thay đổi lòng yêu.

Cha mẹ nên tránh:

1. Áp đặt ước muốn của mình lên giới tính của con. Nhiều cặp vợ chồng khát khao có đứa con trai ngay từ lúc mang thai, khi sinh ra bé gái vẫn không từ bỏ mơ ước ấy, tiếp tục cho con mặc quần áo, để đầu tóc giống bé trai, mua đồ chơi con trai khiến đứa trẻ lớn lên với ý nghĩ: chỉ khi nào mình là trai mới đáp ứng được lòng mong mỏi của cha mẹ, mới khiến cha mẹ mãn nguyện. Và rồi cô gái “đoạn tuyệt” với nữ công gia chánh, cắt đầu đinh, ăn mặc “hầm hố”, xử sự như một trang nam nhi. Ngược lại, có cặp vợ chồng mong con gái lại nuôi dạy cậu con trai nhỏ của mình như là bé gái…

2.Tắm chung, ngủ chung giường với con, thay đồ trước mặt con: trẻ vô tình nhìn thấy thân thể và “cảnh nóng” của người lớn, từ đó nảy sinh tính hiếu kỳ và tật nhìn trộm, đôi khi thúc đẩy trẻ dậy thì sớm (không theo quy luật “nữ thập tam, nam thập lục” như lời các cụ dạy mà bé gái có thể bắt đầu vào tuổi lên 8 và bé trai là lên 9).

3. Đùa cợt, châm biếm, miệt thị hình hài, cố tật của con (nói lắp, béo, da đen, tóc quắn, mắt hí, răng hô, lùn,…) làm trẻ xấu hổ, mặc cảm và chán ghét cơ thể mình. Đùa giỡn kết “thông gia”, gán ghép con là “người yêu, vợ, chồng” với bạn khác phái từ nhỏ, khiến trẻ tò mò, hướng về chuyện nam - nữ, ham muốn tình dục sớm.

4. Không tôn trọng và bình đẳng với con như với một người lớn khác: Tại sao cha mẹ có thể đối xử lịch thiệp với hàng xóm, đồng nghiệp, thầy thuốc, nhân viên, người đi đường… mà không làm được như vậy với con mình? Chẳng hạn: 

· Không lắng nghe con. Coi ý kiến trái chiều của con là “cãi”, “bướng”, “vô lễ”, “hỗn láo”. Điều đáng buồn là đa số trẻ “ngoan”, “vâng lời” lại bị chính cha mẹ mình làm mất đi bản năng phản kháng, tự vệ, sinh tồn và sống sót.

· Liên tục so sánh con với trẻ trong nhà hoặc với “con nhà người ta”, ngụ ý ước gì con mình khác đi. Làm vậy không giúp con thay đổi hành vi mà trái lại càng cảm thấy tự ti hơn, thậm chí có thể ghét bố mẹ và có xu hướng muốn chống đối, nổi loạn. Trẻ lớn lên trong sự đố kỵ và thích “dìm hàng” người khác để chứng minh mình tốt hơn, giỏi hơn. Hoặc chán nản buông xuôi vì có cố mãi cũng chẳng được công nhận.

· Dạy con kiểu “thương cho roi cho vọt”, khi phạt không cho con được khóc, trẻ bị dồn nén cảm xúc và có dịp sẽ bùng phát. Đánh con tùy cơn giận của lòng mình mà không theo mức độ phạm lỗi của con khiến trẻ sẽ suy diễn: chỉ người thân mới “có quyền” đánh đập, bị đánh phải ngồi yên nếu không sẽ bị đánh đau hơn. Trẻ lớn lên sẽ trở thành nạn nhân của bạo lực học đường, bạo hành gia đình hoặc có xu hướng dùng bạo lực để giải quyết mọi mâu thuẫn để đạt được những gì mình muốn, ngay cả khi người khác không hợp tác.

·Chửi mắng, đánh, túm tóc, lột quần áo trẻ trước mặt người khác, nhất là bạn bè của con, gây tổn thương lòng tự trọng, trẻ thấy mình tồi tệ, khinh bỉ bản thân, không đáng sống. Khi mắc lỗi sẽ sợ hãi, bế tắc và chọn cách giải quyết tiêu cực (nói dối, trốn học, bỏ nhà đi bụi, “vào đời” sớm, tự tử, giết người). 

5.Đặt lên con quá nhiều kỳ vọng: cha mẹ có quyền mong đợi, kỳ vọng về con cái nhưng nếu quá xa vời và trẻ không đủ khả năng đáp ứng nổi, sẽ gây áp lực tâm lý nặng nề. Trẻ luôn có mặc cảm mình không đủ giỏi và không biết làm thế nào để hài lòng cha mẹ. Có em căng thẳng, stress, trầm cảm, bế tắc, tìm cách giải thoát bằng cái chết.

6.Đáp ứng vô điều kiện mọi yêu cầu của con: chiều con thái quá, cho con tất cả những gì nó muốn (chứ không chỉ thứ nó cần). Trẻ lớn lên với thói quen mọi ước muốn của mình đều được thỏa mãn, sẽ dễ vấp váp trong ứng xử (chơi trội, hay tự ái với bạn bè; sốc vì bị từ chối tình cảm dẫn đến tuyệt vọng, sa sút tinh thần, thậm chí tự tử; khi lập gia đình thường thiếu kỹ năng nhường nhịn, chia sẻ, hi sinh).

R.Tagore nói: “Giáo dục một bé trai thì được một con người, giáo dục một bé gái thì được một gia đình cho mai sau”. Điều quan trọng là cha mẹ phải làm gương cho con (không phải là “gương mẫu”, chỉ cần làm gương là quý rồi), phải cố gắng trở thành người mà mai sau mình muốn con mình sẽ trở thành. Hãy tôn trọng thân thể và sự sống của con từ trong gia đình.

Một cô gái biết giá trị của thân xác mình sẽ không “cho đi” một cách dễ dàng, một chàng trai biết quý trọng đời sống tình dục của mình sẽ không buông thả hoặc ép bạn gái “chiều” theo dục vọng của mình. Tự trọng bản thân, tôn trọng người khác, quý trọng người dưới, kính trọng người trên, trân trọng ân nhân.

>> Kỳ tới: 4 tiêu chuẩn của hành vi tình dục có đạo đức

ThS - BS LAN HẢI (cố vấn chuyên môn Hội quán Các bà mẹ)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên