10/11/2016 16:34 GMT+7

​6 bẫy trầm cảm cần tránh

Nguồn: Trung tâm Truyền thông sức khỏe Trung ương
Nguồn: Trung tâm Truyền thông sức khỏe Trung ương

Trầm cảm là một rối loạn tâm thần thường gặp, biểu hiện bằng tâm trạng buồn rầu, mất quan tâm hay hứng thú, giảm năng lượng, cảm giác tội lỗi hay đánh giá thấp về bản thân, xáo trộn giấc ngủ, chán ăn, thiếu tập trung.

Hơn nữa, trầm cảm thường đi kèm với các triệu chứng lo âu. Những biểu hiện này có thể trở thành mạn tính hoặc tái phát và dẫn đến làm giảm đáng kể khả năng thực hiện trách nhiệm hằng ngày của mỗi cá nhân. Trong trường hợp xấu nhất, trầm cảm có thể dẫn đến tự tử.

Khi một người rơi vào tình trạng buồn rầu, họ có thể biến mình thành một ẩn sĩ, không muốn bước chân ra khỏi cửa, dù chỉ để lấy thư, báo…, thậm chí cắt đứt liên lạc với bạn bè và gia đình. Nhưng càng cô đơn, họ càng trầm cảm hơn. 

Tránh tiếp xúc xã hội là một tình trạng thường gặp khi bị trầm cảm. Một số người bỏ bê các hoạt động mà bình thường họ rất thích tham gia và cô lập mình với thế giới bên ngoài. Lại có người chuyển sang uống rượu hoặc ăn vặt để che dấu nỗi buồn và sự bất hạnh của mình. Những cái bẫy trầm cảm này có thể khác nhau ở mỗi cá nhân, nhưng chúng có điểm chung là làm tồi tệ thêm tâm trạng buồn chán của người đó, tạo nên một vòng luẩn quẩn. Dưới đây là 6 cạm bẫy hành vi thường đi kèm với trầm cảm và cách khắc phục chúng.

Bẫy thứ nhất: Rút lui khỏi xã hội 

Rút lui khỏi xã hội là dấu hiệu phổ biến nhất của bệnh trầm cảm. Khi chúng ta bị trầm cảm, có một sự thôi thúc mạnh mẽ lôi kéo ta rời khỏi những người khác và khép lại các mối quan hệ. Điều này ngược lại với những gì ta cần.

Trong trầm cảm, sự cô lập xã hội thường làm trầm trọng thêm bệnh trạng và cảm xúc. Việc rút lui khỏi xã hội làm khuếch đại đáp ứng của não với sự căng thẳng.

Cách khắc phục: Dần dần tiếp xúc trở lại với xã hội bằng cách đi gặp gỡ bạn bè và gia đình. Chúng ta có thể lập một danh sách những người quen mà ta muốn gặp lại và bắt đầu lên lịch hẹn gặp lại họ.

Bẫy thứ hai: Đắm chìm trong suy tư 

Một phần chính của trầm cảm là suy tư, trong đó người rơi vào bẫy này cứ trăn trở và ấp ủ suy nghĩ về các vấn đề như mất mát và thất bại, khiến cho họ có cảm giác tồi tệ về bản thân.

Điều này có thể dẫn đến những lời tự nhủ đầy tiêu cực như: “Đó là lỗi của mình. Còn ai muốn bạn bè, quen biết với mình nữa chứ?”. Suy tư cũng khiến con người diễn giải các sự kiện thông thường theo một cách tiêu cực. Ví dụ, khi đi mua hàng, ta thấy người bán tươi cười với người mua trước nhưng không cười với ta, khiến ta thấy đó như là sự coi thường.

Cách khắc phục: Chuyển hướng sự chú ý vào một hoạt động hấp dẫn khác, như tham gia hoạt động xã hội hoặc đọc một cuốn sách hay.

Khi một người trầm cảm, họ thường mất rất nhiều thời gian và năng lượng để ôn lại những suy nghĩ tiêu cực, thường trong một khoảng thời gian dài. 

Bẫy thứ ba: Giải quyết vấn đề bằng rượu

Chuyển sang uống rượu hoặc dùng ma túy để thoát khỏi đau buồn là một kiểu hành xử đi kèm với trầm cảm và điều này thường khiến trầm cảm trở nên tồi tệ hơn.

Đôi khi rượu có thể làm giảm một chút lo âu, nhất là sự lo âu về xã hội, nhưng rượu tác động ức chế hệ thống thần kinh trung ương. Thêm nữa, rượu có thể ảnh hưởng đến giấc ngủ. Rượu thường làm cho chúng ta cảm thấy dễ chịu hơn trong chốc lát, nhưng về lâu dài, nó làm hại chúng ta.

Cách khắc phục: Hãy báo cho bác sĩ hoặc nhân viên y tế nếu bạn nhận thấy rằng thói quen uống rượu đang làm cho bạn cảm thấy tồi tệ hơn. Rượu có thể tương tác với các thuốc chống trầm cảm và chống lo âu.

Bẫy thứ tư: Bỏ tập thể dục

Nếu một người thuộc loại thích tập thể dục hoặc vận động, chơi thể thao thường xuyên, thì việc giảm tập luyện có thể là dấu hiệu của một điều gì đó bất ổn trong cuộc sống. Khi đang bị trầm cảm, thì không chắc người đó sẽ tiếp tục tập thể dục thường xuyên, mặc dù chỉ là theo yêu cầu của bác sĩ.

Tập thể dục có tác dụng hữu hiệu chống trầm cảm bởi vì nó giúp làm tăng nồng độ serotonin và dopamin, hai hóa chất não thường bị giảm khi đang trầm cảm. Khi trầm cảm, con người ta rơi vào một tình huống nghịch lý, đó là cơ thể có khả năng hoạt động thể chất nhưng bộ não lại không có khả năng khởi xướng và chỉ đạo cơ thể vận động.

Cách khắc phục: Tìm một người đáng tin cậy để giúp bạn bắt đầu tập thể dục, ví dụ như huấn luyện viên hoặc thậm chí một người thân. Đó phải là một người giúp đỡ, không cằn nhằn và thực sự động viên, khuyến khích và có trách nhiệm, giúp bạn từng bước trở lại cuộc sống năng động.

Bẫy thứ năm: Ăn nhiều đồ ngọt

Khi ai đó đang cảm thấy buồn chán, họ có thể thấy thèm ăn đồ ngọt hoặc thức ăn vặt giàu carbohydrat và đường. Đường có đặc tính làm tâm trạng vui vẻ thêm một chút, nhưng chỉ là tạm thời. Trong vòng hai giờ, nồng độ đường trong máu giảm, khiến tâm trạng buồn bã trở lại.

Cách khắc phục: Tránh ăn nhiều đường và tránh tình trạng giảm lượng đường không thể tránh khỏi sau đó. Nếu không cưỡng nổi cảm giác thèm ăn, hãy chọn thực phẩm lành mạnh.

Bẫy thứ sáu: Suy nghĩ tiêu cực

Khi đang buồn chán, con người dễ có suy nghĩ tiêu cực. Chúng ta có thể nhủ thầm: “Ồ, ngay cả khi tôi đã làm việc này việc khác mà vẫn sẽ không cảm thấy khá hơn chút nào, thậm chí còn khiến mọi việc rắc rối, phức tạp thêm, thế thì tại sao tôi phải cố gắng làm tất cả những điều đó?”.

Đây là một cái bẫy rất lớn. Khi ta đang đấu tranh chống lại trầm cảm, thì việc dự đoán kết quả tiêu cực có thể khiến ta ngừng cố gắng tất cả mọi việc. Điều này sẽ nhanh chóng làm ta buồn phiền nhiều và sâu sắc hơn nữa.

Cách khắc phục: Đừng quá trói buộc mình vào kỳ vọng ảm đạm. Bạn cần nghĩ nhiều hơn về những điều nên làm và điều không nên làm, thay vì nghĩ đến kết quả sẽ đạt được. Nếu bạn bắt tay vào làm, sẽ có nhiều cơ hội đạt được kết quả tích cực.

Trong cuộc sống, hầu như ai cũng có lúc bị trầm cảm. Điều quan trọng là cần phát hiện sớm những dấu hiệu trầm cảm, cũng như biết cách giải quyết các nhu cầu và thách thức của đời sống, của công việc... để khắc phục trầm cảm. Việc trau dồi các kỹ năng sống, đặc biệt là các kỹ năng giao tiếp, kỹ năng quan hệ xã hội... cùng với việc xây dựng nhận thức đúng đắn và thái độ sống tích cực sẽ góp phần gia tăng khả năng đối phó với các rối loạn tâm thần nói chung và với trầm cảm nói riêng.

Nguồn: Trung tâm Truyền thông sức khỏe Trung ương
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    Chủ đề: trầm cảm