22/08/2021 09:11 GMT+7

4 tháng nữa, bác sĩ Nhẫn sẽ trọn nghiệp

HOÀNG LỘC - CẨM NƯƠNG
HOÀNG LỘC - CẨM NƯƠNG

TTO - Chỉ còn gần 4 tháng nữa, bác sĩ Trịnh Hữu Nhẫn - trạm trưởng Trạm y tế xã Phước Lộc (huyện Nhà Bè, TP.HCM) - sẽ về hưu. Nhưng ngày ấy đã không bao giờ đến.

4 tháng nữa, bác sĩ Nhẫn sẽ trọn nghiệp - Ảnh 1.

Bác sĩ Trịnh Hữu Nhẫn - trạm trưởng Trạm y tế xã Phước Lộc (Nhà Bè) - khi còn sống, luôn quan tâm thăm khám và giải thích cặn kẽ cho bà con về các bệnh lý gặp phải - Ảnh: gia đình cung cấp

COVID-19 tràn về đã tấn công cộng đồng, tấn công ông khiến vị bác sĩ đã 38 năm theo nghề chuyên nghiệp không thể trọn nghiệp. Công đoàn y tế Việt Nam cho biết đến thời điểm này đã có 3 nhân viên y tế hy sinh trong cuộc chiến chống dịch và hàng ngàn nhân viên y tế bị lây nhiễm COVID-19. 

Ngoài bác sĩ Nhẫn còn có nữ điều dưỡng Trần Thị Phương Hằng (42 tuổi, quận Bình Thạnh, TP.HCM) và nữ hộ sinh Dương Nguyễn Thùy Trinh (32 tuổi, Bình Dương).

Tư vấn ngay cả trên gường bệnh

Những ngày cuối tháng 5, huyện Nhà Bè bắt đầu xuất hiện những ca mắc COVID-19 đầu tiên. Bác sĩ Nhẫn, lúc ấy là trưởng Trạm y tế xã Phước Lộc, cùng với 4 nhân viên của mình bắt đầu lao vào "cuộc chiến" chống dịch. 

Bà Thân Ngọc Hương, vợ bác sĩ Nhẫn, nói khi chồng tham gia công tác chống dịch, gia đình đã rất lo lắng bởi tuổi đã cao, sức cũng yếu, ông lại mang trong mình căn bệnh cao huyết áp kinh niên. Nhưng là trạm trưởng trạm y tế, bác sĩ Nhẫn đã không đứng ngoài, dù chỉ còn 4 tháng nữa là về hưu. Bà Hương nói bà tin trong người chồng mình có lương tâm người thầy thuốc nên ông cương quyết lên đường chống dịch.

Những ngày bác sĩ Nhẫn chống dịch không về nhà ấy, bà Hương nói khi biết chồng mình phải ăn mì gói trực chiến thường xuyên thì rất buồn và thương. Nhưng đã lao vào chống dịch, bác sĩ Nhẫn dù rất nhớ con cháu nhưng ông hiểu rằng mình không thể về nhà, có chăng chỉ có thể đứng trước cổng vẫy tay chào đứa cháu mới tròn 10 tháng tuổi.

Trong đợt lấy mẫu giữa tháng 7, ông Nhẫn được phát hiện mắc COVID-19. Không hiểu sao, cả gia đình sau đó đều mắc COVID-19. Tất cả đều được chuyển đến Bệnh viện dã chiến số 6 (TP Thủ Đức) để điều trị. Tuy nhiên, do có bệnh lý nền, ông tiếp tục được chuyển đến Bệnh viện hồi sức COVID-19 trong tình trạng suy hô hấp, suy tim. Và chỉ sau 2 tuần điều trị hồi sức tích cực, đến ngày 4-8 bác sĩ Nhẫn đã ra đi...

Bà Hương chia sẻ quãng thời gian khi còn nằm điều trị hồi sức, ông vẫn luôn tận tâm với bệnh nhân ngay cả khi sức khỏe của mình đang nằm giữa lằn ranh sự sống và cái chết. Ông vẫn hằng ngày gọi điện hỏi thăm tình hình dịch bệnh ở xã; sức khỏe của người dân ở xã. "Có người dân trong xã không biết ổng nằm viện, họ gọi điện nhờ tư vấn bệnh. Chân tay ông ấy sưng phù nhưng vẫn cố gắng tư vấn cặn kẽ" - bà Hương nhớ lại.

4 tháng nữa, bác sĩ Nhẫn sẽ trọn nghiệp - Ảnh 2.

Bác sĩ Nhẫn (phải) cùng nhân viên trạm y tế ngồi xuồng tuyên truyền người dân phòng chống dịch - Ảnh: gia đình cung cấp

Mất chỗ dựa vững chắc

Bác sĩ Trần Minh Hoàng - giám đốc Trung tâm Y tế huyện Nhà Bè - cho biết bác sĩ Nhẫn bắt đầu công tác tại huyện Nhà Bè từ tháng 9-1981 và sẽ được hưởng chế độ hưu trí từ ngày 1-12-2021. Như vậy tính đến nay đã có 40 năm công tác trong ngành y tế, trong đó có đến 38 năm gắn bó với Trạm y tế xã Phước Lộc - theo bà Hương. 

Dược sĩ Trần Thị Kim Trang - phó Trạm y tế Phước Lộc - chia sẻ khi bác sĩ Nhẫn mất, công tác chống dịch trên địa bàn gặp thêm đủ thứ khó khăn. Cái "khó đủ thứ" mà dược sĩ Trang nhắc tới đó là hiện nay trạm y tế chỉ còn 4 nhân viên nhưng không có ai là bác sĩ cả.

Đang trên đường chuyển bệnh nhân F0 đi cấp cứu, y sĩ Huỳnh Tuấn Vinh, người có thời gian làm việc chung với bác sĩ Nhẫn 5 năm qua, chia sẻ rằng không thể quên hình ảnh một người sếp hiền lành, tận tâm và luôn chăm lo cho nhân viên chu đáo. 

"Hiền" đến nỗi nếu nhân viên "chống" không làm đúng ý, bác sĩ Nhẫn lại âm thầm "dọn lại". "Bác Nhẫn luôn từ tốn, nhỏ nhẹ động viện anh em cấp dưới cùng nhau nỗ lực làm việc" - y sĩ Vinh chia sẻ.

Trong hồi tưởng của mình, y sĩ Vinh còn nói anh nhớ nhất "một người anh" rất sạch sẽ, cứ sáng sáng khi đến cơ quan và chiều chiều khi xong việc, bác sĩ Nhẫn lại cầm cây chổi quét khắp khuôn viên trạm y tế hốt rác để đốt. Nhờ vậy trạm lúc nào cũng sạch sẽ tinh tươm.

"Trạm chỉ có một bác sĩ, khi bác mất anh em mất đi một chỗ dựa lớn, tinh thần làm việc của mọi người vì thế cũng có phần giảm sút. Nhưng với tình hình này, anh em phải tự động viên nhau cố gắng làm việc, cứu giúp được càng nhiều người bệnh càng tốt..." - y sĩ Vinh nghẹn ngào.

Lương tâm thầy thuốc

Đã 17 ngày chồng ra đi, bà Hương nói vẫn còn văng vẳng lời ông trấn an gia đình khi lên đường chống dịch: "Nếu tôi nghỉ trong trạm nhân lực chỉ còn lại bốn người, lương tâm tôi không cho phép, công việc nặng nề sao mà nỡ thấy anh em gánh hết được".

Bác sĩ Nhẫn đã ra đi và nguyện vọng duy nhất mà ông gửi gắm lại cho 2 đứa con, cho 2 đứa cháu ngoại và cho cả người vợ đồng hành cùng mình suốt 40 năm qua đó là mong ước thành phố mau chóng vượt qua dịch bệnh, mọi người đều bình an. "Để sự hy sinh của anh không vô nghĩa..." - bà Hương kể lại lời trăng trối của chồng.

Xa gia đình đến ngày qua đời

Bác sĩ Nguyễn Anh Dũng - giám đốc Bệnh viện Nhân dân Gia Định - cho biết nữ điều dưỡng Trần Thị Phương Hằng công tác tại khoa hồi sức tích cực của bệnh viện từ tháng 1-2003. Từ ngày 27-7-2021 khi Bệnh viện Nhân dân Gia Định chuyển đổi công năng khoa hồi sức tích cực chống độc thành khoa hồi sức COVID-19 cũng là lúc chị Hằng phải xa gia đình, xa hai con nhỏ đang học lớp 9 và lớp 5, lưu trú tại khách sạn sau giờ làm việc căng thẳng.

Nữ điều dưỡng được xác định mắc COVID-19 ngày 31-7, nhập viện điều trị ngày 1-8 và qua đời ngày 13-8. "Khi có xét nghiệm đủ điều kiện xuất viện, chị có nguyện vọng về nhà mẹ ruột tại huyện Xuân Lộc, Đồng Nai tiếp tục cách ly. Bệnh viện đã cử xe cứu thương cùng nhân viên điều dưỡng đưa chị về, nhưng vừa về đến nhà chị đột ngột trở nặng khó thở, được chuyển ngay đến Trung tâm Y tế Xuân Lộc và mất tại đây" - bác sĩ Dũng chia sẻ.

Sự hy sinh đáng quý

235333804_355057412927538_5070411146175858205_n 4(read-only)

Theo dõi sức khỏe của bệnh nhân COVID-19 qua camera tại Bệnh viện dã chiến hồi sức cấp cứu tỉnh Bình Dương - Ảnh: B.S.

Tại Bình Dương, nữ hộ sinh Dương Nguyễn Thùy Trinh đã tử vong khi chăm sóc bệnh nhân thông thường tại khoa sản Bệnh viện Đa khoa tỉnh.

Thương tâm hơn, nữ hộ sinh qua đời khi đang mang thai hơn 20 tuần tuổi. Mặc dù đã được các đồng nghiệp tận tình cứu chữa nhưng chị vẫn không qua khỏi, phải chia lìa đứa con khác chỉ mới 3 tuổi và bỏ dở khóa học bồi dưỡng thêm chuyên môn nghiệp vụ.

Theo Sở Y tế tỉnh Bình Dương, mặc dù không trực tiếp chăm sóc cho bệnh nhân COVID-19 vì đang mang thai, nhưng nữ hộ sinh Thùy Trinh cũng hy sinh khi đang đóng góp cho "tuyến đầu" chăm sóc sức khỏe nhân dân. Trong bối cảnh các cơ sở y tế đều quá tải vì số lượng bệnh nhân COVID-19 tăng đột biến, các nhân viên y tế phải căng mình choàng gánh vừa cứu chữa cho bệnh nhân COVID-19 nhưng cũng không thể "bỏ quên" những bệnh nhân thông thường.

Trong đó, nữ hộ sinh Thùy Trinh đã làm việc liên tục tại bệnh viện để chăm sóc cho các sản phụ và em bé để "chia lửa" với các đồng nghiệp. Mặc dù bệnh viện có kiểm soát đầu vào, test nhanh COVID-19 nhưng không có nghĩa mầm bệnh không còn nên các nhân viên y tế vẫn đối mặt với nguy cơ lây nhiễm rất cao.

Bác sĩ Nguyễn Hồng Chương, giám đốc Sở Y tế tỉnh Bình Dương, cho biết sở đồng thuận với chủ trương của Công đoàn y tế Việt Nam đề nghị công nhận danh hiệu liệt sĩ cho nhân viên y tế tử vong trong khi làm nhiệm vụ, trong đó có nữ hộ sinh Thùy Trinh. Theo bác sĩ Chương, sự ghi nhận với các nhân viên y tế đã tử vong còn là lời động viên các bác sĩ, nhân viên y tế vững niềm tin đấu tranh với COVID-19 nói riêng và bảo vệ sức khỏe nhân dân nói chung trong lúc dầu sôi lửa bỏng này.

Tại Bình Dương, với trên 60.000 ca F0 đã được ghi nhận, hiện còn hàng chục ngàn người được điều trị tại các cơ sở y tế. Vì vậy, ngoài các bác sĩ, nhân viên của các cơ sở y tế, còn có hàng ngàn tình nguyện viên, sinh viên y khoa, bác sĩ, điều dưỡng từ nhiều tỉnh, thành phố đang hỗ trợ phòng chống dịch trong hầu hết các công đoạn như lấy mẫu test nhanh, tiêm vắc xin và trực tiếp điều trị, chăm sóc cho bệnh nhân.

BÁ SƠN

Nữ hộ sinh Bình Dương tử vong vì COVID-19 khi mang thai hơn 20 tuần Nữ hộ sinh Bình Dương tử vong vì COVID-19 khi mang thai hơn 20 tuần

TTO - Nữ hộ sinh Dương Nguyễn Thùy Trinh (32 tuổi, công tác tại khoa sản Bệnh viện Đa khoa tỉnh) tử vong do mắc COVID-19 khi mang thai hơn 20 tuần tuổi.

HOÀNG LỘC - CẨM NƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên