Đại diện Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội giải đáp thắc mắc của các bậc phụ huynh và học sinh tại Ngày hội tư vấn xét tuyển 2017- Ảnh: NGUYỄN KHÁNH
Tương tự như năm 2017, Trường ĐH Bách khoa Hà Nội giữ vai trò chủ trì nhóm xét tuyển.
Ngày 22-6, trao đổi với Tuổi trẻ Online, PGS.TS Nguyễn Phong Điền - trưởng phòng đào tạo Trường Đại học Bách khoa Hà Nội cho biết tính đến nay, đã có 57 trường ĐH phía Bắc (từ Hà Tĩnh trở ra) đăng ký tham gia nhóm xét tuyển.
Các trường Đại học "tốp đầu" đều có mặt trong danh sách này (như Đại học Quốc gia Hà Nội, Trường Đại học Ngoại thương, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, Trường Đại học Kinh tế quốc dân…).
Theo kế hoạch, các trường phải chuyển cho trường chủ trì dữ liệu về ngành/nhóm ngành, chỉ tiêu, tổ hợp môn xét tuyển, các tiêu chí phụ (nếu có) và điểm sàn để cập nhật vào phần mềm xét tuyển trước ngày 19-7.
Ban chỉ đạo nhóm miền Bắc có trách nhiệm kiểm tra, hiệu đính dữ liệu, chạy thử phần mềm xét tuyển, tiếp nhận dữ liệu đăng ký xét tuyển, dữ liệu điểm thi THPT của thí sinh, họp các trường trong nhóm để chốt dữ liệu trước khi chuyển lên Cổng thông tin tuyển sinh của Bộ GD-ĐT.
Theo thiết kế, cứ hai tiếng một lần phần mềm xét tuyển nhóm trường phía Bắc sẽ tự động chạy để các trường lọc ảo, điều chỉnh, xây dựng phương án xét tuyển và đưa ra được dự kiến điểm chuẩn.
Điểm mới của phần mềm xét tuyển nhóm các trường phía Bắc năm 2018 là có khả năng xuất điểm chuẩn cho cả thang điểm 30 và thang điểm 40 (trong khi năm 2017 các trường đều phải quy về thang điểm 30 để xác định điểm theo phần mềm).
Ngoài ra, phần mềm cải tiến năm nay cũng chấp nhận thêm các điều kiện xét tuyển riêng của từng trường…
Ông Điền cho biết kế hoạch làm việc của nhóm xét tuyển đã hoàn tất và chủ yếu làm việc bằng phương thức trực tuyến.
Dự kiến cuối tháng 6, phần mềm sẽ được hoàn thiện sau khi thu thập toàn bộ ý kiến của các trường.
Theo đó, nếu các trường đề nghị cải tiến và đó là những đề nghị phù hợp, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội sẽ cải tiến theo yêu cầu.
Được biết, phầm mềm xét tuyển nhóm các trường Đại học phía Bắc chỉ dành cho phương thức xét tuyển dựa trên kết quả thi THPT quốc gia.
"Ảo" trong nhóm sẽ bằng 0
Thực tế, nếu các trường xét tuyển độc lập thì khi trường chuyển dữ liệu cho Bộ GD-ĐT, bộ sẽ "lọc ảo" rồi trả dữ liệu về cho trường xử lý. Nhưng như vậy thời gian sẽ bị kéo dài, việc "lọc ảo" sẽ chỉ là một chiều, không tương tác được với các trường khác, nên việc xác định điểm xét tuyển gặp khó khăn, có thể phải điều chỉnh nhiều lần.
Còn khi các trường tham gia nhóm tuyển sinh chung, trước khi gửi dữ liệu về bộ, các trường tự lọc "ảo" trong nhóm, về tinh thần, "ảo" trong nhóm bằng 0.
Vì thế, khi tham gia nhóm tuyển sinh chung, các trường thuận tiện trong việc trao đổi thông tin để điều chỉnh điểm trúng tuyển sát với thực tế.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận