Ngân hàng Nhà nước - cơ quan quản lý ngoại hối - cần đánh giá, rà soát việc người Việt chuyển tiền mua bất động sản ở nước ngoài - Ảnh minh họa: QUANG ĐỊNH |
65 triệu USD Đó là số tiền đầu tư ra nước ngoài vào bất động sản có đăng ký với Bộ KH-ĐT (từ tháng 7-2015 đến 6-2017). |
Đó là cảnh báo của nhiều chuyên gia trước thông tin người Việt chuyển 3,06 tỉ USD sang Mỹ mua nhà năm 2016.
Tiền chạy qua chạy lại thế nào?
Giải đáp việc tiền từ VN chuyển sang Mỹ hay các nước dễ dàng mà không cần chuyển tiền thật, vậy các “chi nhánh” tại Mỹ lấy tiền đâu chi trả, một vị chuyên gia tài chính (đề nghị giấu tên) cho rằng cần đánh giá 3 tỉ USD mà người Việt mua nhà ở Mỹ có bao nhiêu nguồn gốc từ trong nước?
Dịch vụ chuyển tiền này, theo vị chuyên gia, khá thuận vì phía bên Mỹ cũng có những người Việt có nhu cầu chuyển tiền về cho thân nhân ở VN.
Bên cạnh đó, thông thường ở Mỹ, tiền chuyển từ tài khoản của tổ chức làm dịch vụ này vào tài khoản của người Việt. Khi đó, tiền vẫn nằm trong ngân hàng nên dễ được xem là tiền sạch...
Tiền ở đâu ra?
Theo TS Trần Vinh Dự - chủ tịch Trung tâm quốc tế, Đại học Broward College (Mỹ) tại VN, câu chuyện người Việt chi 3,06 tỉ USD mua nhà ở Mỹ xét ở khía cạnh nào đó phản ánh người VN đang giàu lên.
Tuy nhiên, giá trị của một ngôi nhà ở Mỹ rất lớn, việc có thể chuyển một số tiền lớn như vậy ra nước ngoài là một thách thức với quản lý ngoại hối của VN.
Ông Dự cũng đặt câu hỏi thứ hạng cao của VN với tư cách một trong những quốc gia mua nhà nhiều ở Mỹ, có tương thích với tốc độ tăng trưởng GDP của đất nước? Nếu cao hơn thì phải đặt câu hỏi nguồn tiền này ở đâu?
TS Lê Đăng Doanh, nguyên thành viên Ban nghiên cứu của Thủ tướng, đánh giá việc người VN chi hơn 3 tỉ USD để mua nhà ở Mỹ chỉ từ tháng 3-2016 đến tháng 4-2017 (với tốc độ tăng gần 50% so với thời gian trước) cho thấy đây là xu hướng mua nhà ở Mỹ không chỉ để ở mà nhiều người còn có phương án chuẩn bị cho việc sang định cư ở Mỹ.
Ông Doanh cũng đề nghị các cơ quan chức năng nên làm rõ là đối tượng mua nhà ở Mỹ là ai và tiền đó ở đâu ra.
Đặc biệt, ông Doanh cho rằng Ngân hàng Nhà nước - cơ quan quản lý ngoại hối - cần đánh giá, rà soát xem việc người Việt chuyển tiền mua bất động sản ở nước ngoài có ảnh hưởng đến cân đối ngoại tệ của VN hay không?
Quốc hội và các cơ quan chức năng cũng nên xem xét xu thế mà người Việt đi mua nhà ở Mỹ có đúng và nếu đúng có thể cho tiếp tục hay sẽ phải ứng xử thế nào? Bởi ông Doanh cảnh báo ngoài 3 tỉ USD mua nhà ở Mỹ, mỗi năm người Việt còn chi cả tỉ USD cho con đi du học, vài tỉ USD để chữa bệnh và du lịch...
Nhiều nguy cơ...
Ông Bùi Kiến Thành, chuyên gia tài chính, cho rằng 3,06 tỉ USD người Việt bỏ ra mua nhà ở Mỹ năm 2016 là số tiền lớn, tương đương gần 70.000 tỉ đồng. Nếu số tiền này chảy ra nước ngoài, tức VN mất một lượng tiền rất lớn có thể đầu tư vào phát triển kinh tế trong nước.
Còn theo luật sư Lê Việt Hùng - Đoàn luật sư TP.HCM, “chưa bàn tới tiền sạch hay không vì VN mình chưa kiểm soát được, song có thể xem dòng tiền chạy ngược về Mỹ là tín hiệu không mấy tốt đẹp. Nó có thể dẫn đến mất cân bằng thanh toán”.
TS Nguyễn Trí Hiếu - chuyên gia kinh tế - lại băn khoăn hoạt động khá dễ dàng của dịch vụ chuyển tiền “lậu” có thể tạo ra môi trường cho đối tượng tham nhũng tẩu tán tài sản ra nước ngoài.
Với người dân, ông Hiếu cảnh báo Luật phòng chống rửa tiền của Mỹ quy định tất cả nguồn tiền mặt phải được khai báo. Do vậy dù đã mua nhà, nếu cơ quan thuế phát hiện ra nguồn tiền mua nhà không hợp pháp, người bán nhận tiền không khai báo, cơ quan thuế có thể truy cứu trách nhiệm hình sự.
Nhiều người bị lừa mất trắng tiền Không phải ai cũng chuyển tiền suôn sẻ, không ít người mất trắng tiền khi nhờ dịch vụ chuyển tiền “chui”. Bà N.T.T. (Q.1, TP.HCM) chia sẻ có trường hợp người nhà đã chuyển tiền xong xuôi cho đầu mối phía VN, nhưng bên đối tác nước ngoài “xù” không chịu chuyển tiền cho người thân của họ. |
Hai năm, chỉ gần 2 tỉ USD đầu tư ra nước ngoài Theo Bộ Kế hoạch - đầu tư, tình hình đầu tư ra nước ngoài từ ngày 1-7-2015 đến tháng 6-2017 chỉ có 193 dự án được cấp phép mới với tổng mức vốn đăng ký gần 2 tỉ USD, trong đó rất ít vào bất động sản. Cụ thể, lĩnh vực thông tin, viễn thông có 20 dự án đầu tư với số vốn đăng ký lớn nhất, đạt 863,6 triệu USD. Thứ hai là lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo, có 539,5 triệu USD... Còn theo địa bàn đầu tư, gần một nửa số vốn đầu tư ra nước ngoài của VN tập trung ở Myanmar. Tại Mỹ, với 34 dự án nhưng tổng vốn đăng ký trong 2 năm qua chỉ 149 triệu USD. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận