Hiện nay Phần Lan đang chuẩn bị cải cách chương trình khung quốc gia về giáo dục, và chương trình mới sẽ được áp dụng từ năm 2016.
Tiến sĩ Nguyễn Khánh Trung của Viện Nghiên cứu phát triển giáo dục (IRED) đã dành nhiều thời gian nghiên cứu sâu về vấn đề trên. Được sự đồng ý của tác giả, chúng tôi xin phép trích những ý chính trong mục cải cách chương trình khung quốc gia về giáo dục Phần Lan, trong quyển sách Giáo dục Việt Nam và Phần Lan xuất bản cuối năm 2014 của ông.
Phụ huynh, học sinh cũng tham gia hiến kế
Theo TS Nguyễn Khánh Trung, có năm chủ thể chính đóng góp cho chương trình khung giáo dục quốc gia của Phần Lan bao gồm nhà nước, hiệu trưởng, giáo viên, học sinh và phụ huynh. Trong đó, Nhà nước Phần Lan gồm Quốc hội, Chính phủ, Bộ Giáo dục và văn hóa, Hội đồng Giáo dục quốc gia biên soạn chương trình khung quốc gia, xét duyệt và cấp phép cho các bộ sách giáo khoa.
Đại diện các hiệu trưởng tham gia việc biên soạn chương trình khung quốc gia, chương trình giáo dục địa phương, chương trình riêng của trường và chọn sách giáo khoa sử dụng ở trường trong sự trao đổi với giáo viên.
Giáo viên chủ động tham gia việc biên soạn nội dung chương trình giáo dục địa phương, của trường và quyết định chọn sách giáo khoa để sử dụng, lựa chọn những chất liệu, nội dung phục vụ việc giảng dạy trong lớp.
Học sinh có thể đóng góp với giáo viên trong việc lựa chọn môn học và thời lượng học thuộc thẩm quyền của trường, cùng với giáo viên lựa chọn một số nội dung và chất liệu học tập trong các tiết học.
Phụ huynh, đại diện hiệp hội phụ huynh tham gia việc biên soạn chương trình khung quốc gia, không tham gia trực tiếp vào việc biên soạn chương trình địa phương; nhưng gián tiếp bằng cách viết thư, điện thoại, gặp trực tiếp, trao đổi với cán bộ, hiệu trưởng và giáo viên, sử dụng lá phiếu của mình để bầu ra các cấp chính quyền đại diện cho tiếng nói của mình, đóng góp vào những nội dung giảng dạy thuộc thẩm quyền của trường.
Như vậy, việc xây dựng chương trình khung quốc gia về giáo dục đều có sự đóng góp của tất cả thành phần trong xã hội, chứ không chỉ thẩm quyền riêng của một bộ phận nào đó, hay chuyện riêng của Bộ Giáo dục Phần Lan.
Cân bằng giữa đại học và đào tạo nghề
Tháng 5-2015, đoàn nhà báo quốc tế (trong đó có Việt Nam) tham dự chuyến đi thực tế tìm hiểu môi trường giáo dục ở Phần Lan.
Ở Phần Lan, học sinh bắt buộc phải hoàn thành bậc giáo dục cơ bản (basic education, từ lớp 1 đến lớp 9), sau đó sẽ có hai lựa chọn: một là tiếp tục cấp học general secondary school (thời gian học chuyển từ bậc giáo dục cơ bản lên đại học), hai là chuyển sang học nghề.
Bà Anita Lehikoinen, thứ trưởng Bộ Giáo dục và văn hóa Phần Lan, thông báo với đoàn nhà báo chúng tôi rằng: ngày càng nhiều học sinh Phần Lan chọn học nghề. Hiện nay, sau khi tốt nghiệp bậc học cơ bản, 42% học sinh Phần Lan chọn học nghề.
Theo bà thứ trưởng, thị trường lao động ở Phần Lan đòi hỏi những kỹ năng nghề nghiệp linh hoạt. Do đó mục tiêu của giáo dục và đào tạo nghề ở Phần Lan chính là đào tạo ra lực lượng lao động, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của doanh nghiệp.
Bà Anita Lehikoinen cho biết sau sự sụp đổ của đế chế điện thoại di động Nokia, Chính phủ Phần Lan quyết định cải cách giáo dục đại học và học nghề, trong đó tập trung hỗ trợ và khuyến khích khởi nghiệp trong sinh viên, chủ yếu là ở lĩnh vực công nghệ.
Ông Pasi Halmari ở ĐH Khoa học ứng dụng Haaga-Helia, thủ đô Helsinki, nói với chúng tôi rằng: dạy nghề ngày càng được chú trọng ở Phần Lan. Các trường dạy nghề ở Phần Lan đều liên kết mật thiết với các doanh nghiệp, nhà tuyển dụng. Học nghề kéo dài ba năm, trong đó có nửa năm thực tập công việc trong thực tế.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận