Hàng ngàn người tham gia lễ mittinh sáng 1-6 - Ảnh: PHAN THANH CƯỜNG
Phát biểu tại lễ phát động, Phó thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng cho biết Trái đất - ngôi nhà chung của nhân loại - đang phải đối mặt với những thách thức nghiêm trọng do suy thoái, ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu và nước biển dâng cũng như việc khai thác, sử dụng quá mức, thiếu bền vững biển, đại dương gây ra.
Là đất nước có bờ biển dài, vừa trải qua quá trình phát triển dựa vào các nguồn tài nguyên thiên nhiên, nhân lực giá rẻ, Việt Nam đang phải đối mặt những thách thức rất lớn trong giải quyết vấn đề môi trường, phát triển bền vững kinh tế biển.
Tình trạng ô nhiễm môi trường đất, nước, không khí, suy giảm đa dạng sinh học, xâm nhập mặn, cạn kiệt tài nguyên biển, xói lở và xâm thực biển đang đe dọa trực tiếp đến phát triển kinh tế, sức khỏe và sinh kế bền vững cho hàng triệu người dân, nhất là các nhóm yếu thế.
"Thực tế đó đòi hỏi tất cả chúng ta phải nỗ lực có các giải pháp tổng thể để giải quyết những thách thức đã và đang đe dọa đến sự sống còn của cả hành tinh xanh và của chính chúng ta.
Hôm nay, tại tỉnh Bạc Liêu, nơi cũng đang phải chịu những tác động lớn của xâm thực bờ biển, nước biển dâng, chúng ta hãy cùng nhau tăng cường nhận thức và cùng đặt quyết tâm hành động", Phó thủ tướng kêu gọi.
Các lực lượng tham gia lễ mittinh sáng 1-6 - Ảnh: CHÍ QUỐC
Phó thủ tướng cũng đặt ra một số yêu cầu.
Thứ nhất, tăng cường bảo vệ môi trường biển, đảo; nâng cao nhận thức về biển và đại dương, xây dựng xã hội, ý thức, lối sống, hành vi văn hóa gắn bó, thân thiện với biển trên cơ sở thực hiện tốt chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Chính phủ sẽ sớm ban hành kế hoạch tổng thể và kế hoạch 5 năm thực hiện để bộ, ban ngành và địa phương thực hiện, trong đó phải ưu tiên nguồn lực, quyết liệt tổ chức thực hiện.
Thứ hai, tăng cường công tác quản lý nhà nước về tài nguyên và môi trường, trong đó đẩy mạnh công tác quản lý, bảo vệ môi trường ngay từ trong đất liền thông qua từng bước chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng bền vững; thúc đẩy phát triển kinh tế tuần hoàn để tận dụng được tối đa tài nguyên, đồng thời giảm tối đa lượng chất thải ra môi trường nói chung và môi trường biển nói riêng.
Thứ ba, tiếp tục bổ sung, hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, đảm bảo bám sát thực tế và theo kịp tiến trình phát triển và hội nhập quốc tế của đất nước.
Tăng cường phổ biến, tuyên truyền những chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước về tài nguyên và môi trường đến cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trên cả nước.
Thứ tư, rà soát, bổ sung và xây dựng mới đồng bộ các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch liên quan đến biển, đảo theo hướng quản lý tổng hợp, phù hợp với hệ sinh thái biển, bảo đảm sự gắn kết hài hòa, đồng bộ giữa bảo tồn và phát triển các vùng đất liền, vùng ven bờ, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa.
Đề xuất được những chương trình, dự án tổng hợp mang tính liên vùng, liên lĩnh vực nhằm giải quyết những mâu thuẫn, xung đột trong khai thác, sử dụng tài nguyên biển, các nguyên nhân sâu xa của ô nhiễm, suy thoái môi trường, suy giảm đa dạng sinh học, biến đổi khí hậu…
Thứ 5, chung tay cùng cộng đồng quốc tế bảo vệ môi trường, giữ gìn màu xanh của biển; lên án và phản đối các hoạt động, hành vi thiếu trách nhiệm làm ô nhiễm môi trường, xâm phạm tới tài nguyên thiên nhiên, hủy hoại các hệ sinh thái.
Sẵn sàng và tham gia tích cực các hoạt động hợp tác về bảo vệ môi trường, biển và hải đảo ở cấp độ quốc tế, khu vực.
Kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ chủ quyền và các lợi ích hợp pháp, chính đáng của quốc gia trên biển; giữ gìn môi trường hòa bình, ổn định và hợp tác để phát triển...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận