Lực lượng cứu hộ khẩn trương tìm kiếm 4 nạn nhân bị mất tích ở bản Nậm Há 1, xã Noong Hẻo, huyện Sìn Hồ (Lai Châu) - Ảnh: VŨ TUẤN
Sáng 28-6, lượng bùn ở điểm sạt lở bản Nậm Há 1 hạ thấp một phần, người dân và lực lượng cứu hộ đã tìm thấy thi thể em Lò Văn Kiếm - 14 tuổi bị đất đá vùi lấp. Còn 4 người khác vẫn chưa tìm thấy.
Công an tỉnh Lai Châu đã tăng cường thêm 20 chiến sĩ đến hiện trường. Khối lượng đất đá vùi lấp còn rất lớn, việc tìm kiếm các nạn nhân còn lại hết sức khó khăn.
Bất lực nhìn con bị nước cuốn ngay trước mắt
Anh Lò Văn Thơơng, cha của nạn nhân Lò Văn Kiếm vừa được tìm thấy sáng 27-6, gạt nước mắt kể lại chiều 24-6, anh và con trai lên lán để thăm nước ruộng.
Lúc đó trời mưa to, ống nước lần (ống dẫn nước từ trên núi xuống -PV) bị đứt, anh dặn con ở lại lán rồi xách dao lên đầu nguồn sửa ống nước. Vừa lên tới nơi, vạt núi sạt một phần.
Anh Thơơng chưa kịp định thần thì lại nghe một tiếng nổ lớn, cả vạt núi ầm ầm sụt xuống ngay sát chỗ anh đứng. Anh nhảy qua một mỏm đá, chạy nhanh ra chỗ khác rồi gào lên với con "Chạy đi! Chạy đi!"…
Lúc ấy trời mưa rất to, không gian tối sầm, anh Thơơng bàng hoàng nhìn căn lán trong đó có con trai của mình biến mất trong bùn đất.
"Đau xót lắm! Giá như tôi không cho cháu đi lên lán cùng thì đâu đến nỗi. Nó bảo sau này lớn lên sẽ theo bố làm trang trại. Ở huyện có nhiều anh thanh niên làm trang trại rất giàu. Thế mà nó đi sớm quá!" - giọng anh nghẹn lại.
Người thân các nạn nhân mòn mỏi chờ tin - Ảnh: VŨ TUẤN
Thoát chết nhưng chứng kiến con trai mình bị đất đá cuốn, anh Lò Văn Thơơng phần nào may mắn hơn những gia đình khác vì còn tìm thấy thi thể con. 4 người nữa vẫn mất tích trong đống hoang tàn.
Anh Lò Văn Sênh - bản Nậm Há 1, xã Noong Hẻo chống gậy lội khắp bãi bùn để tìm vợ và con gái mất tích. Một bên ống quần bết bùn đất đã rách đến đầu gối. Vừa dò dẫm lội trong bùn, anh Sênh vừa rải một mảnh bạt, gieo quẻ cầu thần linh chỉ chỗ nằm của vợ và con gái mình theo phong tục của người Thái.
Kiệt sức và mệt mỏi nhưng người đàn ông này chưa khi nào tuyệt vọng. Từ lúc nghe tin dữ đến nay, anh Sênh đã chạy theo dọc con suối đến tận sông Đà hi vọng tìm được người thân.
Đã 5 ngày nay, ngày nào người đàn ông này cũng rơi nước mắt. Lúc vì thương vợ, thương con, khi lại cảm động vì nhưng lời động viên và sự giúp đỡ của người thân, của chính quyền và những người cứu hộ.
Sáng 27-6, nhận món quà hỗ trợ từ Hội Chữ thập đỏ, anh Sênh bật khóc: "Cảm ơn cán bộ nhiều! Tôi buồn lắm, ngày nào cũng khóc, chỉ mong các anh bộ đội, công an sớm tìm ra vợ, con tôi".
Bà Lò Thị Thom mòn mỏi chờ tin người thân - Ảnh: VŨ TUẤN
Chạy đua với thời tiết
Trời lúc mưa, lúc tạnh ở Nậm Há 1. Hơn 50 người thuộc các lực lượng công an, quân đội, dân quân ra sức đào đất, tìm kiếm những người còn lại. Không thể đưa máy móc đến hỗ trợ, họ chỉ dùng xẻng, đào bùn thành rãnh lớn để nước suối xối bớt bùn đi.
Ông Lò Văn Đôi - bác ruột của nạn nhân Lò Thị Đấng - tay không cào bùn giúp lực lượng cứu hộ. Hai bàn tay bị đá cào bật máu nhưng ông Đôi vẫn không có cảm giác đau. "Chỉ mong tìm được cháu mình, chẳng nỗi đau nào bằng nỗi đau không tìm thấy người thân" - ông Đôi chia sẻ.
Ngày thứ 4 tìm kiếm, lượng bùn hạ xuống, hy vọng của người thân các nạn nhân tăng lên. Một số đoạn đường bị sạt lở đã thông, nhiều người tiếp cận được hiện trường hơn.
Người thân các nạn nhân bỏ cả công việc đồng áng, mang cuốc, xẻng đến giúp lực lượng cứu hộ. Tuy nhiên, khối lượng bùn đất ở hiện trường rất lớn, thời tiết lại diễn biến phức tạp, nguy cơ sạt lở, lũ quét luôn đe doạ những người đang tìm kiếm.
Hơn 50 người đào đất, tìm kiếm nạn nhân từ sáng sớm, không nghỉ trưa, ăn cơm ở hiện trường. Lúc mưa to, núi dọa sạt thì lực lượng cứu hộ rút ra, thấy yên lại lao vào đào đất.
Một mặt, chính quyền địa phương chỉ đạo các lực lượng cứu hộ tiếp tục tìm kiếm, cứu hộ, mặt khác khắc phục ngay các điểm sạt lở, đưa máy móc đến hiện trường hỗ trợ những người đang bất chấp nguy hiểm tìm kiếm các nạn nhân.
Người dân xã Noong Hẻo tay không đào đắp bùn cùng lực lượng cứu hộ. - Ảnh: VŨ TUẤN
Nỗi đau mất vợ, mất con của anh Lò Văn Sênh - bản Nậm Há 1, xã Noong Hẻo, huyện Sìn Hồ (Lai Châu) - Ảnh : CHÍ TUỆ
Người thân các nạn nhân mòn mỏi chờ tin cứu hộ - Ảnh: CHÍ TUỆ
‘Bó tay’ với công tác cảnh báo, di dời người dân
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, phó chủ tịch UBND huyện Sìn Hồ Nguyễn Quốc Vương cho biết xã Noong Hẻo là một trong nhiều khu vực của huyện Sìn Hồ có mưa lớn kéo dài, hiện tại có 64 ngôi nhà bị lũ cuốn trôi và sạt lở hoặc bị vùi lấp hoàn toàn.
Tại Sìn Hồ đến nay có 11 người chết và còn 6 người mất tích. Công tác tìm kiếm những người mất tích hiện nay rất khó khăn. Tại hiện trường sạt lở núi ở xã Noong Hẻo thì diện tích sạt lở rất lớn, độ sâu cao.
Về công tác dự báo sạt lở đất tại Sìn Hồ, ông Vương cho hay, trước mỗi mùa mưa bão địa phương cũng đã lường trước được, ban chỉ huy phòng chống lụt bão của huyện cũng đã đi rà soát nhưng nơi có nguy cơ sạt lở, chỗ nào nguy hiểm thì di dời dân.
Điểm sạt lở ở xã Noong Hẻo thực ra không nằm trong điểm có nguy cơ sạt lở cao bởi đây là điểm bà con đang sản xuất ruộng bậc thang ổn định, không ngờ sạt lở lớn như vậy. Đây cũng khu là rừng tự nhiên đã khoanh nuôi tái sinh rồi tuy nhiên không biết do bên trong địa chất như thế nào mà sạt lở đất, đá với khối lượng hàng triệu mét khối như vậy.
Khi đề cập đến việc huyện ‘bó tay’ trong công tác cảnh báo, di dời người dân ra khỏi các nơi nguy hiểm, ông Vương trần tình rằng "Nói là bó tay thì cũng đúng vì thực trạng là như vậy, chúng tôi chỉ có thể khuyến cáo và tuyên truyền cho bà con bằng cách nhắn qua người nọ người kia, hoặc qua điện thoại, qua loa của bản, còn như những điểm này (PV- điểm sạt lở đất nơi bà con làm lán ở sườn núi) thì chúng ta biết làm thế nào. Thực tế là quá khó".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận