Vì vậy, khi dùng thuốc kháng sinh cần lưu ý để tránh những sai lầm sau:
Tự ý dùng thuốc kháng sinh
Con người không cần thuốc hàng ngày, chỉ cần khi có bệnh. Vì thế, trước hết phải xem bệnh nặng hay nhẹ, có cần thiết phải dùng kháng sinh hay không, nếu là bệnh do virus thì có uống bao nhiêu thuốc kháng sinh cũng không có tác dụng.
Kháng sinh là con dao hai lưỡi, chúng diệt vi khuấn gây bệnh, nhưng cũng diệt cả vi khuẩn có lợi cho cơ thể. Khi không cần mà uống vào gan, thận phải làm việc nhiều để thải độc, ảnh hưởng đến chức năng gan, thận, bệnh không khỏi, người mệt mỏi, ăn uống kém và kèm theo rất nhiều tác dụng phụ khác do kháng sinh gây nên.
Dùng kháng sinh liều cao, nhiều loại cho nhanh khỏi
Đúng là bệnh sẽ khỏi nhanh hơn. Tuy nhiên, cần phải biết khi phối hợp với nhau liều cao thì cũng sẽ tỷ lệ thuận với nguy cơ gặp tác dụng phụ như: dị ứng, nhẹ thì ngứa ngáy khó chịu, nổi ban, nặng có thể dẫn đến tử vong do sốc phản vệ.
Điều quan trọng nữa là phối hợp thuốc cũng có thể làm giảm tác dụng của nhau vì thế cần phải dùng thuốc kháng sinh theo đơn của bác sĩ.
Thấy đỡ bệnh là thôi không dùng
Chưa dùng hết liều kháng sinh nhưng người bệnh đã cảm thấy khỏe hơn, triệu chứng bệnh dã giảm, nghĩ đã khỏi nhiều người liền bỏ thuốc. Tuy nhiên khi đó vi khuẩn có thể mới chỉ bị tiêu diệt một phần, bị yếu đi chứ chưa bị loại trừ hoàn toàn. Vì thế, nếu bỏ thuốc, rất có thể chúng sẽ phục hồi, tiếp tục gây bệnh và làm chúng nhờn thuốc.
Một nguyên tắc quan trọng khi sử dụng kháng sinh là phải đúng liều, đúng phác đồ. Có loại chỉ dùng một liều duy nhất, 5 đến 7 ngày, còn như phác đồ điều trị lao thì phải kéo dài 6 tháng. Vì thế cần phải uống kháng sinh theo chỉ định của bác sĩ.
Đã dùng kháng sinh thì phải dùng loại xịn
Dùng kháng sinh thế hệ mới, hiệu quả điều trị bệnh thường mạnh hơn, nhanh hơn vì chúng nhạy cảm với nhiều loại vi khuẩn hơn kháng sinh cũ. Tuy nhiên, kháng sinh được xem là thứ vũ khí cuối cùng cho người bệnh trong rất nhiều tình huống nguy cấp.
Một số người khi chỉ mắc bệnh nhẹ đã tự ý mua và dùng các loại thuốc ngoại, thế hệ mới, đắt tiền, để điều trị; nên khi mắc bệnh nặng thì cơ thể đã quen với tất cả các loại kháng sinh, dẫn đến việc điệu trị bệnh khó khăn hơn.
Không đỡ thì đổi thuốc
Kháng sinh cũng giống như nhiều loại thuốc cần có thời gian nhất định để phát huy tác dụng, chứ không thể vừa uống, bệnh đã khỏi. Nhiều cha mẹ cho con uống thuốc mới được một, hai bữa, thấy bệnh không có dấu hiệu thuyên giảm đã yêu cầu bác sĩ đổi thuốc ngay. Điều này là không nên, vì sẽ gây nhờn thuốc.
Nếu thuốc không có tác dụng thì cần xem xét đến các khía cạnh như: đã tuân thủ đúng liều chưa, việc chẩn đoán, kê đơn đã đúng bệnh chưa, khả năng đáp ứng thuốc của cơ thể...
Sử dụng kháng sinh hợp lý là yếu tố quyết định để bẻ gãy vòng xoắn kháng thuốc, loại trừ nguy cơ kháng thuốc và thất bại trong điều trị. Kết quả đó chỉ có được khi kháng sinh được sử dụng theo chỉ định của thầy thuốc.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận