15/09/2014 10:00 GMT+7

​5 gương mặt Việt ở Busan

CÁT KHUÊ
CÁT KHUÊ

TT - Lần đầu tiên tại LHP quốc tế lớn nhất châu Á - LHP Busan lần thứ 19 - có sự biểu dương lực lượng của các nhà làm phim Việt với năm cái tên vừa quen vừa lạ.

Phim Dịu dàng
Phim Dịu dàng

Không phải lần đầu tiên, những cái tên Việt có trên thông tin của Liên hoan phim (LHP) Busan (Hàn Quốc). Bởi nhiều năm trước, lần lượt những cái tên như Đặng Nhật Minh, Nguyễn Phan Quang Bình, Lưu Huỳnh, Bùi Thạc Chuyên, Phan Đăng Di, Vũ Ngọc Đãng, Nguyễn Hoàng Điệp đã từng được xướng danh ở nơi chốn đáng tự hào cho dân làm phim châu Á này.

Nhưng khi cả năm đạo diễn VN cùng có mặt ở Busan thì đích thực là tín hiệu đáng mừng cho điện ảnh Việt...

Tại LHP Busan năm nay (diễn ra từ ngày 2 đến 11-10), dự án Tiệc trăng tròn (Full moon party) của Phan Đăng Di được mời tham gia hạng mục Asian project market cùng với 29 dự án khác để cùng tìm kiếm cơ hội sản xuất hoặc có được nguồn kinh phí đầu tiên.

Đây là dự án phim điện ảnh thứ ba của Phan Đăng Di. Để đến Busan, Phan Đăng Di sẽ bay từ Pháp qua bởi thời gian diễn ra LHP cũng là thời gian Phan Đăng Di đang làm hậu kỳ cho dự án điện ảnh thứ hai của mình - Cha, con và...

Trong 12 hạng mục của LHP Busan, hạng mục cho khán giả một cái nhìn khá toàn cảnh, toàn diện về điện ảnh châu Á trong một năm qua là hạng mục Một cửa sổ điện ảnh châu Á (A window on Asian cinema).

Năm nay, hạng mục này có 57 phim đến từ 28 quốc gia và vùng lãnh thổ của châu Á bao gồm Hong Kong, Nhật, Hàn Quốc, Lào, Malaysia, Ấn Độ, Myanmar, Trung Quốc... Việt Nam có bốn đại diện - một con số đáng kể nếu nhìn vào tỉ lệ 57/28, với những cái tên vừa quen vừa lạ với chính khán giả trong nước.

Phim Đập cánh giữa không trung
Phim Đập cánh giữa không trung
Phim Nước
Phim Nước
Phim Người truyền giống - bốn phim Việt Nam trên có mặt ở hạng mục Một cửa sổ điện ảnh châu Á tại LHP quốc tế Busan năm nay - Ảnh: ĐPCC
Phim Người truyền giống - bốn phim Việt Nam trên có mặt ở hạng mục Một cửa sổ điện ảnh châu Á tại LHP quốc tế Busan năm nay - Ảnh: ĐPCC

Đạo diễn Nguyễn Võ Nghiêm Minh và Nguyễn Hoàng Điệp giờ đây đã không còn là người lạ của điện ảnh Việt. Nhưng cả Nước (2030) và Đập cánh giữa không trung (Flapping in the middle of nowhere) thì lạ, bởi vì hai phim này chỉ mới chu du nước ngoài (Nước ở hạng mục Panorama của LHP Berlin, Đập cánh giữa không trung tham gia hạng mục Critics week của LHP Venice và Discovery của LHP Toronto).

Nếu như chỉ với Mùa len trâu, Nguyễn Võ Nghiêm Minh đã khắc vào tâm trí khán giả yêu điện ảnh một đạo diễn phim có ngôn ngữ điện ảnh vừa giàu chất thơ vừa suy tưởng thì Khi quay đầu lại có thể coi là một thất bại của đạo diễn này ở dòng phim thị trường.

May mắn là anh không bỏ cuộc chơi khi Nước (2030) với thể loại viễn tưởng đã một lần nữa khẳng định thế mạnh thật sự về thẩm mỹ điện ảnh của Nguyễn Võ Nghiêm Minh. Và khác với Nguyễn Võ Nghiêm Minh, Đập cánh giữa không trung là phim dài đầu tay của Nguyễn Hoàng Điệp.

Còn Bùi Kim Quy và Lê Văn Kiệt? Trước tiên phải nói cái tên quen mà lạ Lê Văn Kiệt - một đạo diễn Việt kiều trẻ, được biết đến ở VN qua phim Ngôi nhà trong hẻm (phim kinh dị). Nhưng trước đó, Lê Văn Kiệt đã là cái tên đạo diễn được người Việt ở hải ngoại biết đến qua Bụi đờiSầu ngư - hai phim được đánh giá khá cao.

Đến với Busan lần này, Lê Văn Kiệt lại trình làng một dự án rất khác, dự án có cái tên rất nữ tính là Gentle - Dịu dàng. Đây là một phim về miền Tây Nam bộ, dựa trên truyện Một sinh vật dịu dàng của nhà văn Nga Fyodor Dostoyevsky.

Phim có sự góp mặt chính của Dustin Nguyễn và Thanh Tú (con gái của diễn viên Kiều Trinh - diễn viên chính trong phim Mùa len trâu, Bi, đừng sợ!, Rừng đen...).

Khác với cả ba cái tên kể trên, nữ đạo diễn Bùi Kim Quy có vẻ là một người kín tiếng, người trong nghề quen với tên Kim Quy như một biên kịch hơn là đạo diễn dù Cái đệm - một phim ngắn của Kim Quy - từng đoạt giải nhất liên hoan phim ngắn VN.

Dự án phim dài Người truyền giống (The inseminator) của Kim Quy được LHP Busan tuyển chọn lần này là câu chuyện về ba con người. Người cha đang chuẩn bị tự tử. Đứa con trai thiểu năng cần có người đàn bà ở bên cạnh. Cô con gái phải trung thành với một lời thề độc.

Ba con người ấy bị rơi vào giấc mơ của nhau mà không biết. Cuối cùng chỉ có cái chết mới giúp họ tỉnh giấc. Bộ phim này được Kim Quy cùng êkip quay ở Sa Pa (Lào Cai) khoảng một tháng với tổng kinh phí chưa đến 150 triệu đồng.

Điện ảnh Việt còn thờ ơ với Busan

LHP quốc tế Busan là LHP lớn nhất của châu Á về quy mô, đặc biệt là khu vực Chợ phim (Film market). Chợ phim là nơi các hãng sản xuất, phát hành, các tổ chức điện ảnh gặp gỡ, trao đổi, ký kết hợp đồng bán phim, phát hành, sản xuất hay các dạng thức hợp tác khác trong lĩnh vực điện ảnh.

Cho đến nay, BHD vẫn là công ty duy nhất của VN có mặt thường xuyên tại chợ phim này. Trong khi đó, chỉ xét các nước trong khu vực Đông Nam Á như Thái Lan, Singapore, Indonesia... đã có hàng chục gian hàng của các hãng tư nhân, bên cạnh đó họ còn có các gian hàng quốc gia để giới thiệu về điện ảnh của mỗi nước, các cơ hội hợp tác, trao đổi làm phim...

Tiếc là một gian hàng chính thức như vậy để giới thiệu về điện ảnh VN trên phương diện quốc gia chưa từng xuất hiện tại chợ phim lớn nhất này và cũng chưa biết đến khi nào mới xuất hiện.

Trong khuôn khổ các chương trình chiếu phim và trong 12 hạng mục của LHP, hạng mục New curent là hạng mục được chú ý nhất của Busan, vì đây là hạng mục phim dự thi, được chọn trong số các phim châu Á mới sản xuất và chưa từng chiếu ở một LHP quốc tế nào trước đó.

Năm ngoái, Đó hay đây (Síu Phạm) nằm trong hạng mục này, trước đó nữa thì có Cánh đồng bất tận (Nguyễn Phan Quang Bình) và Áo lụa Hà Đông (Lưu Huỳnh).

CÁT KHUÊ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên